Xã xì trét

Hiển thị các bài đăng có nhãn Xã xì trét. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Xã xì trét. Hiển thị tất cả bài đăng

Bãi tắm “Vũng Tàu 2” ở miền Tây đông nghẹt khách dịp Tết

[tintuc]

(NLĐO) - Bãi cồn Long Khánh thuộc xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) được ví von như là “Vũng Tàu 2” thu nhỏ ở miền Tây.

Dịp Tết năm nay, bãi tắm đón đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh đến vui chơi và tắm cồn.

Theo UBND xã Long Khánh A, trong mấy ngày Tết lượng khách du Xuân đến bãi cồn tăng đột biến với hàng ngàn du khách. Du khách kéo đến đông nhất lúc buổi chiều, trong đó có nhiều du khách ở các tỉnh ĐBSCL cũng tìm đến trải nghiệm.

"Gia đình tôi quê ở An Giang sang đây tắm cồn cho biết với người ta. Trước đó, tôi chỉ thấy và nghe bãi tắm cồn trên đài truyền hình. Đúng là được đắm mình trên dòng nước sông cảm thấy mát mẻ. Mọi người tụ tập về bãi cồn cát đông vui như đi lễ hội", du khách Bùi Thị Thúy, nói.
Dulichgo
Bãi tắm cồn được thiên nhiên ưu đãi nên được nhiều du khách ưa thích. Với dòng nước sông Tiền mát lạnh, trong xanh, bãi cát trải dài và mịn, phù hợp cho các buổi tiệc nhỏ ngoài trời hoặc các hoạt động vui chơi, trải nghiệm trên cát không thua gì bãi tắm ở Vũng Tàu.

Khâu giữ xe, mua bán và cho thuê phao, quần áo bơi, bán quà lưu niệm đều được niêm yết giá, chính quyền địa phương đã phân luồng khu vực tắm nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

Theo Nha Mân (Người Lao Động)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Đầu năm đi lễ chùa Trường Sa

[tintuc]

(TTVH) - Từ ngàn xưa, ở đâu có người Việt an cư, lạc nghiệp là ở đó có đình, chùa. Đình, chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh, là nơi người Việt gửi gắm khát vọng bình an. Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống mỗi người Việt, nhưng đi lễ chùa ở Trường Sa - nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc,  trong mỗi người còn cảm thấy đặc biệt trong tim tình yêu Tổ quốc.

Tết đến, xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Phong tục đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét văn hóa tâm linh, một việc làm không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân Việt. Ở Trường Sa, đồ lễ chùa ngày Tết đơn giản như đĩa trái cây, gói bánh quy… mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, nhưng gửi gắm vào đó biết bao mong ước cho mưa thuận, gió hòa, cho cuộc sống an bình, phát triển của quân và dân trên đảo.

Xúng xính trong những bộ đồ mới, gia đình anh Nguyễn Huy Cường và hai con- cùng với 6 hộ dân khác sinh sống trên đảo Song Tử Tây gác lại những việc trong gia đình để cùng nhau lễ chùa đầu năm. Giữa đảo xa, lễ chùa với gia đình anh không chỉ là dịp cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống của quân và dân trên đảo được bình yên mà còn là dịp để gia đình hướng về tổ tiên, dân tộc.
Dulichgo
“Các hộ dân thường lên chùa thắp hương vào ngày mùng Một, ngày rằm và những dịp đầu xuân năm mới. Ở ngoài đảo xa xôi, cách xa đất liền, chùa là nơi chúng tôi lui tới thắp hương, chúng tôi rất an lòng khi ngày nào cũng được nghe tiếng chuông chùa vọng vang giống như trong đất liền vậy”- anh Cường tâm sự.

Thướt tha trong trang phục áo dài truyền thống, các cô gái trên đảo Song Tử Tây cười nói rộn ràng cùng lễ chùa đầu năm. Với các chị, lễ chùa đầu năm là dịp để gửi gắm những ước vọng về một cuộc sống thanh bình trên đảo, cầu cho biển lặng để những chuyến đánh bắt của người chồng được bình yên. Bên cạnh đó, lễ chùa đầu năm cũng giúp các chị- những gia đình trẻ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Chị Vi Thu Trang chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ ngày mồng 1 tết là các gia đình trên đảo rủ nhau lễ chùa đầu năm.

Cùng cầu chúc cho xuân sang tươi mới, bình yên và gặp nhiều may mắn. Ở giữa đảo xa, được đi lễ chùa đầu năm, tham gia các hoạt động vui xuân cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo giúp chúng tôi có thêm nghị lực bám đảo, bám biển, góp phần nhỏ bảo vệ vùng biển, đảo của chúng ta.

Không chỉ có các hộ dân đi lễ chùa đầu năm, chùa cũng là nơi thường xuyên lui tới của các chiến sĩ hải quân, cán bộ trạm hải đăng, thầy giáo… Các anh đến với chùa như muốn gửi gắm những lời yêu thương, lời chúc năm mới vào tiếng chuông chùa vang mãi về đất liền, về với gia đình.
Dulichgo
Các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của quân, dân trên đảo, ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở ngư trường Trường Sa cũng thường xuyên lên chùa thắp hương cầu cho trời yên biển lặng và những chuyến đánh bắt bội thu. Và bao đời, những ngôi chùa sừng sững giữa quần đảo Trường Sa là địa chỉ không thể thiếu của ngư dân trong những chuyến đánh bắt xa bờ, đồng thời là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


< Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca tọa lạc ngay sát bờ biển. Hiện nay, tại huyện đảo Trường Sa có 5 ngôi chùa là Trường Sa, Linh Sơn, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn.
Dulichgo
Tiếng kinh cầu của thầy trụ trì vang vọng cả một vùng đảo thanh bình, biển trời Trường Sa chộn rộn sang xuân. Trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện đã có nhiều ngôi chùa trên các đảo như Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh... có một điều đặc biệt tất cả các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa, chính điện đều hướng về Thăng Long - Hà Nội như tấm lòng của mọi người Việt hướng về trái tim của cả nước, thể hiện khát vọng cuộc sống hòa bình, hữu nghị như tấm lòng nhân hậu bao đời nay của người dân Việt Nam.

