Núi

Hiển thị các bài đăng có nhãn Núi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Núi. Hiển thị tất cả bài đăng

Đi giữa rừng già, chinh phục núi Muối miền Tây Bắc

[tintuc]

(TTO) - Nếu bạn muốn hòa mình vào thiên nhiên, chinh phục một đỉnh núi nào đó ở Tây Bắc mà thời gian thì có hạn, núi Muối chính là một lựa chọn hoàn hảo.

< Khung cảnh bình yên ở Tây Bắc.

Núi Muối là dãy núi ở giữa 2 xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) và Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai). Tổng quãng đường từ chân núi lên đến núi Muối vào khoảng 14km.

Chỉ cần hai ngày cuối tuần, từ Hà Nội, bạn đã có thể lên Sa Pa, đi qua những bản làng xa xôi, hay ngắm nhìn những cây cổ thụ trong rừng nguyên sinh và đốt lứa trại trên đỉnh núi cao 2100m.

< Bình minh trên đỉnh Núi Muối.

Thời tiết đẹp nhất để leo núi Muối là vào từ mùa thu tới mùa xuân, thời tiết không quá lạnh cũng không quá nóng. Nếu đi vào mùa đông, phải chuẩn bị đồ ấm thật kỹ, nhưng bạn sẽ cơ hội chiêm ngưỡng băng tuyết phủ lên cây lá, đồi núi như truyện cổ tích.

Từ Hà Nội, các bạn bắt xe giường nằm đi Lào Cao hoặc Sa Pa. Từ bến xe trung tâm Lào Cao, Sa Pa, bạn sẽ phải di chuyển vào địa phận xã Sàng Ma Sáo để bắt đầu công cuộc chinh phục đỉnh núi Muối. Có thể thuê xe máy nếu đi ít người và tiết kiệm chi phí, hoặc thuê xe 16 chỗ nếu bạn đi một nhóm đông người.
Dulichgo
< Băng giá phủ trên cây lá.

Tới Sàng Ma Sáo, bạn có thể thuê porter dẫn đường, hoặc bạn tự chuẩn bị đồ ăn và tự mang vật dụng của mình leo núi. Tùy số lượng người trong đoàn mà các bạn thuê số lượng porter tương ứng. Chi phí dẫn đoàn là 300.000 đồng/ngày.

Nếu các bạn thuê porter, họ sẽ chuẩn bị đồ ăn cho cả đoàn từ gạo, thịt rau. Lên tới lán nghỉ, porter sẽ nấu nướng luôn cho cả nhóm. Để chủ động, các bạn nên đặt trước từ 1-2 ngày để các porter có thời gian chuẩn bị.

Từ điểm xuất phát, bạn đi bộ qua bản làng được bao bọc quanh những ngọn núi, ruộng bậc thang và con suối trong vắt mát lạnh.

Đường leo lên núi Muối chủ yếu là lên dốc, thỉnh thoảng sẽ có một đoạn đường bằng phẳng nên bạn sẽ nhưng bạn sẽ được trải nghiệm rất nhiều địa hình.

< Những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ.

Bạn sẽ băng qua rừng tre xanh mướt mát mà chúng tôi hay ví von như trong mấy phim của Nhật hoặc Trung Quốc hay đi giữa khu rừng già với những cây cổ thụ cao vút. Bạn cũng sẽ gặp những con suối, thác chảy ầm ầm ngày đêm giữa không gian núi rừng yên tĩnh.
Dulichgo
Đi giữa rừng già, hít căng lồng ngực mùi cỏ cây, mùi gỗ, mùi hoa, thỉnh thoảng ngồi nghỉ giữa thung lũng, phóng tầm mắt ra xa, không tiếng còi xe, không khói bụi, cả không gian yên tĩnh sẽ làm mọi mệt mỏi, đau nhức của bạn tan biến.

< Một dòng suối mát lạnh trên đường đi.

Buổi tối trên lán nghỉ ở đỉnh núi rất thú vị, ngồi quây quần bên bếp lửa tí tách, cùng bàn về những chuyến đi sắp tới. Vùi những củ khoai lang, bắp ngô vào than nóng và hồ hởi lấy khoai khô nướng ra chia cho nhau, tiếng cười nói vang. Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức món khoai nướng dân dã bình dị ở nơi núi rừng như thế này.

Trải nghiệm đáng nhớ nhất chính là đón những tia nắng đầu tiên ở đỉnh núi Muối. Từ lúc ánh nắng mặt trời làm những đỉnh núi vàng rực, cho tới khi trải dài xuống cả thung lũng, cả một khung cảnh hùng vĩ và khoáng đạt hiện ra trước mắt bạn.

Nếu may mắn, bạn sẽ gặp biển mây trắng xoá như tiên cảnh. Kể cả không có biển mây, cảnh đẹp ở đỉnh núi Muối cũng sẽ làm bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

+ Lịch trình leo núi Muối 2 ngày:

Ngày 0: Hà Nội - Lào Cai (hoặc Sa Pa)

< Đón bình minh trên đỉnh núi Muối là trải nghiệm khó quên.

Đi xe khách giường nằm hoặc đi tàu lên Lào Cai hoặc Sa Pa

Ngày 1: Lào Cai (Sa Pa) - Sàng Ma Sáo - Lán Núi Muối
Dulichgo
- Tới bến xe Lào Cai, thuê xe máy hoặc ô tô chở vào Sàng Ma Sáo. Porter sẽ đón bạn tại đây.

- Xuất phát sớm để có thể lên được lán nghỉ ở độ cao 2.100m vào lúc xế chiều. Đốt lửa trại giao lưu buổi tối

Ngày 2: Lán 2.100m - Sàng Ma Sáo - Lào Cai/Sapa


< Đường trekking lên núi Muối.

- Thức dậy lúc 5h để ngắm bình minh trên đỉnh núi Muối. Nếu may mắn bạn sẽ gặp biển mây trắng xoá đẹp như tiên cảnh

- 6h ăn sáng và chuẩn bị xuống núi.

- Khoảng 13h, bạn xuống tới địa điểm đón xe ở Sàng Ma Sáo, từ đây bạn đi về Lào Cai/Sa Pa rồi bắt xe về Hà Nội.

- Tối có mặt ở Hà Nội

+ Đồ đạc cần chuẩn bị

Tùy tình hình thời tiết để chuẩn bị quần áo phù hợp. Nếu trời lạnh, bạn nên mang theo 1 áo khoác, 1 áo giữ nhiệt, 1 áo len. Quần hiking loại dầy và rộng rãi thoải mái.

< Quả mâm xôi có vị chua, giúp giải khát tốt trên đường đi.

Một đôi giày chuyên leo núi, có độ bám tốt. vì bạn sẽ phải leo vách đá hay những con dốc cao.

1 balo leo núi khoảng 30 lít có trợ lực.

2-3 bộ quần áo mỏng để thay

Găng tay hạt nhựa để đeo bám dọc đường

Miếng dán giữ nhiệt nếu leo vào mùa đông
Dulichgo
Mũ lưỡi trai hoặc mũ rộng vành, kính mát nếu leo vào mùa hè.

Sạc dự phòng cho các thiết bị điện tử

Đồ ăn nhẹ dọc như kẹo năng nượng, chocolate, bò khô, bánh gạo, lương khô…

Bạn nên mua nước cho cả đoàn trong 2 ngày sẵn từ Sàng Ma Sáo và nhờ porter mang hộ.

Lán ở núi Muối có đầy đủ chăn gối, phía dưới có có lót các tấm xốp cách nhiệt khá ấm, nên có thể không cần mang theo túi ngủ.

Theo Dương Quán Hạ (Tuổi Trẻ)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com

Lên đỉnh núi Muối
Đầu năm thăm núi Muối[/tintuc]

Về Quảng Nam ngắm dãy núi Bàn Than

[tintuc]

(VIVU) - Hàng trăm năm qua, người dân xã đảo Tam Hải vẫn luôn tự hào giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hóa, đời sống của làng chài, xứ biển. Luôn tự hào về những điều không nơi nào có được, bởi nơi đây sở hữu dãy núi Bàn Than đẹp hút hồn có tuổi đời hơn 400 triệu năm.

