[tintuc]

(BGO) - “Tây Yên Tử” là địa danh chỉ báo không gian văn hóa nằm ở sườn phía Tây cánh cung Đông Triều, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Địa danh/thuật ngữ này mới xuất hiện từ khi các cán bộ của Bảo tàng Bắc Giang công bố sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra, khảo sát các ngôi chùa cổ trên núi Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang” năm 1998.

Sử sách ghi nhận, núi Yên Tử là một trong những phúc địa của Giao Châu xưa. Dải núi này được các nhà khoa học địa chất hiện đại định danh là cánh cung Đông Triều. Nhìn toàn cục, núi chia làm hai phần: Phía Đông thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương; phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang.

Có lẽ miền sơn lâm Yên Tử nhiều cảnh sắc lâm tuyền kỳ thú, lại không xa kinh đô, tiện dụng đường sông nước nên từ những năm đầu kỷ nguyên độc lập, nhà Lý đã quan tâm đến miền đất ở sườn Tây Yên Tử mà áp dụng chính cách cơ mi, dựng chùa xây tháp thờ Phật dọc đôi bờ sông Lục.

Sử chép, các vua Lý từng nhiều lần ngự thuyền rồng ngược dòng sông Lục đi săn bắn hay úy lạo, khích lệ tâm trung với các phò mã, công chúa nhà Lý ở miền đất này.

Miền Tây Yên Tử trở thành miền đất Phật thiêng rồi thành nơi đô hội được dấy lên từ cuối thế kỷ XIII do các vua đầu triều Trần hâm mộ đạo Phật đã lần lượt tìm đến Yên Tử tham thiền học đạo.
Dulichgo
Đặc biệt, với Phật hoàng Trần Nhân Tông, sau hai lần Ngài lãnh đạo quân dân đánh đuổi giặc Mông - Nguyên ra khỏi bờ cõi Đại Việt đã tích cực khôi phục đất nước và làm cho quốc gia Đại Việt trở nên hưng thịnh, đồng thời làm tốt quan hệ bang giao, giữ hòa hiếu với triều đình phương Bắc rồi nhường ngôi cho con lên núi Yên Tử tu hành.

Sau nhiều lần tu theo pháp Đại đầu đà, Ngài đã lấy Đạo hiệu Giác hoàng điều ngự. Ngài thu nạp nhiều đệ tử và chọn ra hai đệ tử để giúp Ngài trong quá trình truyền đạo, sau đó sáng lập ra Phật tông Trúc Lâm Yên Tử và chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Ngài và hai đệ tử là Thiền Sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái mở các khóa kiết hạ cho tăng ni và sai Thiền sư Pháp Loa lập sổ tăng ni cho cả nước, định lệ ba năm lại độ một lần, từ đó thống nhất đạo Phật trong cả nước vào một giáo hội. Giáo hội Phật giáo theo Phật tông Trúc Lâm Yên Tử, cũng là giáo hội Phật giáo đầu tiên của Việt Nam.

Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm- nơi ghi đậm dấu ấn của đức Phật hoàng, trên sườn núi phía Tây dải Yên Tử còn nhiều nơi ghi dấu con đường hoằng dương của đức Phật hoàng. Sử ghi: Năm 1293, Ngài rũ bỏ ngai vàng nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên (Trần Anh Tông) và kế vị Thái Thượng hoàng, năm sau (1294) xuất gia lên núi ẩn cư tu thiền học Phật.
Dulichgo
Con đường du lịch văn hoá tâm linh phía Tây Yên Tử gắn với con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng nằm trọn vẹn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trên con đường ấy, chùa Vĩnh Nghiêm được coi là điểm khởi phát cho chuyến du ngoạn đáng quan tâm nhất.

Nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng đã dẫn từ sách Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền một thông tin rất thú vị: “… Khi Ngài vào núi Yên Tử, đi về phía Đông đến chùa Sơn Tháp (Hòn Tháp), nhà sư ở đó thấy diện mạo lạ thường, lấy làm kính trọng. Lúc đó cũng là ngày Thánh Tông sắc cho quần thần bốn phương tìm ngài về. Ngài bất đắc dĩ phải quay về lên ngôi…”. Chùa Sơn Tháp tọa trong khe núi Lòng Thuyền, thuộc địa phận thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam). Vậy, chùa Sơn Tháp chính là nơi ghi dấu ấn đầu tiên khi Ngài bí mật rời kinh đô vào núi tu hành.