Theo Quang Thái/TTXVN
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Xuân về, đi tìm bóng dáng làng tranh một thời vang bóng

[tintuc]

(VOV) - Có hơn 1.500 hộ, nhưng nay cả xã Song Hồ chỉ còn lại duy nhất 3 hộ gia đình còn lưu giữ nghề làm tranh, số còn lại đã chuyển sang làm vàng mã.

Về làng Đông Khê (hợp bởi làng Đông Hồ cũ và làng Tú Khê), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - nơi nổi tiếng bao đời với dòng tranh dân gian Đông Hồ những vào những ngày giáp Tết, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng làng tranh chuyển mình thành công xưởng “hàng mã” lớn nhất nhì đất Bắc.

Xe tải xếp hàng kín hai bên đường để vận chuyển hàng mã. Các xưởng sản xuất, đại lý quần áo, đồ dùng “cõi âm” mọc lên san sát, hối hả người bán kẻ mua.

Những hình ảnh về làng tranh Đông Hồ, xưa gọi là làng Mái hưng thịnh một thời giờ chỉ còn lại trong ký ức của những bậc cao niên trong làng như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nay đã 84 tuổi.
Dulichgo
Bên chén trà chiều ấm nóng, cành đào phai đã nở báo hiệu Tết đang đến gần, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế người dành cả đời gắn bó với tranh Đông Hồ hồi tưởng: Khi ông còn nhỏ, tóc để trái đào, cứ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 làng tranh lại vào mùa. Trong làng, mọi người hối hả, bận rộn cho mùa làm tranh Tết. Mọi ngóc ngách đều chật kín chỗ phơi tranh.

Ngày ấy, Tết đến xuân sang, bên cạnh dưa hành, tràng pháo bánh chưng xanh, ai cũng cố tầm cho được một bức tranh Đông Hồ chơi Tết. Nhiều người từ những miền xa xôi như Thanh Hóa, Nghệ An cũng lặn lội ra mua cho được bức tranh chơi Tết. Không chỉ là chơi tranh, mà đó còn là ước nguyện về một năm mới may mắn, làm ăn sung túc, đủ đầy, gia đình hạnh phúc, thịnh vượng.

Cũng bởi vậy mà ca dao xưa có câu:
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về làng tranh”.

“Đến tận bây giờ, tôi vẫn kể cho con cháu nghe về câu chuyện của làng tranh xưa. Thời ấy, nếu cô dâu mới đi chợ Tết quên không mua tranh, thế nào cũng bị bố mẹ chê đoảng. Tết đến nhà nào cũng sắm đôi tranh mới treo, đến hết năm lại bóc đi mua đôi khác. Những ngày phiên chợ như mùng 6, 11, 16, 21 tháng Chạp, gà chưa gáy canh 5, dòng người từ khắp nơi đã đổ về làng Hồ để mua bán tranh đông vui như trẩy hội. Xưa vẫn có câu: Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh. Thế hệ ngày nay chẳng bao giờ biết được không khí của làng Mái hưng thịnh một thời”, cụ Chế ngậm ngùi.Dulichgo

Nếu như xưa kia, cả làng Hồ làm tranh, thì nay cả xã chỉ còn đúng 3 hộ gia đình vẫn lưu giữ nghề tranh truyền thống. Cũng bởi vậy, mà tâm nguyện lớn nhất của cụ Chế là con cháu học hành thành tài, đem những vốn hiểu biết mới về để gìn giữ và tiếp tục phát triển vốn di sản của ông cha để lại.

Tranh Đông Hồ đơn giản, mang tính ước lệ, tượng trưng, phóng  khoáng nhưng cũng rất hài hước, thâm thúy. Chỉ vào bức tranh lợn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giải thích, tranh lợn có hình tượng lợn mẹ và 5 lợn con, trên người đều có hình xoáy âm dương, thể hiện sự hòa hợp, mong  đầy đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở. Hay bức tranh đánh ghen được các cụ xưa sáng tạo nhằm phê phán tục đa thê, tranh Đám cưới chuột lại thể hiện rõ nét nạn quan liêu, hối lộ, đời sống của người nông dân trong xã hội xưa.

Theo cụ Chế, tranh Đông Hồ dù có nhiều màu sắc, nhưng không lòe loẹt, chói chang. Các loại màu đều được tạo ra từ các chất liệu thiên nhiên. Màu đen từ tro đốt lá tre, màu vàng từ nước hoa hòe, màu đỏ từ hoa hiên, màu trắng từ bột vỏ sò, điệp… tạo ra mỹ cảm dung dị, thuần hậu như chính đời sống người nông dân đất Bắc xưa.

Để làm ra một bức tranh Đông Hồ cần trải qua nhiều công đoạn phức tạp từ vẽ màu, khắc ván, in tranh. Tuy tranh được sản xuất hàng loạt nhưng mỗi khâu làm tranh đều được làm thủ công hoàn toàn. Vì thế, tranh Đông Hồ thấm đẫm tình cảm và sự chăm chút của các nghệ nhân.
Dulichgo
Nhiều người ví tranh Đông Hồ như sự hội tụ cái hồn của văn hóa làng Việt, ở đó không chỉ thấy được cái khéo của người làng tranh, mà còn thấy được cả cuộc sống sinh động, là nơi gửi gắm những ước vọng của người nông dân xưa.

Thăng trầm làng tranh thành làng mã

Bước ra khỏi căn nhà của cụ Nguyễn Đăng Chế, nếu ai chưa từng một lần đến với mảnh đất này, sẽ khó lòng nhận ra làng tranh Đông Hồ cũ đã từng đi vào thi ca, nhạc họa.

Không còn cảnh “Đì đoẹt ngoài sân chàng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà” như đôi câu thơ của Tú Xương. Làng tranh xưa, nay ngập tràn các món đồ hàng mã.

Tiếp câu chuyện về số phận hưng suy của dòng tranh Đông Hồ từng nức tiếng khắp nơi, cụ Nguyễn Đăng Chế kể, khi chiến tranh nổ ra, làng tranh bình yên xưa cũng bị tàn phá, người dân mải lo chạy giặc, hàng vạn bản khắc gỗ bị đốt cháy, thiêu rụi, thất lạc. Để khôi phục làng tranh, từ khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, những nghệ nhân của làng đã cùng thành lập lên “Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ”. Làng tranh từ đó cũng dần được phục hồi.