< Dãy đá đen Bàn Thang có cấu tạo địa chất hoàn toàn không từ núi lửa như ở đảo Lý Sơn. 

Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) gần như được phủ kín dưới tán rừng dừa xanh biếc quanh năm. Lại chứa đựng nhiều điều rất đặc biệt, là trung tâm của nghĩa địa cá ông, với hàng trăm ngôi mộ, được xem là một di sản quý hiếm, hình thành từ nền văn hóa vùng biển của người Việt từ lâu đời. Có 2 giếng cổ được cho là thời Chiêm Thành, nước ngọt quanh năm, là nguồn nước chủ yếu để hàng trăm hộ dân lấy uống và sinh hoạt…

< Từ dãy núi đá Bàn Thang có niên đại hơn 400 năm đã đem lại nhiều nguồn lợi về kinh tế và tinh thần quanh năm cho người dân Tam Hải.

Nhiều sách ghi: Người Việt đến vùng đất này cùng với cuộc di dân lần thần thứ nhất là vào năm 1403. Hai giếng cổ có tuổi thọ ít nhất trên 600 năm. Đặc biệt có dãy núi Bàn Than đẹp hút hồn có niên tuổi hơn 400 triệu năm.

< Người dân Tam Hải qua bao đời luôn giữ gìn bãi đã Bàn Thang vì đó là niềm từ hào không gì thay được.
Dulichgo
Với chiều dài hơn một cây số chạy quanh một hòn núi nhỏ, được tạo bởi những bàn đá đen lớn với các hình thù khác nhau và vô vàn những hình vẻ, hoa văn độc đáo có một không hai.

< Từ dãy núi đá Bàn Thang có niên đại hơn 400 năm đã đem lại nhiều nguồn lợi về kinh tế và tinh thần quanh năm cho người dân Tam Hải.

Với các đặc điểm về cảnh quan cũng như giá trị khoa học được các nhà địa chất thẩm định vào cuối năm 2017. Các nhà khoa học khẳng định khu vực đá Bàn Than tại xã Tam  Hải xứng đáng là một di sản địa chất ở tầm cỡ thế giới.

< Mùa nào ở Tam Hải cũng trải một màu xanh ngắt của nước, tảo, ngọn dừa và cả bầu trời. 

Hiện tại tỉnh Quảng Nam đang xây dựng hồ sơ bảo tồn và xây dựng hồ sơ khoa học để tham gia vào mạng lưới Công viên địa chất quốc gia, Công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo một cách bền vững tại đây.
Dulichgo
Theo PGS.TS Ngô Văn Doanh (nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) cho rằng: Ngoài ghềnh Bàn Than ấn tượng về hình thù và vị thế, còn có các dải đá, đảo nhỏ như hòn Mang, hòn Dứa…Tuy cũng có màu đen như đá đảo Lý Sơn và một số địa điểm khác ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhưng theo nhận định của các nhà địa chất, đá của Bàn Than không phải là đá núi lửa, mà là đá gốc có tuổi đến 400 triệu năm.
Dulichgo
Đá ở đây được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Có lẽ, những bàn đá đen thiên hình vạn trạng cùng các hình vẽ và hoa văn tuyệt mỹ diệu kỳ của Bàn Than là danh thắng địa chất, địa lý và thiên nhiên độc nhất vô nhị không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước.

Theo Đỗi Vạn (Vivu 457)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com

Kỳ thú ghềnh đá Bàn Than
Tuyệt tác điêu khắc ghềnh đá Bàn Than
Hành trình đến mũi đá Bàn Than (Quảng Nam)
Dập dềnh sóng vỗ Bàn Than
Thăm những tảng đá đen huyền bí ở Quảng Nam[/tintuc]

Dấu ấn Phật hoàng bên sườn Tây Yên Tử

[tintuc]

(BGO) - “Tây Yên Tử” là địa danh chỉ báo không gian văn hóa nằm ở sườn phía Tây cánh cung Đông Triều, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Địa danh/thuật ngữ này mới xuất hiện từ khi các cán bộ của Bảo tàng Bắc Giang công bố sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra, khảo sát các ngôi chùa cổ trên núi Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang” năm 1998.

Sử sách ghi nhận, núi Yên Tử là một trong những phúc địa của Giao Châu xưa. Dải núi này được các nhà khoa học địa chất hiện đại định danh là cánh cung Đông Triều. Nhìn toàn cục, núi chia làm hai phần: Phía Đông thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương; phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang.

Có lẽ miền sơn lâm Yên Tử nhiều cảnh sắc lâm tuyền kỳ thú, lại không xa kinh đô, tiện dụng đường sông nước nên từ những năm đầu kỷ nguyên độc lập, nhà Lý đã quan tâm đến miền đất ở sườn Tây Yên Tử mà áp dụng chính cách cơ mi, dựng chùa xây tháp thờ Phật dọc đôi bờ sông Lục.

Sử chép, các vua Lý từng nhiều lần ngự thuyền rồng ngược dòng sông Lục đi săn bắn hay úy lạo, khích lệ tâm trung với các phò mã, công chúa nhà Lý ở miền đất này.

Miền Tây Yên Tử trở thành miền đất Phật thiêng rồi thành nơi đô hội được dấy lên từ cuối thế kỷ XIII do các vua đầu triều Trần hâm mộ đạo Phật đã lần lượt tìm đến Yên Tử tham thiền học đạo.
Dulichgo
Đặc biệt, với Phật hoàng Trần Nhân Tông, sau hai lần Ngài lãnh đạo quân dân đánh đuổi giặc Mông - Nguyên ra khỏi bờ cõi Đại Việt đã tích cực khôi phục đất nước và làm cho quốc gia Đại Việt trở nên hưng thịnh, đồng thời làm tốt quan hệ bang giao, giữ hòa hiếu với triều đình phương Bắc rồi nhường ngôi cho con lên núi Yên Tử tu hành.

Sau nhiều lần tu theo pháp Đại đầu đà, Ngài đã lấy Đạo hiệu Giác hoàng điều ngự. Ngài thu nạp nhiều đệ tử và chọn ra hai đệ tử để giúp Ngài trong quá trình truyền đạo, sau đó sáng lập ra Phật tông Trúc Lâm Yên Tử và chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Ngài và hai đệ tử là Thiền Sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái mở các khóa kiết hạ cho tăng ni và sai Thiền sư Pháp Loa lập sổ tăng ni cho cả nước, định lệ ba năm lại độ một lần, từ đó thống nhất đạo Phật trong cả nước vào một giáo hội. Giáo hội Phật giáo theo Phật tông Trúc Lâm Yên Tử, cũng là giáo hội Phật giáo đầu tiên của Việt Nam.

Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm- nơi ghi đậm dấu ấn của đức Phật hoàng, trên sườn núi phía Tây dải Yên Tử còn nhiều nơi ghi dấu con đường hoằng dương của đức Phật hoàng. Sử ghi: Năm 1293, Ngài rũ bỏ ngai vàng nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên (Trần Anh Tông) và kế vị Thái Thượng hoàng, năm sau (1294) xuất gia lên núi ẩn cư tu thiền học Phật.
Dulichgo
Con đường du lịch văn hoá tâm linh phía Tây Yên Tử gắn với con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng nằm trọn vẹn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trên con đường ấy, chùa Vĩnh Nghiêm được coi là điểm khởi phát cho chuyến du ngoạn đáng quan tâm nhất.

Nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng đã dẫn từ sách Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền một thông tin rất thú vị: “… Khi Ngài vào núi Yên Tử, đi về phía Đông đến chùa Sơn Tháp (Hòn Tháp), nhà sư ở đó thấy diện mạo lạ thường, lấy làm kính trọng. Lúc đó cũng là ngày Thánh Tông sắc cho quần thần bốn phương tìm ngài về. Ngài bất đắc dĩ phải quay về lên ngôi…”. Chùa Sơn Tháp tọa trong khe núi Lòng Thuyền, thuộc địa phận thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam). Vậy, chùa Sơn Tháp chính là nơi ghi dấu ấn đầu tiên khi Ngài bí mật rời kinh đô vào núi tu hành.