Sự kiện này có lẽ là nguồn cội của con đường xiển dương Phật đạo của Ngài ở miền Tây Yên Tử sau này. Năm 1299, Ngài rời hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) đến núi Yên Tử (Quảng Ninh) hành đạo, lấy pháp danh là Hương Vân Đại đầu đà. Khi đã sáng lập Phật tông Trúc Lâm Yên Tử, là một lãnh đạo Phật giáo Đại Việt với tinh thần nhập thế, Người không chỉ an cư ở Yên Tử mà năng đi thuyết pháp, giảng thập thiện ở khắp nhân gian.
Dulichgo
Nếu chùa Sơn Tháp là nơi ghi dấu ban đầu người lên Yên Tử tu hành thì chùa Vĩnh Nghiêm là nơi Ngài nhiều lần đến thuyết giảng Phật pháp và độ điệp chúng sinh. Người có công truyền đăng cho hai đệ tử xuất sắc là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Pháp Loa là vị Thiền sư truyền đăng tiếp tục thắp sáng, xiển dương Phật pháp, mở mang nhiều ngôi chùa tháp ở sườn Tây Yên Tử thuộc địa phận Bắc Giang ngày nay.

Việc mở mang nhiều chùa, am ở Tây Yên Tử như: Chùa Hồ Bấc (xã Nghĩa Phương), chùa Bát Nhã (xã Huyền Sơn), chùa Mã Yên (xã Bắc Lũng), chùa Cao, chùa Khám Lạng (xã Khám Lạng), chùa Nhạn Tháp (xã Tiên Nha), chùa Đám Trì (xã Lục Sơn) thuộc huyện Lục Nam; chùa Am Vãi, chùa Hàm Long (xã Nam Dương) thuộc huyện Lục Ngạn... của Tổ Pháp Loa là sự kế thừa con đường hoằng dương Phật pháp của đức Phật hoàng.

Con đường hoằng dương Phật pháp của đức Phật hoàng, những nơi Ngài thuyết pháp, giảng đạo, phổ độ chúng sinh bằng Thập thiện nay dần được tái hiện và được đầu tư trở thành những trọng điểm du lịch văn hóa về nguồn. Các địa phương vùng Đông, Tây Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) đã liên kết đánh thức tiềm năng giá trị di sản Phật hoàng Trần Nhân Tông để cùng phát triển.

Còn con đường du lịch văn hoá tâm linh phía Tây Yên Tử gắn với con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng nằm trọn vẹn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đây là con đường hình thành và tồn tại từ nhiều thế kỷ qua. Nó gắn liền với sự ra đời và phát triển của Phật tông Trúc Lâm Yên Tử.
Dulichgo
Trên con đường ấy, điểm chùa Vĩnh Nghiêm được coi là điểm khởi phát cho chuyến du ngoạn đáng quan tâm nhất bởi nơi đây phụng thờ Phật và Tam tổ Phật tông Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời là nơi tàng lưu các di sản tư liệu đặc sắc của Phật tông Trúc Lâm Yên Tử mà nay đã trở thành di sản tư liệu của nhân loại.

Từ đây, khách hành hương theo con đường tâm linh về với Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử ở Đồng Thông (Sơn Động). Khu du lịch ra đời là kết quả của sự sáng tạo trong khai thác tiềm năng văn hóa tâm linh kết hợp với vẻ huyền diệu của môi trường sinh thái nơi đây sẽ làm hài lòng du khách muôn phương trong mùa xuân này.

Theo TS Nguyễn Văn Phong (Báo Bắc Giang)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com

Bảo tượng Phật Hoàng lớn nhất VN trên núi Yên Tử
Điều ít biết về nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Về Yên Tử ngắm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông[/tintuc]

Bài viết liên quan

Phản hồi của bạn