Tuy nhiên, đến những năm cuối của thập niên 90, làng tranh lại dần bước vào thời kỳ suy thoái, tranh làm ra không bán được.

Cụ Nguyễn Đăng Chế kể, thời kỳ những năm 1992, cụ xin nghỉ hưu sớm khi đang công tác tại trường ĐH Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội để về toàn tâm toàn ý vực lại làng tranh. Trước nguy cơ làng nghề dần mai một, cụ Chế đã dành dụm tiền tự có và xin tài trợ từ các tổ chức quốc tế để đi mua lại các bản khắc gỗ cổ và dần khôi phục làng nghề một lần nữa.

Dẫu vậy, giờ đây, đi khắp các ngõ ngách của làng Hồ, chỉ còn lại hàng mã tràn lan, tranh Đông Hồ lẻ loi giữa nơi đã sinh ra và hưng thịnh một thời cùng sự nuối tiếc của những nghệ nhân cả đời gắn bó với nghề.
Dulichgo
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người đã chững kiến những thăng trầm của làng nghề kể lại những năm làng tranh phải gồng mình tồn tại giữa hàng mã. “Tranh Đông Hồ chỉ bán được vào dịp Tết và giêng hai hàng năm. Xưa kia, khi làng nghề hưng thịnh, nghệ nhân sống được bằng tranh. Nhưng đến nay, nhu cầu của thị trường thay đổi, người mua tranh ngày càng ít. Trước sức ép của cơm áo gạo tiền, nhiều người bởi vậy mà từ bỏ nghề tranh”.

Sinh ra trong gia đình có hơn 10 đời làm tranh, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả thấy “xót’ thay khi làng nghề xưa có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất nếu không được bảo tồn. Không chỉ phải chống chọi với nguy cơ mai một, ngày nay, tranh Đông Hồ còn phải tự khẳng định mình nơi thương trường nhiều nhiễu nhương, tranh thật, tranh giả lẫn lộn.

Ông Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch xã Song Hồ cho biết, toàn xã có hơn 1500 hộ, song đến nay chỉ còn lại 3 hộ giữ nghề làm tranh. Khoảng 80% số hộ dân tại địa phương đã chuyển sang làm hàng mã.

“Nếu hỏi dân Đông Hồ  có muốn quay lại làm tranh và có thể làm tranh đẹp như xưa không thì chắc chắn là có. Nhưng một nhà làm tranh thì có thể sống được bằng nghề, còn cả làng làm tranh thì tiêu thụ thế nào”, ông Định nêu băn khoăn

Trước nguy cơ làng nghề bị mai một, hiện nay chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ làm tranh về việc thuê đất mở xưởng tranh, quảng bá dòng tranh truyền thống.
Dulichgo
Cũng theo ông Định, hiện tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và tiến hành xây dựng khu bảo tổn tranh tại khu di tích Đình tranh Đông Hồ với diện tích khoảng hơn 2ha. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Dòng tranh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. UBND tỉnh Bắc Ninh cùng Viện Văn hóa dân gian đang làm hồ sơ trình UNESCO công nhận tranh Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, ông Định cũng cho rằng để bảo tồn và phát triển làng tranh, cần các chính sách đồng bộ và cả sự đầu tư mạnh tay hơn nữa.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Chuyện lạ về giống lợn đeo gông ở Mù Cang Chải

[tintuc]

(VTC News) - Nhiều con to như con nghé, lông to như que tăm, xoắn xuýt lấy nhau, răng nanh dài cả gang tay cong vút nhìn dễ sợ.

Đến những bản làng người Mông ở đuôi dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), dễ dàng gặp những chú lợn khổng lồ, đi lại lững thững như những con trâu lùn.

Đồng bào Mông ở vùng đất mây mờ này có thói quen nuôi lợn lạc hậu, hoàn toàn hoang dã, nhưng lại tạo ra bản sắc đặc biệt. Họ không xây dựng chuồng trại kiên cố, mà thả rông cho chúng tự kiếm sống. Đàn lợn của người Mông tự ủi đất kiếm ăn, hoặc may lắm thì được chủ ném cho củ sắn, bó ngô để nhai. Chúng sống nhờ cơm thừa, canh cặn.

Lúc còn nhỏ, chúng chạy lông nhông quanh nhà, không dám đi đâu xa. Lớn lên, chúng tiến sâu vào rừng để đào bới, chui vào các nương ngô, nương sắn dũi đất.

Để chúng không đi được xa, không chui rúc được vào rừng sâu, phá nương rẫy, đồng bào đeo cho chúng cái gông hình tam giác to tướng ở cổ. Có cái gông ấy, chúng chỉ loanh quanh kiếm ăn được ở chỗ đất trống, không sợ đi lạc.
Dulichgo
Lợn nuôi bằng cám tăng trọng chỉ vài tháng là xuất chuồng, nhưng với lợn đen của đồng bào Mông, thì vài tháng có khi chỉ mới bằng cái phích.

Đồng bào Mông có thói quen tự cung tự cấp, nuôi lợn để thịt ăn vào ngày tết, nên nhà nào nuôi nhiều lợn, không ăn hết được, thì có những con lưu cữu trong nhà đến dăm bảy năm. Nhiều con to như con nghé, lông to như que tăm, xoắn xuýt lấy nhau, răng nanh dài cả gang tay cong vút nhìn dễ sợ. Có con già đến nỗi rụng hết răng mà vẫn chưa... bị thịt.

Có những con lợn Mông nuôi 6-7 năm, nặng đến 2-3 tạ. Chúng to và béo đến nỗi, lưng võng xuống, tạo ra mặt phẳng, để xô nước trên lưng mà không đổ. Nhiều con to, béo quá, khi cho ăn, bụng nặng đến nỗi không đứng lên được, chân cứ khuỵu xuống, bụng tràn xuống đất.

Lợn thường được đeo gông đến khi nặng khoảng 1 tạ, thì bị nhốt vào chuồng. Chuồng lợn cũng cực kỳ đơn sơ, chỉ có vài tấm gỗ gác lại. Lợn to béo, ục ịch, nên không chui rúc phá chuồng được. Khi ở trong chuồng, chúng được gia chủ cho ăn ngô, sắn sống, hoặc nấu thành bột cho chúng ăn. Thi thoảng chúng được bổ sung thêm bỗng rượu.
Dulichgo
Khi chúng ít vận động, thì mỗi ngày lại béo hơn. Những con lợn này có lớp mỡ dày đến nửa gang tay. Nhiều người dưới xuôi nhìn thấy lợn đen của người Mông toàn mỡ thì rất sợ, nhưng thực ra, mỡ của chúng rất giòn, bùi, không ngán như mỡ lợn thông thường.