Sự kiện này có lẽ là nguồn cội của con đường xiển dương Phật đạo của Ngài ở miền Tây Yên Tử sau này. Năm 1299, Ngài rời hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) đến núi Yên Tử (Quảng Ninh) hành đạo, lấy pháp danh là Hương Vân Đại đầu đà. Khi đã sáng lập Phật tông Trúc Lâm Yên Tử, là một lãnh đạo Phật giáo Đại Việt với tinh thần nhập thế, Người không chỉ an cư ở Yên Tử mà năng đi thuyết pháp, giảng thập thiện ở khắp nhân gian.
Dulichgo
Nếu chùa Sơn Tháp là nơi ghi dấu ban đầu người lên Yên Tử tu hành thì chùa Vĩnh Nghiêm là nơi Ngài nhiều lần đến thuyết giảng Phật pháp và độ điệp chúng sinh. Người có công truyền đăng cho hai đệ tử xuất sắc là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Pháp Loa là vị Thiền sư truyền đăng tiếp tục thắp sáng, xiển dương Phật pháp, mở mang nhiều ngôi chùa tháp ở sườn Tây Yên Tử thuộc địa phận Bắc Giang ngày nay.

Việc mở mang nhiều chùa, am ở Tây Yên Tử như: Chùa Hồ Bấc (xã Nghĩa Phương), chùa Bát Nhã (xã Huyền Sơn), chùa Mã Yên (xã Bắc Lũng), chùa Cao, chùa Khám Lạng (xã Khám Lạng), chùa Nhạn Tháp (xã Tiên Nha), chùa Đám Trì (xã Lục Sơn) thuộc huyện Lục Nam; chùa Am Vãi, chùa Hàm Long (xã Nam Dương) thuộc huyện Lục Ngạn... của Tổ Pháp Loa là sự kế thừa con đường hoằng dương Phật pháp của đức Phật hoàng.

Con đường hoằng dương Phật pháp của đức Phật hoàng, những nơi Ngài thuyết pháp, giảng đạo, phổ độ chúng sinh bằng Thập thiện nay dần được tái hiện và được đầu tư trở thành những trọng điểm du lịch văn hóa về nguồn. Các địa phương vùng Đông, Tây Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) đã liên kết đánh thức tiềm năng giá trị di sản Phật hoàng Trần Nhân Tông để cùng phát triển.

Còn con đường du lịch văn hoá tâm linh phía Tây Yên Tử gắn với con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng nằm trọn vẹn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đây là con đường hình thành và tồn tại từ nhiều thế kỷ qua. Nó gắn liền với sự ra đời và phát triển của Phật tông Trúc Lâm Yên Tử.
Dulichgo
Trên con đường ấy, điểm chùa Vĩnh Nghiêm được coi là điểm khởi phát cho chuyến du ngoạn đáng quan tâm nhất bởi nơi đây phụng thờ Phật và Tam tổ Phật tông Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời là nơi tàng lưu các di sản tư liệu đặc sắc của Phật tông Trúc Lâm Yên Tử mà nay đã trở thành di sản tư liệu của nhân loại.

Từ đây, khách hành hương theo con đường tâm linh về với Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử ở Đồng Thông (Sơn Động). Khu du lịch ra đời là kết quả của sự sáng tạo trong khai thác tiềm năng văn hóa tâm linh kết hợp với vẻ huyền diệu của môi trường sinh thái nơi đây sẽ làm hài lòng du khách muôn phương trong mùa xuân này.

Theo TS Nguyễn Văn Phong (Báo Bắc Giang)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com

Bảo tượng Phật Hoàng lớn nhất VN trên núi Yên Tử
Điều ít biết về nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Về Yên Tử ngắm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông[/tintuc]

Cheng Leng ơi, Xuân này sẽ ấm hơn

[tintuc]

(VHO) - Từ nay, cuộc sống của người dân Cheng Leng sẽ tốt hơn nhiều bởi có điện, có nước sinh hoạt và các dịch vụ xã hội, các chế độ chính sách. Xuân này, những người dân Cheng Leng chắc chắn ấm cúng và đủ đầy hơn.

< Diện mạo mới của ngôi làng Cheng Leng.

Núi Cheng Leng thuộc địa phận xã HBông (huyện Chư Sê, Gia Lai) giáp ranh với huyện Phú Thiện nơi mà 13 hộ dân định cư và 22 hộ xâm canh có nhà ở tại đây. Họ là dân cư gốc của làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện tự ý chuyển lên sinh sống từ năm 1990.

Ngôi làng nhỏ “5 không”

Có lẽ vì công dân của một huyện này lại sinh sống trên địa bàn huyện khác là lý do xa sự quản lý của chính quyền địa phương, cũng có thể do phong tục tập quán du canh, du cư của người đồng bào dân tộc thiểu số. Hay cũng có thể vì điều kiện địa lý bởi từ đỉnh núi Cheng Leng để đến được với trung tâm của làng gần nhất dưới chân núi (là làng Hek) cũng phải đi bộ hơn 5 km đường rừng, dốc đá, suối đèo rất nguy hiểm. Vì thế gần 30 năm qua, đời sống của những người dân trên núi Cheng Leng vô cùng khó khăn, được xem là ngôi làng “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm và không có bất kỳ dịch vụ xã hội nào.

< Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang dỡ nhà cho bà con trên núi Cheng Leng dời xuống núi.
Dulichgo
Vượt hơn 5 km đường rừng chúng tôi đến được với ngôi làng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là các em bé Cheng Leng mặt mũi lấm lem đất đỏ, tóc hoe vàng vì nắng gió cao nguyên. Trên tay cầm những gói Bim Bim được các chú bộ đội tặng, em thì háo hức, em thì e dè lạ lẫm như lần đầu tiên nhìn thấy... Những ánh mắt tròn xoe dõi theo chúng tôi từ xa, phần đông là sợ sệt, lẩn tránh. Tìm hiểu mới biết các em đa số không đến trường học và không biết chữ. Có 39 em trong độ tuổi đến trường nhưng không theo học tại các trường, không được cấp thẻ bảo hiểm dưới 6 tuổi và không được tiêm phòng các loại bệnh. Số đông người dân không biết chữ, việc giao tiếp bằng tiếng Việt rất hạn chế.

Đi một vòng xung quanh làng cũng đã quá trưa, chúng tôi ghé vào gia đình bà Ksor Sam sinh năm 1937. Bà vui vẻ mời vào nhà để ăn cơm nhưng trên mâm chỉ có rau củ quả tự trồng và hái từ rừng về, còn cơm được nấu từ lúa rẫy của nhà. Khác với bà Sam, ông Rơ Mah Soan chia sẻ khó khăn, “ở đây bị ốm là cúng Giàng cho khỏi chứ chẳng mấy khi đưa xuống núi vì rất xa với lại không có tiền đâu”. Thắc mắc sao gia đình mình không xuống núi sinh sống sẽ tốt hơn, ông Soan cho biết, “nhiều lần mình định xuống núi sống rồi, nhưng không dám vì làng mình ở đây không nên bỏ... Rồi nếu xuống núi biết ở đâu, làm gì...”.

“Thật sự không tưởng tượng được”

Để người dân đồng tình xuống núi, trước đó cả hệ thống chính trị đã vào cuộc làm công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nơi đây di dời về định cư tại làng Hek. Nhớ lại những ngày lặn lội lên đỉnh Cheng Leng vận động bà con, chị Kpă Loan, cán bộ Ban Dân vận Phú Thiện cho biết: “Hôm ấy đoàn chúng tôi lên vận động bà con mãi đến chiều mới xuống núi, trời đã nhá nhem, đường xuống nguy hiểm, đã thế đi được khoảng nửa đường thì bị lạc, xung quanh ba bề bốn bên toàn đồi núi, cây cối. Cả đoàn rất lo, quay lại thì không được, đi tiếp thì không thể... loay hoay khoảng gần 1 giờ đồng hồ thì có nghe tiếng xe máy độ của người dân đi rẫy về thế là nhờ vậy mới xuống được núi vào lúc hơn 11 giờ đêm...”.
Dulichgo
Là người xắn tay trực tiếp thu gom đồ đạc cho bà con để dọn xuống núi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện nói, “với sự chung sức của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh, chúng tôi quyết tâm không quản ngày đêm đẩy nhanh tiến độ đưa bà con xuống núi sớm ổn định cuộc sống để kịp đón mùa xuân mới này”.