Thịt của chúng cũng có màu thẫm. Tuy những con lợn nặng đến cả tạ, thậm chí 2-3 tạ, nhưng nững rẻ xương lại rất nhỏ, dẹt. Thịt của lợn đen thì mềm, ngọt, thậm chí được đánh giá cao hơn cả thịt lợn rừng.

Mặc dù người Mông còn nghèo, thiếu ăn, song ít khi họ bán những con lợn khổng lồ này. Họ thường nuôi đến Tết để mổ thịt, cả nhà cùng ăn. Nhà nào có con cái tuổi cập kê, thì họ sẽ để dành vài con lợn cỡ lớn, nuôi nhiều năm, để đến lúc cưới xin đem ra thịt cho bằng hết.

Nhà anh Hạng A Lềnh ở sườn một quả núi, nơi hoa mận hoa mơ nở trắng muốt, đào rừng đỏ rực, thuộc bản La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái) có một đàn tới gần chục con lợn khổng lồ, có con nặng tới 2 tạ. Tuy nhiên, anh chẳng bán con nào, mà toàn mổ thịt ăn.
Dulichgo
Anh cứ đóng gông vào cổ chúng, rồi thả loanh quanh ở nương nhà. Khi chúng được độ 2 năm tuổi, to lớn, đi lại kiếm ăn không hoạt bát nữa, thì nhốt vào dãy chuồng tạm bằng gỗ ở trước nhà. Hàng ngày, vợ con nấu sắn, ngô, hái rau rừng ném vào cho chúng ăn.

Nhà anh Lềnh đông con cái, nên cứ thi thoảng lại mổ một con. Lòng phèo ăn trước. Thịt xẻ ra thành từng miếng dài, treo trên gác bếp tầng tầng lớp lớp lên tận mái nhà. Khói từ bếp củi cháy quanh năm suốt tháng sẽ bảo vệ những miếng thịt khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn.

Ngày Tết, nhà anh cũng như đồng bào Mông ở La Pán Tẩn, đều mổ con lợn to nhất, ăn uống linh đình suốt cả tháng.
Nhà ông Hạng A Xẻ, ở cạnh nhà anh Lềnh, cũng có đàn lợn mấy con, toàn lợn khổng lồ.

Con cái đã lớn, lấy vợ, lấy chồng, rồi mỗi đứa ở một góc núi. Ngôi nhà gỗ rộng rãi mà chỉ có hai vợ chồng ông ở. Mới đây, ông lại dựng thêm một căn phòng nhỏ ở ngay chái nhà, rộng độ 20 mét vuông. Ông bảo, đây là nhà tiếp khách.
Dulichgo
Theo ông, việc dựng ngôi nhà tốn tổng cộng... 5 triệu đồng. Số tiền đó chủ yếu là mua tôn lợp, ốc vít, đinh, bản lề... Gỗ thì lấy ở rừng, còn việc dựng nhà là dân bản đến làm giúp. Căn phòng nhỏ xíu, tốn kém chẳng đáng bao, nhưng ông đã thịt tới 2 con lợn, mỗi con nặng khoảng 1,5 tạ, mà ông nuôi suốt mấy năm trời để phục vụ bà con đến dựng nhà giúp. Nhà dựng xong rồi còn ăn uống linh đình mấy ngày nữa mới hết.

Tết này, ông Xẻ mổ tiếp một con lợn khủng nữa để gọi con cháu đến ăn uống cho vui vẻ no say suốt mấy ngày liền.

Theo Phạm Dương Ngọc (VTC News)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Tết xem bí mật kỳ thú về đá gà

[tintuc]

(TPO) - Chọi gà là trò chơi dân gian có sức sống mãnh liệt tự nhiên nhất mà không cần nhà nước hỗ trợ bảo tồn. Xem đá gà được ví hấp dẫn, cảm xúc trồi sụt như trên sàn chứng khoán. Chọi gà gây nghiện không chỉ vì có yếu tố cá cược mà nó mang tới cho người xem nhiều cảm xúc kỳ thú, mãn nhãn, mãn nguyện.

Đá gà thường gắn với đánh bạc, cá cược nên người chơi gà không bao giờ muốn lộ diện. Qua hơn chục năm chơi gà, họa sĩ  Lê Hưng chia sẻ, anh từng chơi nghiệp dư  rồi lên chuyên nghiệp, sau nhiều lần thua cháy túi  tới vài chục triệu đồng, cộng với  điều kiện nhà mới chật chội anh đã từ bỏ thú chơi. Cũng có thể vì đã ra khỏi nghề nên Hưng mới đồng ý kể tỉ mỉ về trò chơi biến tấu đỏ đen này.

Điều dân gà không bao giờ kể

Sinh ra tại Quốc Oai (Hà Tây) ở nơi “gặp gà chọi dễ hơn gặp gà ta”, Lê Hưng kể từ năm 8-9 tuổi đã thích gà. Lớn lên ra Hà Nội đi học, đi làm, anh vẫn dành nhiều thời gian nuôi, luyện và đem gà đi đá mỗi khi có dịp. Giống như nhiều người Hà Nội mê gà, Hưng đổ đất lên sân thượng, nuôi hàng chục con. Vào ngày nghỉ các chú gà được chủ vác ra bãi cỏ, công viên để chạy bộ cho săn chắc.
Dulichgo
Thực tế cho thấy nuôi gà trên sân thượng không bao giờ khỏe. Nuôi theo kiểu các cụ cho uống sương và chân tiếp mặt đất mới thuận tự nhiên. Xưa thức ăn cho gà chủ yếu là cơm, châu chấu ngày nay để “chiến kê” săn chắc chủ cho ăn thóc khô, thóc ngâm qua đêm, thịt bò, tránh ngô gây béo. Mức sống cao lên, thực đơn bồi dưỡng giữa hai hồ (hiệp đấu 20-30 phút) là thịt bò, cà chua băm, người miền Trung cho “đấu sĩ” uống nước sâm Hàn Quốc, nước pha mật ong, thịt cóc, lươn, tắc kè băm... Có nhà mua cả máy cho gà tập chạy. Thuốc om bóp giúp da dày chống bị thương làm từ bã chè ngâm nước giải hoặc vỏ cậy gạo.

Một chú gà tơ từ trại đúc (nơi nhân giống gà), được chăm nuôi đến hạng từ 2,7kg-3,2kg. Gà tơ được chọn theo dòng. Có nhiều cách chọn, nhưng cơ bản con gà ôm phải chặt tay, vảy chân đều, lông mịn óng, mặt nhỏ, mắt tinh.  Ngoài ra tướng đứng, tướng đi, tướng gáy cũng quan trọng.

Gà tơ cần cho đánh mở mỏ với một chú gà phu (gà chuyên đánh thử) để biết có đáng được chơi hay không. Sau trận đầu, người ta sẽ cắt tai gà tơ cho gọn gàng. Tập một hồ gà phải được nghỉ một tuần. Nếu bắt đánh sớm nó sẽ nhát đòn, phí mất “chiến kê”. Vào trận đá, gà được ghép theo cân nặng, chiều cao (ghép trạng). Con nào nặng hơn phải chấp đối thủ bằng cách chịu bịt mỏ hoặc bịt cựa (tùy theo thỏa thuận. Giữa trận gà được móc đờm, xoa bóp, nghỉ ngơi.
Dulichgo
Xưa kia, mỗi hồ (hiệp đấu) kéo dài 20 phút, nay thành 30 phút, giữa 2 hồ nghỉ 10 phút. Kể cả thời có đồng hồ rồi, người ta tính giờ bằng cách buộc đồng xu vào sợi chỉ, treo lên que hương có cách vạch khấc. Que hương cháy đến vạch, sợi chỉ đứt, đồng xu rơi xuống mặt đĩa kêu keng một cái là hết một hồ.

Chuyện gian lận khá phổ biến, nhiều chủ gà không từ thủ đoạn hiểm ác để hạ đối thủ. Họ nhét diêm sinh vào bụng một con châu chấu và nhờ một đứa trẻ con ngồi gần gà đối thủ, búng cho nó ăn. Con gà ăn diêm dinh trở thành “gà mìn”, “gà hẹn giờ”. Hiểm hơn, chủ gà cho gà nhà mình (đang được nhiều người đặt cược) ăn diêm sinh. Sắp đến lúc gà mìn chạy hoảng, chủ gà bỗng phản kèo đặt tiền sang gà đối thủ. Anh ta thí một con gà và thu bộn tiền.

Thị trường thuốc tăng lực, kích thích (doping) của Thái Lan ngày càng nở rộ khiến trò đá gà không còn giá trị thưởng thức như truyền thống. Ngày trước, con gà nào bị phát hiện dùng doping sẽ bị khử ngay tại xới. Ngày nay tất cả đều dùng thuốc tăng lực (một dạng thuốc kích thích), thành ra tăng lực đấu với tăng lực.

Dân chuyên nghiệp nhận xét, đá gà miền Bắc và Nam là hai phái khác hẳn nhau. Dân Bắc chơi gà đòn, thưởng thức đòn thế, sức khỏe, độ lì của từng chiến kê. Các thế đánh mà người người xem chờ đợi gồm hầu, kiềng, mé, đầu, mặt, dọc chạy xe, đấm. Gà cựa Nam chơi kiểu bạo lực thần tốc, có khi trận đấu diễn ra trong 1-2 phút đã kết thúc nếu buộc dao vào cựa.

“Đúc gà” phát tài, mừng hay lo?

Trước Tết nguyên đán 1-2 tháng là mùa bán hàng bận rộn nhất trong  năm của các trại gà chọi miền Trung. Khách hàng hầu hết từ các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc. Khoảng năm bảy năm  gần đây, gà Thừa Thiên Huế, Phú Yên,  Bình Định được chuộng bởi khí hậu các tỉnh này nóng, gà hừng hừng quanh năm. Gà miền Bắc thường thay lông vào thời tiết mùa đông mưa lâm thâm, nên cơ thể không được khỏe.
Dulichgo
Dân chơi gà thường giữ gà mái để giữ “dòng” vì gà thường giống mẹ. Họ thà để ăn (trong trường hợp không dùng nhân giống) chứ ít khi bán gà mái nhất là gà mái “tổ”.

Anh Nguyễn Tấn Hậu chủ trại gà chọi tại Phù Cát, Bình Định cho biết, mỗi ngày trại xuất hàng chục con ra Bắc. Khách xem gà qua trang facebook của trại, thỏa thuận giá và “hàng” được đóng gói gửi xe đến tận tay. Cách đây bốn năm, anh Hậu từng sở hữu trại gà ở Đắk Lắk, sau nhận thấy khí hậu nắng quá khiến máy ấp trứng làm việc không hiệu quả, anh chuyển về Bình Định. Bình Định có giống gà đất võ Tây Sơn nổi tiếng, khí hậu ôn hòa, nhiều hộ dân đã bỏ nuôi heo, bò chuyển sang nuôi gà chọi, đời sống khá giả lên nhiều. Các trại gà vùng lân cận đến tuyển trứng và gà tơ từ vườn nhà dân, đưa về nhân giống, đào tạo thành “chiến kê”. Trại gà của anh Hậu luôn có vài trăm con các lứa lớn nhỏ và 100 con đang  tập luyện để xuất quân.

Anh Hậu cho biết một số trại ở Phú Yên có nguồn khách Trung Quốc đặt số lượng lớn 200-300 con /tuần. “Vì nhu cầu lớn, họ sẵn sàng phá giá. Mình ở đây bán 250-500 nghìn / 1 con họ sẵn sàng trả 1 triệu / 1con nếu lứa gà đẹp, ưng ý”. Vì nhu cầu lớn, các chủ trại cho gà ăn cám để lớn nhanh. Gà Phú Yên thường bị khách miền Bắc chê béo, chậm thành ra gà Bình Định vẫn giữ giá.