Xuất phát từ “Mệnh lệnh từ trái tim”, bắt đầu từ ngày 10.12, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai đã điều động cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Bộ binh 991 đến phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện bắt đầu việc di dời 13 hộ dân định cư tại núi Cheng Leng xuống núi. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ quyết tâm cao nhất, vượt qua khó khăn về điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên đỉnh núi Cheng Leng di dời từng người dân, từng vật dụng sinh hoạt của bà con bằng các phương tiện thô sơ của nhân dân nơi đây xuống núi.

Có nhiều đoạn dốc cao hiểm trở xe thô sơ không thể qua được khi chở vật dụng trên mình, vậy là bộ đội phải dùng sức chia nhau khiêng, vác qua. Có đến và chứng kiến mới thấy sự vất vả, gian nan của bộ đội khi di chuyển nhà cho bà con xuống núi, dốc cao, đường trơn đầy sỏi đá... Nhìn từ dưới lên dốc thẳng đứng đến nỗi chiến sĩ ở phía sau như “đi trên vai” chiến sĩ phía trước để xuống núi, vậy mà vượt qua cái nắng thì như đổ lửa, lại thiếu nước uống các chiến sĩ vẫn băng băng trên vai nào là cột, xà, đòn tay... của các ngôi nhà đã được tháo ra vác xuống núi.
Dulichgo
Vừa đặt chiếc đòn tay xuống đất, gạt vội giọt mồ hôi, trung sĩ Nguyễn Văn Bình, Tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn Bộ binh 991 nói trong hơi thở: “Em sinh ra và lớn lên tại phường Hội Phú, thành phố Pleiku, thật sự em không tưởng tượng được và đây là lần đầu em được chứng kiến cuộc sống vất vả, thiếu thốn như thế này của bà con trên đỉnh núi Cheng Leng”.

< Những đứa trẻ trên núi Cheng Leng.

Ấy vậy mà trong vòng chưa đầy 3 ngày, sử dụng phương tiện xe thô sơ của nhân dân kết hợp với sức người 12 ngôi nhà đã được đưa về vị trí làng Hek để chuẩn bị cho việc dựng lại ngay ngắn theo quy hoạch.

An cư để lạc nghiệp

Nhìn 12 căn nhà được bộ đội cùng dân làng bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm dựng lại ngay ngắn, ngăn nắp, vuông vức như bàn cờ tại làng Hek, tôi thầm hiểu đây là 12 niềm tin, niềm hạnh phúc của 12 hộ gia đình gần 30 năm định cư trên núi Cheng Leng.

Lân la đến căn nhà mới dựng xong đang tỏa khói quyện cùng ánh chiều tà là gia đình ông Rah Lan Thăng chuẩn bị cho bữa cơm chiều, bữa cơm của gia đình ông hôm nay đầy đủ hơn vì có thịt, cá, rau... Vừa thổi để bếp lửa cháy to hơn cho nồi canh kịp chín, không giấu được niềm vui ông Thăng cho biết: “Nhà mình vui lắm, nay được ở chỗ mới, nhà mới, lại có nhiều đồ ăn”. Niềm vui của gia đình ông Thăng cũng là niềm vui của người dân Cheng Leng, từ nay cuộc sống của họ sẽ tốt hơn nhiều bởi có điện, có nước sinh hoạt và các dịch vụ xã hội, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước.
Dulichgo
Nhưng vui hơn cả vẫn là các em trong độ tuổi đến trường, con đường đến trường từ nay đã gần hơn, được gặp thầy cô, bạn bè, được biết nhiều về cái chữ và Tết này, các em được khoe quần áo mới cùng dân làng đón mùa xuân mới ấm cúng, đủ đầy hơn.

Theo Huy Bắc (Báo Văn Hóa)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com

Làng “6 không” trên đỉnh Cheng Leng
Bản làng nguyên sơ trên đỉnh Cheng Leng[/tintuc]

Bay trên miền diệp lục núi Bà Đen

[tintuc]

(BTN) - Bay trên bầu trời Đông Bắc núi mới thấy toàn bộ cánh đồng này y hệt một con diều giấy. Thân dọc con diều là trục đường Suối Đá - Khedol. Đầu diều là khối đậm xanh của vườn chùa Khmer, nổi bật tháp chùa vàng. Chung quanh mới thật sự là những mảng màu diệp lục đủ dạng hình của những vườn mãng cầu, cao su, mì, mía…

< Cánh đồng Khedol.

Lần này thì được bay thật rồi! Bay cao ngang ngọn núi Bà Đen 986 mét ngược trời, rồi ngắm nhìn ra bốn hướng. Chợt nhớ những câu thơ còn đọng trong ký ức: “Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu…” (Bài ca mùa xuân 1961 - Tố Hữu)

Xin lỗi độc giả, vì thật ra không phải tôi bay đâu ạ. Mà chữ “bay” này tôi mượn của một anh bạn mới kể cho nghe về chuyến bay trực thăng của anh từ cuối năm 1997. Có lẽ cho đến nay, đây là lần duy nhất người dân bình thường có thể bay lên ngọn núi Bà Đen. Lần ấy, chẳng hiểu làm sao mà có chiếc trực thăng bay đến đậu ở khu nhà thi đấu thể thao tỉnh hiện nay, khi ấy còn là đất trống.
Dulichgo
Họ được phép nên bán vé cho dân Tây Ninh bay, mỗi vé 300 ngàn đồng- bằng nửa tháng lương công nhân thời ấy. Bạn tôi mới yêu, nên quyết dành cả một tháng lương ra mua 2 vé đưa người yêu lên chơi đỉnh núi Bà Đen. Anh bảo:- Thật may quá, máy bay cũng bay vòng vo quanh núi rồi mới đậu xuống sân bay trực thăng của căn cứ Mỹ ngày xưa còn lại. Với vợ chồng anh, cho đến nay vẫn là chuyến du lịch nhớ đời, dù họ đã bay tuyến Bắc - Nam hàng chục chuyến.

Tôi nghe mà tiếc hùi hụi, vì chuyện bán vé cho bay ấy chỉ diễn ra có 3 ngày, mỗi ngày chỉ vài ba chuyến nên ít người Tây Ninh biết. Nay thì tôi hết tiếc rồi, vì đã được theo chân các anh của trạm phát sóng truyền hình trên núi lên tận đỉnh. Nhưng đúng là chậm so với bạn tôi mất hơn hai chục năm trời. Dọc đường lên, các anh kể:- Bây giờ người ta đi lại thường xuyên ấy mà. Có cả cán bộ công chức, tuần nào cũng leo lên đỉnh núi bằng đường bộ. Thôi, tự an ủi mình rằng:- Chậm còn hơn không!

Đỉnh núi không rộng lớn như tôi tưởng tượng. Muốn quan sát cả hai mạn sườn núi trước sau thì chỉ cần đi từ Bắc qua Nam độ trăm mét là cùng. Cây rừng thưa thoáng, lối mòn quanh co. Nhấp nhô đá tảng. Có tảng to bằng cả một cái nhà cấp 4. Chiếc mái nhà vòm gỉ sét, có lẽ có từ thời quân Mỹ chiếm đóng vẫn còn kia. Lại nhớ đến chiến công hiển hách của quân dân Tây Ninh đã đánh bật kẻ thù ra khỏi nơi này từ ngày 7 tháng 1 năm 1975.
Dulichgo
Cùng với chiến thắng Phước Long, đã mở đầu cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 toàn thắng. Khi ấy, nơi đây là căn cứ thông tin hiện đại nhất Đông Dương, nên để chiếm lấy nó không hề đơn giản. Nhiều đơn vị, kể cả đặc công và pháo. Cuộc chiến ròng rã suốt 30 ngày, biết bao xương máu chiến sĩ đã hy sinh… Ai cần biết kỹ hơn, thì đọc các cuốn sử viết về Tây Ninh hay huyện Hoà Thành. Để biết rõ “giá máu xương” trên từng tấc đất đỉnh Bà Đen kiêu hãnh. Còn bây giờ hãy cùng tôi bay trên miền diệp lục vì bốn phía quanh tôi đều ngăn ngắt xanh.