Một số Việt kiều về nước cũng tìm đến tận Bình Định mua trứng giống số lượng lớn mang đi Mỹ. Bên đó, cũng có trại ấp, cung cấp hàng cho dân đá gà. Nghe nói khách mua không chỉ là Việt kiều mà cả người Thái, Campuchia, Trung Quốc...
Dulichgo
Người chơi gà khá mê tín, ngoài các ưu điểm về tướng mạo, họ còn chọn màu lông (đỏ, xám hoặc ô) theo phong thủy hợp tuổi với mình. Có người tậu gà ô (đen) thua suốt, sau chỉ tìm gà đỏ, xám và ngược lại.

Mặc dù bị cấm, đá gà (ăn tiền) vẫn tồn tại, các trại đúc gà vẫn nhân giống không kịp nhu cầu. Bị cấm tại các vườn hoa công cộng, dân đá gà rủ nhau ra bãi sông quây xới. Họ đánh bạc bằng mồm, tín chỉ, về nhà trả tiền sau nên không dễ để bắt. Khó kiểm soát ở chỗ chủ gà ngày càng đông, nhất là giới công chức đô thị.

Theo Hoàng Hoa (Tiền Phong)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

“Xóm Huế” vào xuân

[tintuc]

(VOV) - Ngày Xuân về vùng quê có tên “Xóm Huế” thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tôi đã thấy và được nghe bao câu chuyện chứa chan tình đất, tình người.

Từ âm mưu “chia để trị” của thực dân Pháp, mãi đến năm thống nhất đất nước (1975), bà con Nam bộ cứ nghe ai nói giọng miền Bắc đều gọi là người Huế. Vì vậy, nơi nào có bà con miền Bắc sinh sống là mang tên “Xóm Huế”.

“Xóm Huế” hồi sinh

Năm 1978, tỉnh Minh Hải (nay gồm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) tiếp nhận hơn 10.000 hộ dân từ tỉnh Hà Nam Ninh (nay gồm 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình) - tỉnh kết nghĩa với Minh Hải, đến khai hoang, lập nghiệp.

Ngày ấy, Minh Hải muôn vàn khó khăn thiếu thốn: Phương tiện giao thông 100% là đường thủy; không điện; trường học, trạm y tế càng hiếm; Dân cư sinh sống lác đác. Bà con từ Hà Nam Ninh vào Minh Hải được phân chia nhiều khu dân cư thuộc các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời (Cà Mau); Vĩnh Lợi và huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Thời đó, đất rộng người thưa, mỗi hộ đến khu kinh tế mới được cấp từ 3 đến 4ha. Tuy nhiên, đất toàn là sậy, năn và ngập trũng, bà con miền Bắc đến vùng đất mới, lạ cảnh, lạ người, muôn vàn gieo neo vất vả.

Trong số 10.000 hộ đến vùng đất mới, đã có nhiều hộ không bám đất nổi, đành rời Minh Hải tìm phương cách sống. Số hộ còn bám trụ đến nay, cuộc sống của bà con “xóm Huế” đã hoàn toàn đổi khác.
Dulichgo
Anh Huỳnh Tấn Ngọc sinh ra trên đất Hoa Lư, Ninh Bình, năm 1978 theo cha mẹ đến Nông trường quốc doanh U Minh định cư (đơn vị tiền thân khu dân cư kinh tế mới năm 1978). Xuân Kỷ Hợi này anh Ngọc bước vào tuổi 56, hiện là bí thư chi bộ ấp 2, xã Trần Hợi. Tiếp tôi trong ngôi nhà mới toanh, tường xây gạch 20 để chống bão, anh Ngọc cho biết: “Cả ấp 2 có 250 hộ dân sinh sống, trong đó 85% bà con từ miền Bắc đến lập nghiệp.

Hiện ấp không còn hộ ở nhà lá; hơn 180 hộ đã xây nhà tường, 43 hộ mua sắm được phương tiện sản xuất cơ giới, như máy trục, máy cày trị giá hàng trăm triệu đồng, nhà nào cũng có từ 2 chiếc xe hon-đa trở lên”. Trong lúc nghe anh Ngọc kể chuyện, nhìn bao quanh phòng khách, tôi thấy những vật dụng đời mới đắt tiền: Ti vi siêu mỏng màn hình 40 inch, dàn máy karaoke, máy hút bụi, máy lạnh.

Còn nhớ những “xóm Huế” buổi đầu quạnh vắng, người dân lam lũ. Ngày ấy, qua đây từ tờ mờ sáng đã nghe bà con gọi nhau ơi ới ra đồng - phong cách lao động tập thể đã in sâu trong tâm thức của bà con miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Anh Ngọc tâm sự: “Ngày trước nghe kể mỗi héc-ta đất ở tỉnh Thái Bình năng suất tới 5 tấn, cứ nghĩ đó là kỳ tích, nhưng ở ấp chúng tôi hiện nay năng suất tới 7,5 tấn/ha.
Dulichgo
Vùng này bà con trồng mỗi năm 2 vụ lúa, cộng với một vụ màu, rồi nuôi cá, nuôi gia súc. Đất không phụ lòng người, những hộ nhận đất lập nghiệp ngày đó hiện giờ đều khá giả. Sau hơn 40 năm cật lực bám đất, bám đồng, cuộc sống của chúng tôi như lột xác so với buổi đầu”.

Bắc - Nam cùng khoe sắc

Đến nhà anh Trần Văn Nam, Bí thư chi bộ ấp 3, xã Trần Hợi đúng lúc gia đình tổ chức đón Tết. Anh Nam định cư tại ấp 3 được 37 năm. Sau ngần ấy năm mưa nắng, gian nan, trên phần đất hơn 2ha tự sang nhượng, anh Nam đã là chủ nhân một ngôi nhà tường vững chãi, khá nhiều tiện nghi có giá trị. 2 con của anh đã tốt nghiệp ngành y và có việc làm ổn định. Anh Nam cho biết: “Ấp 3 có 162 hộ là người từ miền Bắc đến lập nghiệp, cộng chung toàn ấp là 205 hộ, trong đó chỉ còn 3 hộ trong diện nghèo.

Năm 2018, cả ấp có 66 hộ xây nhà, tăng gấp đôi so với năm trước. Đạt được thành quả đó là nhờ bà con chuyển đổi sản xuất như nuôi chim bồ câu, gà ác”.