Ráng trèo lên một tảng đá to cỡ cái nhà trệt bên cạnh tháp truyền hình, may mà có những dây leo như kiểu dây trầu Bà xoãi trên mặt đá, để rồi thấy thành phố Tây Ninh trải dài rộng dưới tầm nhìn. Nhưng vẫn bị khuất một phần bởi cây cổ thụ lẫn rừng le trên bờ một hố hầm sâu hút. Sau phải xuống, vòng ra con đường mòn bao quanh thì thành phố mới hiện ra trọn vẹn dưới chân mình.

Mà không chỉ thành phố đâu, cả đô thị Hoà Thành cũng lấp lánh hiện lên những khối hình li ti với hai màu trắng, đỏ. Những màu khác đã nhoà vào màu xanh cây cỏ, đất đai… Thành phố- nơi tôi sống kia rồi! Giờ đã rất dễ dàng nhận ra nhờ toà khách sạn Vinpearl 21 tầng cao vợi. Gần hơn nữa là suối Lâm Vồ ẩn hiện sau phường phố Ninh Sơn cùng những vườn cây.
Dulichgo
Tôi cũng như đang bay trên miền đất có Toà thánh Tây Ninh đây! Rất dễ nhận ra một khu rừng có sắc xanh diệp lục đậm đà. Vài cụm công trình kề bên Đền thánh bật lên màu ngói đỏ. Xa thế mà vẫn thấy những toà tháp vàng vươn cao, trên bộ mái hai màu đỏ vàng rực rỡ. Đường 781 chạy vào Dương Minh Châu hiện ra rất rõ. Nhưng đã khuất nẻo ở đâu con đường Điện Biên Phủ chạy về hướng núi. Hay là những phường Ninh Thạnh, Hiệp Ninh đã đô thị hoá bậc cao làm khuất đi sau những cửa nhà…

Phía Tây Nam vẫn còn một nơi có thể nhận ra chỉ bằng mắt thường thôi. Đấy là tượng Quán Thế Âm chùa Gò Kén. Chùa chiền, công trình nhạt nhoà lẩn vào lơ mơ sương khói. Chỉ còn thấy mỗi một khối hình búp măng hay một búp huệ trắng hiện ra giữa màn sương ấy mà thôi. Kể từ phía sau tượng Bà trở đi, chỉ thấy những mảng xanh giống mảng lục bình trôi nổi trên mênh mông biển nước luênh loang như sữa đục. Bởi đây là cuối tháng 12.2018. Có phải sông Vàm đang mùa “con nước lớn ròng”. Nước chưa kịp rút để bà con ta gieo sạ vụ Đông Xuân.

Dù sao cái miền xanh bên phía Tây Nam tôi cũng đã gặp rồi, đâu đó trên mặt đất. Còn những cảnh tượng chưa thấy bao giờ, lại là bên sườn Đông Bắc núi Bà. Đây, cánh đồng Khe- Đon mà Báo Tây Ninh mới mô tả vài tuần trước thì nay cánh đồng ấy đang giang rộng như đôi cánh diều vàng thắm.
Dulichgo
Bay trên bầu trời Đông Bắc núi mới thấy toàn bộ cánh đồng này y hệt một con diều giấy. Thân dọc con diều là trục đường Suối Đá - Khedol. Đầu diều là khối đậm xanh của vườn chùa Khmer, nổi bật tháp chùa vàng. Chung quanh mới thật sự là những mảng màu diệp lục đủ dạng hình của những vườn mãng cầu, cao su, mì, mía…

Ôi chao! Bên này có những khuôn hình đẹp hơn tranh vẽ. Làm sao mà tưởng tượng ra những vườn cây trái y như những quân bài đô- mi- nô nằm sóng soài, chồng xếp lên nhau trên một bàn cờ. Làm sao phối được những mảng màu của tự nhiên một cách hài hoà tuyệt vời như thế. Không thể phân định được đâu là Thạnh Đông của thành phố Tây Ninh, đâu là Tân Hưng của Tân Châu nữa, bởi kênh đào Tân Hưng lúc này chỉ như một vệt chỉ hồng lẩn khuất giữa bao la. Nhưng, lòng hồ mênh mông và tráng lệ thì hiện ra rõ lắm. Rõ hơn nhiều khi ta lên ga thượng giáp của tuyến cáp treo lên núi. Sau cái màu trắng đục nhoà với màu trời xa, còn rõ cả dãy núi Cậu bên tỉnh bạn nữa kia.

Đến đây, tạm phải ngưng lại để chép cho độc giả một sự tích của núi Bà, núi Cậu. Sự tích này do những người xây dựng Lòng hồ sưu tầm được. Đấy là cuốn sách nhỏ Hồ Dầu Tiếng, của hai tác giả Nguyễn Minh Sang và Phan Khánh, NXB Lao Động in năm 1991, sáu năm sau khi hồ nước hoàn thành. Chuyện rằng: “Dãy núi Tha La bằng đá cát- kết và cuội- kết cao trên 160 mét, chạy dài hàng chục cây số, như một bức tường thành chắn (giữ) nước. Bà con Tây Ninh gọi núi này là núi Cậu.
Dulichgo
Truyền thuyết kể rằng thuở xa xưa, thần núi Tha La và thần núi Bà Đen đã có một cuộc đọ tài, đến nỗi mặt đất phải nứt ra, tạo thành con sông Sài Gòn. Họ giao ước chỉ trong một đêm, ai làm nên ngọn núi cao nhất, người ấy sẽ trở thành “bề trên”.

Thần núi Tha La sợ núi Bà cao hơn, đang đêm ngầm sai thần Gà sang bới sao cho rạng ngày ngọn núi đổ sập để được cuộc. Thần Bà Đen vốn là Tiên cô Thánh mẫu cũng không kém khôn ngoan. Ngài sai thần Lợn tìm cách triệt phá ngọn núi của đối thủ. Đôi chân gà dù thần thông biến hoá cũng chỉ đủ sức bới được một góc chân núi Bà. Khối đất ụ lại cũng chỉ là một ngọn đồi nhỏ nhoi bên cạnh khối hoa cương đồ sộ. Ngọn đồi đó nay mang tên núi Phụng. Có thể sánh như một con gà nhặt thóc bên đụn rạ núi Bà mà thôi. Còn thần lợn, một đêm ra tay, hòn núi Cậu đổ sụp xuống như một luống khoai khổng lồ dài thườn thượt…”.

Câu chuyện hiềm khích huyền thoại này, rút cuộc đến cuối thế kỷ 20 người Tây Ninh đã hoá giải được. Thì đây, họ đắp đập, ngăn sông để làm nên một hồ nước thuỷ lợi lớn nhất miền Nam (có người còn bảo lớn nhất Đông Nam Á). Và bây giờ, núi chị núi em cùng yểu điệu nghiêng soi mặt nước. Một thôi chèo thuyền là cô em núi Cậu có thể sang thăm núi chị Bà Đen.
Dulichgo
Từ đỉnh hay lưng núi Bà phía Đông Bắc nhìn ra chỉ thấy màu diệp lục yên bình với một miền bao la sương trắng. Nổi bật giữa miền bình yên ấy, những con đường, hay dòng suối xưa cứ buộc mắt người phải dõi theo cho đến tận cùng. Này là đường 785 như một sợi dây chuyền bạc chỉ hướng ta về thị trấn Tân Châu. Này là suối Tha La đã hoà nhập với Lòng hồ nên chan chảy rộng dài cũng đưa ta về phía ấy. Rồi con đường Suối Đá- Khedol hơi khúc khuỷu hướng ta về thị trấn Dương Minh Châu còn ẩn đâu đó dưới ngàn xanh.

Để cho xứng với hai huyện mang tên châu, ngọc này thì sườn núi bên này cũng ngọc ngà xanh. Không phải là thứ màu xanh nõn chuối của những vườn chuối, mãng cầu như bên núi Heo, núi Phụng mà xanh ngắt, xanh ngơ, xanh đậm đặc của rừng già. Tôi lướt bay trên sườn núi mà tưởng tượng ra, hay là mình đang bay qua vùng rừng vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát.