Ông Ngô Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi cho biết, xã có gần 780 hộ
dân di cư từ miền Bắc vào, hiện đang sinh sống ở 6 ấp. Bà con ở vùng kinh tế mới chịu khó, sáng tạo lao động nên hộ nào cũng có cuộc sống no đủ, dư dả. Đáng quý là bà con rất quan tâm cho con em ăn học. Bà con tích cực đóng góp vật chất xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, hệ thống giao thông đã được nâng cấp, mở rộng.
Dulichgo
Ngày giáp Tết, về đây nghe bà con trò chuyện, thấy sinh cảnh làng quê “xóm Huế” vào xuân, tôi bất giác nhận ra: Nhiều nét văn hóa đặc trưng của bà con miền Bắc đã định hình và lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Trước sân nhà của nhiều gia đình người bản địa đã trồng rau tía tô, cà pháo, thì là - những loại rau làm gia vị khá phổ biến của bà con  miền Bắc. Tết đến, bà con Nam bộ cũng gói hoặc mua cặp bánh chưng để cúng tổ tiên.
Dulichgo
Ngược lại, bà con “xóm Huế” đã trồng nhiều hoa mai đón Tết. Chị em nội trợ ở “xóm Huế” đã biết làm cá khô, ép chuối, dưa kiệu để lai rai ngày xuân sum họp.

Thêm một mùa xuân mới lại về trên mọi miền Tổ quốc. Ở nơi “xóm Huế”, xuân này hoa đào khoe sắc cùng hoa mai. Chỉ thế thôi, xuân đã đong đầy phồn thịnh và an yên!

Theo Hồ Trúc Điệp/Báo VOV
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Mồng 1 Tết với những con đường bình yên

[tintuc]

Ngày mồng 1 tết, nhiều tuyến đường ở trung tâm thủ đô hay thành phố lớn vô cùng thông thoáng khác hẳn với hình ảnh tất bật, nhộn nhịp hàng ngày.

Khoác một chiếc áo mới của tĩnh lặng bình yên, Hà Nội sau thời khắc Giao thừa đông đúc, náo nhiệt bao nhiêu thì lại vô cùng yên bình khi rạng sáng bấy nhiêu.

Tết là đoàn viên, nên phố phường ngày mùng 1 Tết luôn rất vắng lặng. Những người con của Hà Nội vẫn vậy, cứ thủng thẳng lo toan cúng cơm ông bà tổ tiên buổi sáng mùng 1 Tết tại gia đình, chứ ít khi đi chơi buổi sáng đầu năm mới.

< Phố Tràng Tiền buổi sớm.

Những góc phố quen nay bất ngờ như xa lạ bởi sự vắng lặng hiếm thấy. Có những nét phố mà ta không thể nhìn thấy nếu là vào những ngày tháng bận rộn, tấp nập phố xá bán mua.

< Phố Đinh Tiên Hoàng đêm Giao thừa tập trung đông người, nhưng sáng mùng 1 Tết trở nên vắng lặng lạ thường.

< Các con ngõ tại khu vực phố cổ vẫn chìm trong giấc ngủ dù ngày mới đã sang.

< Chợ Đồng Xuân trong ngày mồng .

Khu vực đông người qua lại buổi sớm đầu năm chính là khu vực các chùa, nơi đón những người con thành kính khởi hành đến an yên ngày đầu năm mới.

< Đường Khánh Hội (Quận 4).

Ở TPHCM, những con đường mà ngày thường chỉ cần nghe thấy cái tên thôi cũng chỉ muốn nằm dài ở nhà... thì nay, tĩnh lặng do nhiều người dân đã về quê đón Tết. Cộng thêm, sau một đêm du xuân đón thời khắc giao thừa nên nhiều người còn "ngủ nướng", các tuyến đường ở trung tâm TP.HCM đã không còn sự ồn ào, nhộn nhịp của một thành phố năng động nhất nước.

Nếu đã từng sinh sống ở Tp.HCM và đi qua những con đường này ắt hẳn bạn sẽ chẳng thể nào quên được: đường Cách mạng tháng 8, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, cầu Kênh Tẻ, Nguyễn Tất Thành, cầu Ông Lãnh,.. cứ nghe tên đường là nghĩ ngay tới những hàng dài người xe nhích từng chút một, là tiếng còi xe bíp bíp inh ỏi đến đau đầu, là những gương mặt mệt mỏi vì chờ đợi giữa nắng nóng gay gắt.

Ấy vậy mà hôm nay thiệt lạ, sáng sớm đi trên đường cứ tưởng như đang mơ. Mồng 1 Tết trả về cho Sài Gòn mến thương những con đường bình yên, ngập lá me rơi và thênh thang.

Mồng 1 Tết, chạy từ nhà trọ Bình Thạnh sang quận 7 chỉ hết hơn 30 phút theo đường Kênh Tẻ. Đây là đi đường vòng để vừa đi vừa chụp ảnh.

Đường vắng người. Phải chớp mắt mấy lần để biết không phải là giấc mơ. Ngày thường cung đường này kẹt xe, tắc đường, ám ảnh kinh hoàng.

Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com tổng hợp[/tintuc]

Người Việt đón Tết ở Trung Đông

[tintuc]

(TNO) - Chồng con tôi say sưa ngắm cảnh sa mạc. Cả hai đều chưa có ý niệm đầy đủ về Tết. Chỉ có tôi, một mình cảm thấu nỗi tiếc nuối nhớ nhung vô tận. Tôi biết cảm xúc này và biết gọi tên nó là Nỗi Cô Đơn.

Tháng 1, những cây thông Noel và các trang trí Giáng sinh khác đã được gỡ xuống từ lâu. Các khẩu hiệu "Happy New Year" cuối cùng cũng đã vắng bóng tại các nơi công cộng. Không khí lễ hội đã qua và mọi người đi học đi làm bình thường. Nhưng với tôi thì ngày lễ quan trọng nhất, ngày lễ có mang một linh hồn hẳn hoi, vẫn còn đang đợi ở phía trước - đó là Tết Nguyên đán.
Năm nay đã là năm thứ tư chúng tôi đón Tết ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Mọi ngỡ ngàng về một vùng đất mới đã qua đi, tôi cũng kịp biết thêm vài địa chỉ của người Việt để có thể mua sắm những món truyền thống cần thiết cho ngày Tết, cho nên cũng không quá bồn chồn lo lắng và vất vả khi ngày Tết đến gần như năm đầu tiên chúng tôi đến đây nữa.