Cũng có những sắc lá non tơ hay ửng vàng, nhưng là trên tít tắp ngọn cây cao. Đôi khi bắt gặp những khoảng rừng tre, hay những đám phát tài núi lá xoà tròn ngơ ngác. Thỉnh thoảng lắm mới bắt gặp đá chồng lên đá và sâu hút bên dưới những hầm hinh, hang hốc. Ôi chà! Dây leo vấn vít rừng nguyên sinh. Bay là xuống gần mặt đất.
Dulichgo
Thấy đỉnh núi Phụng nhô lên như một cái đầu chim phượng. Chỉ hơi tiếc phía này chân núi Phụng không còn xanh như ở núi Bà. Lại nhớ câu chuyện của già làng Khmer Cao Văng Ươn, rằng nước suối từ chân núi Phụng chảy ra có nguy cơ cạn kiệt. Thế là bà con liền có ngay sáng kiến, đắp vài hồ chứa nước dưới chân núi, để có nước canh tác ngay trong cả mùa khô. Hai cái hồ lớn ấy nằm kia, to cỡ như sân bóng đá, ngay kề bên đường phân thuỷ giữa hai chân núi. Và quanh năm làm chiếc gương trời cho mây tới soi gương.

Theo N.Q.V (Báo Tây Ninh)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Khám phá Thác Ba Vòi Quảng Trị

[tintuc]

(QTTV) - Núi rừng Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị, từ Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ ngược lên Hướng Hóa, Đakrông rồi xuôi về Triệu Phong, Hải Lăng, những dãy núi điệp trùng, những ngọn thác như từ trên trời đổ xuống, những khói sương giăng mắc luôn có sức cuốn hút mãnh liệt đến kỳ lạ với những ai thích khám phá và thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi non quê nhà.

Nhưng vì địa thế hiểm trở, đường đi gian nan, mạo hiểm nên có nhiều ngọn núi, nhiều con thác rất ít khi lưu dấu chân người, thậm chí dù chỉ mới nghe đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nhắc tên nhưng đã khiến bao người cảm thấy mỏi gối chồn chân. Đối với chúng tôi thác Ba Vòi là một trong những địa danh như vậy.

Khám phá thác Ba Vòi không thể không nhắc đến núi Voi Mẹp, vì khởi nguồn của thác Ba Vòi chính từ trên đỉnh Voi Mẹp chót vót giữa trùng mây.
Dulichgo
Đỉnh núi Voi Mẹp thuộc về xã Hướng Linh và Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa.  Ngọn núi mà theo như truyền thuyết vua Hàm Nghi trên đường từ thành Tân Sở, Cam Lộ ra vùng đất Tuyên Hóa, Quảng Bình đã từng đi qua, cũng vì thế mà người Vân Kiều còn gọi là núi Vua.

Cách đây vài năm chúng tôi đã từng có chuyến đi lên đỉnh Voi Mẹp đầy thử thách, mọi người phải cắt rừng mà đi, phải men theo vách núi chênh vênh thường xuyên bị sương mù che lối, phải nghỉ qua đêm co ro trên phiến đá dưới cơn mưa rừng tầm tả và rồi phải đi ngược suối để lên đỉnh núi với cảm giác như đang đi trên chiếc thang bắc ngược lên phía trời. Từ trên đỉnh Voi Mẹp hướng mắt về phía quê xa khuâng khuâng chợt nhớ câu ca người mẹ quê thường hay hát ru đàn em ngày thơ dại.

“Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương”.

Núi Voi Mẹp cao hơn 1700 mét so với mực nước biển là ngọn núi cao nhất trong số tất cả những ngọn núi trên dãy Trường Sơn chạy qua miền tây Quảng Trị. Dưới chân Voi Mẹp, ở bình độ khoảng 1000 mét so với mực nước biển là con đường Bắc Sơn từng in dấu chân của bao người lính trên đường Nam tiến và đặc biệt có ngọn thác Ba Vòi đẹp nổi tiếng tung bọt trắng xóa cùng thời gian. Giữa bồng bềnh mây trắng, có người bảo ước gì được sống mãi giữa chốn non xanh, còn chúng tôi chỉ mong sao một lần được diện kiến ngọn thác Ba Vòi trên cung đường Bắc Sơn hiểm trở.
Dulichgo
Khao khát được chiêm ngưỡng vẽ đẹp hùng vĩ của thác Ba Vòi đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm lên đường. Chuyến đi lần này của chúng tôi cùng với những người bạn Pa Kô, Vân Kiều từ Hướng Hóa và Đakrông còn có anh Lê Tiến Sỹ, một thành viên đã có mặt trong chuyến đi lên đỉnh Voi Mẹp lần trước.

Muốn đến được thác Ba Vòi, từ bản bản Đá Ngồi, tiếng Vân Kiều gọi là bản Tà Cu thuộc xã Hướng Hiệp, huyện ĐaKrông phải đi về phía tây. Đường đi ngược theo dòng suối Giàng Thoan cũng là con đường đi nương đi rẫy của đồng bào, cùng góp bước chân trên con đường này thi thoảng chỉ có những người lính đi tìm  đồng đội và những người dân đi rà tìm phế liệu chiến tranh.

Sau hơn nửa ngày đường cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến khu rừng dưới chân thác Ba Vòi. Thủ tục đầu tiên của người Vân Kiều dẫn đường là làm lễ cúng xin phép thần núi cho phép mọi người được đi thăm 3 ngọn thác. Lễ vật không cầu kỳ nhưng nhất thiết phải có 1 con gà, một ly rượu và một ít hạt gạo.

Thứ tự từ thấp lên cao là tầng thấp nhất của thác Ba Vòi, trải qua thời gian có lẽ cả ngàn năm trước, dòng nước từ trên cao đổ xuống không ngơi nghỉ đã tạo thành một hồ nước ngay dưới chân thác. Nước ở đây trong xanh và mát lạnh dù trời đang mùa hạ nắng như đổ lửa. Xung quanh ngọn thác là vách đá chênh vênh với những thảm rêu như nhuốm màu thời gian, thi thoảng đâu đó xuất hiện dăm ba cánh hoa e ấp từ trong kẻ đá. Trời về chiều nên mọi người quay về trại để hôm sau tiếp tục leo lên tầng thứ 2 và thứ 3 của thác Ba Vòi.
Dulichgo
Tầng thứ hai của thác Ba Vòi ngắn hơn so với tầng thứ ba, dưới chân thác cũng có một hồ nước nhưng nhỏ hơn, nghĩa là dòng nước sẽ lưu lại ở đâu không lâu trước lúc đổ xuống ngọn thác thứ ba phía dưới kia. Đứng dưới chân thác thứ hai nghĩa là phía trên đỉnh của ngọn thác thứ ba cảm giác thật chênh vênh. Dòng nước không chỉ bào mòn những phiến đá lớn như những ngôi nhà, mà còn kiến tạo nên những hang sâu, những hình hài kỳ dị và những lối đi đầy cạm bẫy, vì lối đi rêu phong nên rất dễ bị trượt chân nếu không cẩn thận.

Mục đích lớn nhất của chuyến đi là được tận mắt nhìn thấy thác Ba Vòi, vì thế mọi người nhanh chóng tìm đường đến ngọn thác thứ ba, tức là ngọn thác cao nhất. Thật đúng như tên gọi thác Ba Vòi! Tầng thác thứ ba có ba dòng nước từ độ cao hàng trăm mét đổ xuống trắng xóa cả vách núi, tiếng nước ầm ào, réo rắt vang xa hàng cây số và cùng với tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim rừng thánh thót đã tạo nên một bản nhạc thiên nhiên thật nhiều cung bậc.

Mặc dù dòng nước với sức mạnh làm xói mòn cả đá núi, song cũng thật kỳ diệu, chẳng biết bằng cách nào mà những cây cỏ mỏng manh vẫn bám rễ vào vách đá để sống nương theo dòng nước. Mà không chỉ có vài gốc cỏ đơn lẻ, ngay phía sau thác nước là cả một thảm cỏ như một bức rèm ẩn hiện. Nhìn thảm có thật dịu dàng, chúng tôi lại nghĩ vẫn vơ, có lẽ loài cỏ này suốt đời sống chung với nước, không bị thiếu nước nên sẽ chẳng bao giờ biết đến cái cảm giác bị khô hạn, bị ánh nắng mùa hạ thiêu đốt đến vàng võ, xác xơ.

Hồ nước dưới chân thác không sâu nhưng lại khá lớn, xung quanh chân thác là những phiến đá bị thời gian và mưa gió làm cho sạt lỡ từ trên cao rơi xuống chồng lên nhau. Thảm thực vật ở đây chủ yếu vẫn là hoa dại thân mềm mọc trên vách đá, nghe nói loài hoa này vẫn thường xuyên khoe sắc suốt cả bốn mùa.
Dulichgo
Là dịp hiếm trong đời khi được đến với thác Ba Vòi, có lẽ vì vậy mà nhiều người tranh thủ hòa mình vào dòng nước để được cảm nhận cho thật trọn vẹn sự trong lành và tinh khiết của ngọn thác từ bình độ cả ngàn mét so với đại dương. Đứng trước vẽ đẹp mê hoặc mà kỳ vĩ, hoang sơ, anh Lê Tiến Sỹ, một người bạn của chúng tôi đã có không ít chuyến đi rừng đầy thử thách, và đã may mắn được thưởng lãm nhiều danh sơn của núi rừng Quảng Trị, vậy mà vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước thác Ba Vòi.

Ngay như những người bạn Vân Kiều, Pa Kô đến từ phía Nam của huyện Hướng Hóa, vốn là những người con của núi rừng nên lẽ thường đã quá quen với phong cảnh núi cao, suối sâu, nhưng với chuyến đi lần này các anh các chị vẫn cảm thấy thật hạnh phúc và may mắn.

Núi Vọi Mẹp ví như nóc nhà của Quảng Trị trên đỉnh Trường Sơn, có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người quan tâm và yêu mến cảnh đẹp của quê hương. Nhưng để đến được đỉnh Voi Mẹp ngoài yếu tố về sức khỏe thì quan trọng hơn nhiều là khát vọng được khám phá, là mong muốn được trải nghiệm thực tế về chuyện đi rừng, vì quá trình leo núi, vượt thác đòi hỏi con người không chỉ kiên trì, nhẫn nại, mà còn phải vượt lên giới hạn chịu đựng của bản thân và sẵng sàng chia sẻ gian khổ cùng bạn đồng hành.
Dulichgo
Với thác Ba Vòi trên cung đường Bắc Sơn, tiếng thác nước trầm hùng ngày đêm dội vào vách núi tưởng như vẫn còn vang vọng mãi khúc quân hành của bao người lính trẻ vượt Trường Sơn một thủa. Đường đi tuy không quá gian nan, nhưng vì ngọn thác đổ xuống từ dãy núi Voi Mẹp và nằm sâu giữa  bốn bề vách đá dựng đứng giữa mênh mông rừng già, có lẽ vì vậy mà thác Ba Vòi, một cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú của Quảng Trị nhưng đến nay vẫn còn ít người biết đến. Qua chuyến đi của mình, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người bỏ chút thời gian để cùng chiêm ngưỡng và khám phá vẽ đẹp vẫn còn tiềm ẩn của núi non quê nhà giữa đại ngàn xanh thẳm.  Chúng tôi cũng cầu mong sao cho những cánh rừng nơi miền tây Quảng Trị sẽ mãi xanh tươi và dòng nước trong lành kia sẽ còn chảy mãi với dòng thời gian./.

Theo Phan Tân Lâm (Tin Tức.vn)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Chinh phục đỉnh Voi Mẹp (P3)

[tintuc]

(Tiếp theo và hết) - Sau khi vượt qua dãy Pa Thiên, chúng tôi quyết định cắm trại qua đêm bên một dòng suối ngay dưới chân núi Voi mẹp. Nơi đây càng về đêm nhiệt độ càng xuống thấp.

< Đỉnh Voi Mẹp quanh năm chìm trong sương...

Ngồi đợi sương tan, gần 9 sáng chúng tôi mới có thể bắt đầu chặng đường chinh phục đỉnh Voi Mẹp.  Với những ai trong đoàn chưa một lần đặt chân lên đỉnh núi thì đây là một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa trong đời. Họ đâu chỉ vượt qua suối sâu, núi cao hiểm trở đầy gian nan thử thách, mà quan trọng hơn là mỗi người sẽ tự vượt qua giới hạn chịu đựng của thân mình.


< Quần thể thực vật trên đỉnh Voi Mẹp chủ yếu là cây trúc.
Dulichgo
Trải nghiệm thú vị từ những chuyến đi cho thấy mỗi khi đối mặt với thử thách gần như vượt quá khả năng chịu đựng, con người ta rất dễ bộc lộ bản chất của chính mình, đó là sự kiên trì hay dễ dàng  dao động trước khó  khăn, là khát vọng hướng về phía trước hay thúc thủ chấp nhận thất bại, là tình thần đồng đội hay chỉ tính toán cho riêng mình….

Sau khi ngược dòng suối để vượt qua một chặng đường dài, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào cánh rừng trúc. Những cây trúc thân nhỏ ken dày thành từng khóm che kín lối nên việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Càng lên càng gió càng thổi mạnh, bầu trời đôi lúc đang trong xanh nhưng chỉ sau một thoáng mây mù phủ kín, một không gian trắng đục, mờ ảo  không thể xác định được hướng đi.
Dulichgo
< Chinh phục đỉnh Voi Mẹp.

Những người dẫn đường đành phải thay nhau trèo lên cây cao để định hướng ngọn núi. Cây rừng ở lưng chừng đỉnh Voi Mẹp ngoài họ trúc còn có một số cây thân gỗ với những chòm lá nhỏ trên những cành cao, thoạt nhìn cứ tưởng là cây đã bị chết khô từ bao giờ. Đứng ở lưng chừng núi nhìn xuống chân núi là cả một biển sương trắng bồng bềnh, hư ảo, những đám mây vội vã lướt nhanh qua những cánh rừng nhưng cũng đủ để tạo nên những cơn mưa bụi lất phất, làm đọng lại những giọt nước trên mặt lá, mặt đất càng trở nên ẩm ướt.

Trên lối đi về phía sườn phía Tây của Voi Mẹp, chúng tôi lại bắt gặp thêm xác 2 chiếc máy bay bị rơi.  Vẫn còn đó vài khẩu súng đã han gỉ và một tấm áo giáp của phi công.


< Phút nghỉ trước lúc chia tay Voi Mẹp.

Đường lên Voi Mẹp bây giờ như một dãi lụa uốn lượn theo từng cơn gió.  Một dãi lụa được kết thành từ triệu triệu cây trúc quanh năm đùa vui với mây, với gió.
Dulichgo
Thể hiện tình yêu da diết với Voi mẹp, ngọn núi được ví là nóc nhà của quê hương Quảng Trị, nơi bắt nguồn của nhiều con sông, đặc biệt là sông Hiếu, chúng tôi không quên mang theo một lá cơ tổ quốc để cắm lên đỉnh núi.

Hành trình khám phá đỉnh Voi Mẹp, chúng tôi càng hiểu hơn về công việc thầm lặng của những người giữ rừng đã gắn bó đời mình với màu xanh của núi.  Những con người đã đi qua không biết bao nhiêu con suối, bao nhiêu ngọn núi của quê hương, ngày đêm canh giữ để cho những cánh rừng xanh tươi và suốt bốn hòa hòa ca cùng mây gió.

< Người dẫn đường Hồ Ma với khẩu súng từ một chiếc máy bay bị rơi trên đỉnh Voi Mẹp.

Voi Mẹp quanh năm sương giăng mây phủ, mây như quấn lấy chân người. Trong khi về phía Tây của dãy núi những đám mây như đang rất vội để bay về một nơi xa nào đó, thì ở sườn núi phía Đông từng cụm mây trắng như bị hút xuống lòng khe thẳm sâu. Đứng trên đỉnh núi Voi Mẹp có thể nghe rất rõ tiếng thác nước ầm ào vọng lại, bạn và tôi đều biết rõ mà vẫn băn khoăn:  Dòng nước kia từ đâu sinh ra và sẽ chảy về đâu!
Dulichgo
Chia tay Voi Mẹp, chặng đường phía trước của chúng tôi sẽ là thác Ba Vòi, một trong những ngọn thác đẹp nhất trên dãy Trường Sơn, là nơi ngày đêm đổ nước vào Hiếu– Một dòng sông không chỉ tạo nên phù sa bờ bãi, mà còn chứng kiến, chia sẻ cùng những thăng trầm của quê hương.
(Hết)

Hành trình đi tìm đầu nguồn sông Hiếu (P1)
Núi Pa Thiên (P2)
Chinh phục đỉnh Voi Mẹp (P3)

Theo Phan Tân Lâm (Quảng Trị TV)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com

Chinh phục đỉnh Voi Mẹp
Ngược đỉnh Voi Mẹp
Ký sự chinh phục Voi Mẹp - Tá Linh Sơn[/tintuc]

Núi Pa Thiên (P2)

[tintuc]

(Tiếp theo) - Hơn 8 giờ sáng nhưng rừng núi vẫn còn âm u, sương giăng kín lối. Chúng tôi vội vàng tháo dỡ lán trại được dựng vội vào chiều hôm trước để nhanh chóng lên đường. Muốn lên đỉnh Pa thiên mọi ngược phải đi ngược dòng suối Pa Thiên.

Suối Pa Thiên có lẽ đã từ rất lâu hôm nay mới có bước chân người. Pa Thiên với những tảng đá  lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau trải dài chẳng khác gì một cái thang lớn màu xanh dựng lên trời.
Nhiều đoạn suối chúng tôi không nhìn thấy nước mà chỉ nghe tiếng nước róc ránh dưới những phiến đá phủ kín rêu xanh. Đường đi có độ dốc không quá lớn, nhưng việc đi lại hết sức khó khăn, nhất là với những ai đi rừng lần đầu.

Nếu như ở độ cao khoảng dưới 500 mét so với mực nước biển, dọc theo con suối người đi rừng thường tránh bước lên những phiến đá có rêu vì dễ bị trượt chân, thì ngược lại ở độ cao trên 1000 mét cần phải tránh bước chân lên những phiến đá không có rêu, vì đây là những phiến đá trơn đến mức rêu còn không bám được.
Dulichgo
Ngược dòng Pa Thiên lên đỉnh ngọn Pa Thiên để tìm về nơi đầu nguồn sông Hiếu, chúng tôi phải vượt qua hai vách đá dựng đứng cao hơn 10 mét chắn ngang lối đi, vì vậy việc di chuyển phải hết sức cẩn thận. Chạy suốt mấy cây số, rừng hai bên dòng suối Pa Thiên không có cây lớn, thậm chí càng lên thân cây càng bé dần. Nơi đây  cây rừng dù lớn hay nhỏ đều bám đầy rêu.

Với anh Hồ Ma, Hồ Văn Hưng hay Hồ ka Te vốn sinh ra và lớn lên ở Hướng Sơn, ngay từ bé đã từng không ít lần theo bố lên núi cao hái cây thuốc, bắt thú rừng thì có lẽ khung cảnh núi non dưới chân Pa Thiên đã trở nên quá gần gủi, thân quen. Nhưng với những thành viên còn lại, núi non nơi đây đã để thật nhiều cảm xúc. Mỗi gốc cây, mỗi tảng đá, mỗi giọt nước tí tách như đang thì thầm câu chuyện của riêng mình về dòng thời gian, về những đổi thay không ngừng nghỉ của tạo hóa.

Bởi vậy, khi nhìn con đường bằng  đá rêu phong, cổ kín, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào vườn cổ tích để trở về với tuổi thơ, trở về hòa mình vào dòng nước nước mát lành của con sông quê hương đôi bờ thương nhớ vào những chiều mùa Hạ.
Dulichgo
Sau gần 3 giờ đồng hồ ngược suối, cuối cùng chúng tôi cũng thoát ra khỏi cánh rừng để đặt chân lên đỉnh Pa Thiên. Trước mắt chúng tôi là một vùng đất khá rộng và tương đối bằng phẳng. Quần thể thực vật ở đây chủ yếu là cây bụi thấp và cây trúc. Theo cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thì nơi đây chính là đồng cỏ của quần thể bò tót khoảng 8 con. Bằng chứng là trên mặt đất dấu chân di thực của lũ bò tót vẫn nhìn thấy rất rõ.

Một điều hết sức thú vị là trên đỉnh Pa Thiên có rất nhiều cây chè. Tương truyền đây là vườn chè được quân lính của vua Hàm Nghi trồng trong quá trình nhà vua đi từ Cam Lộ ra vùng đất miền tây Quảng Bình để tránh sự truy đuổi của người Pháp. Chè trên đỉnh Pa Thiên lá khá cứng, dày và có màu sẩm, chúng thường mọc xen giữa những khóm trúc . Chè khi nấu uống nước không có vị chát đậm như chè ở trung du. Theo những người đi rừng nhiều kinh nghiệm như Hồ Ma, cây chè Pa Thiên sống trên độ cao hơn 1600 mét, quanh năm tiếp xúc với  mưa ngàn gió núi, hấp thu những gì tinh khiết của trời đất nên khi uống vào có khả năng giúp con người hồi phục sức khỏe. Có phải vì vậy mà người Vân Kiều ở Hướng Sơn mỗi khi có dịp ngang qua Pa thiên đều không quên hái một ít chè mang về bản để đãi đằng  bè bạn?

Điểm cao nhất trên đỉnh Pa Thiên là cả một quần thể đá, những phiến đá có hình thù khác nhau mà tạo hóa đã dày công đẻo gọt không biết từ bao giờ, chúng im lìm nằm cạnh nhau từ thiên thu. Dăm ba người qua đây đã cố khắc tên mình lên phiến đá như muốn ký thác vào đá núi kỷ niệm về một chuyến đi hiếm có trong đời, nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn những dòng chữ sẽ bị xóa nhòa  bởi mưa gió.
Dulichgo
Lang thang trên đỉnh Pa Thiên, tình cờ chúng tôi bắt gặp hai chú chim non khoảng 1 tuần tuổi. Chim bố mẹ đã làm tổ, đẻ trứng ngay trên bề mặt một phiến đá sát với mặt đất, xung quanh là một ít cây cỏ. Cuộc đấu tranh sinh tồn nơi đây thật nghiệt ngã, mưa gió có thể kéo đến bất cứ lúc nào. Hình như để vượt qua sự sàng lọc không thiên vị của thế giới tự nhiên, động lực lớn nhất của lũ chim chính là bầu trời rộng lớn và xa thẳm cho đến vô cùng.

Từ trên đỉnh Pa Thiên cao hơn 1600 mét so với mực nước biển, xuôi theo dòng suối chảy về sườn phía Đông của dãy núi là con suối cạn  dẫn xuống chân đỉnh Voi Mẹp.
Dulichgo
Ngay trên lối đi chúng tôi tình cờ bắt gặp một phần còn lại của một chiếc máy bay bị rơi trong chiến tranh. Vẫn là con suối đá phủ đầy rêu như một con đường đá khổng lồ nối bầu trời với mặt đất. Trên từng phiến đá, có những lớp rêu ngã màu rồi khô dần và những lớp rêu mới lại bất đầu xuất hiện. Quy luật sinh, diệt của tự nhiên hình như không chờ đợi và không ngừng nghỉ. Dãy núi Voi mẹp hiện hiện ngay trước mắt, nhưng để lên đến đỉnh núi vẫn còn cả một chặng đường dài đầy thử thách ở phía trước…
(Còn tiếp)

Hành trình đi tìm đầu nguồn sông Hiếu (P1)
Núi Pa Thiên (P2)
Chinh phục đỉnh Voi Mẹp (P3)

Theo Phan Tân Lâm (Quảng Trị TV)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com

Chinh phục đỉnh Voi Mẹp
Ngược đỉnh Voi Mẹp
Ký sự chinh phục Voi Mẹp - Tá Linh Sơn[/tintuc]

Phản hồi của bạn