Nhưng dường như khi mọi thứ trở nên dễ dàng đi cũng chính là lúc nó trở nên nhạt nhẽo thì phải. Bây giờ, và cả những năm sau này nữa, khi nhớ về những lần đón Tết cổ truyền ở Trung Đông, tôi hẳn nhiên sẽ nhớ nhất cái Tết đầu tiên ở đây với tất cả sự trân quý và trìu mến. Tôi chợt nghĩ, phải chăng chỉ có những khó khăn mới có thể thêm vị cho cuộc sống?
Dulichgo
Giữa những người người mặc trang phục xa lạ

Chúng tôi đặt chân đến vùng đất Ả Rập này một ngày tháng 5 năm 2015. Khi máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Dubai, tôi tò mò nhoài người nhìn qua cửa sổ. Tiếng tăm về sự hoành tráng và hoa lệ của Dubai làm cho tôi mường tượng trong đầu một cảnh gì cũng lấp lánh, bóng nhoáng như thế dưới kia. Nhưng những gì nhìn thấy thì ngay lúc ấy tôi chưa kịp hiểu gì cả. Giờ khắc giữa trưa mà thành phố hiện ra phía dưới kia chỉ nhờ nhờ, bàng bạc một màu vàng xỉn không một chút sức sống, không một mảng xanh lục nào của cây cối cả.

Đón tôi và con gái ở sân bay, để chúng tôi chuẩn bị tinh thần, chồng tôi cứ luôn miệng nhắc rằng ra khỏi sân bay là rất nóng, chịu khó một chút thôi vào xe sẽ ổn. Thế nhưng vừa ra khỏi cửa sân bay tôi đã bị sốc bởi cái nóng như lửa táp vào mặt, vào toàn thân thể. Tôi vội che chắn cho con gái, vừa thoáng có một ý niệm thực tế đầu tiên về vùng đất mình sẽ sinh sống, đây là vùng sa mạc.

Hơn bốn tháng trời sau khi tôi đặt chân đến đây là những tháng đỉnh điểm của mùa hè sa mạc, không trung lúc nào cũng mờ mịt như thế, chẳng bao giờ nhìn được xa, còn bầu trời thì luôn luôn màu xám, thỉnh thoảng may mắn lắm mới pha chút xanh rất nhợt nhạt. Ban đầu tôi cứ thắc mắc mãi cái gì trong không khí khiến mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo thế, chẳng thể là bụi mà càng không phải sương mù. Sau này khi tận mắt chứng kiến những ngày gió liên miên, những trận bão cát, tận tay cảm nhận những hạt cát mịn và nhẹ như đất bột, tôi mới hiểu và có thể tin được đó là bụi, là ô nhiễm.
Dulichgo
Ở đây, nước sinh hoạt gần như hoàn toàn được lọc từ nước biển, nên việc thiếu vắng màu xanh của thiên nhiên cây cỏ là điều dễ hiểu. Cái nóng, cái bụi, cuộc sống lẩn quẩn trong máy điều hòa từ nhà ra xe, đến các siêu thị, các khu tham quan giải trí trong nhà, các trung tâm thương mại... làm tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Nhiều lúc đứng giữa khu mua sắm với xung quanh là những người đàn ông, đàn bà trong những bộ trang phục xa lạ, thái độ lạnh lùng, đôi khi tệ hơn nữa là gặp phải những cử chỉ thô lỗ, kém thanh nhã, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ về quê nhà và những vùng đất trù phú khác mà tôi đã đi qua, với những con người quen thuộc và thân thiện.

Nhưng tôi không bao giờ tự hỏi, dù nhiều người vẫn hỏi, là vì sao tôi dám bỏ lại tất cả sự nghiệp, các cơ hội và sự thuận tiện ở quê nhà để theo chồng đến nơi này, bởi tôi tin vào số phận. Khi bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất hoặc buộc phải theo một lựa chọn đỡ tồi tệ nhất trong số các lựa chọn, thì đó là số phận. Số phận đã chỉ tôi tới nơi đây hẳn nhiên là có những điều tôi sẽ phải kinh qua, hoặc sứ mệnh nào đó mà tôi sẽ phải hoàn thành tại nơi đây.

Nấu bánh chưng trên một bãi biển đẹp cách xa Dubai

Sang giữa tháng 10 trời bắt đầu dịu lại, mát hẳn. Khí hậu ở đây chia một năm ra làm hai nửa rõ rệt và dứt khoát như thế, nửa nóng đầy gió bụi và nửa mát thì trong lành hơn cùng với những ngày sương mù thật lãng mạn. Đến tầm Giáng sinh thì ở đây lạnh ngắt, nhất là buối đêm và sáng sớm nhiệt độ có lúc xuống dưới 10. Tôi đã cảm thấy khá hơn và bắt đầu có hứng thú để vun đắp cuộc sống nơi đây. Rồi ngày Tết cũng cận kề. Cái Tết đầu tiên tôi phải xoay sở mà xung quanh không có lấy một người thân, chưa kịp gặp gỡ hay làm quen với một người đồng hương nào.
Dulichgo
Thật ra cũng có một đôi lần khi đang lang thang ở các trung tâm thương mại, tôi có loáng thoáng nghe thấy tiếng Việt. Tôi tìm đến ngay để bắt chuyện làm quen nhưng lần nào cũng như lần nào tôi cảm nhận rõ sự miễn cưỡng và không mặn mà gì mấy từ những người đồng hương kia. Nhưng tôi cũng phải đón Tết. Tôi phải tự tạo ra một không khí để con tôi dần dà cũng cảm nhận được cái hồn của ngày Tết như tôi đã có.

Từ lúc tôi lớn lên và trưởng thành thì việc chuẩn bị Tết ở Việt Nam cũng đã nhanh gọn dễ dàng đi nhiều bởi hàng hóa thương mại tràn ngập. Bởi vậy tôi phải lục lại những ký ức xưa cũ hơn về ngày Tết để xem mình phải làm gì. Tôi bắt đầu bằng ký ức về những cái nia tre đựng đầy những lát củ cải, củ kiệu và cà rốt được cắt tỉa răng cưa khéo léo Má tôi vẫn thường phơi trên chái mái tôn vào những ngày cận Tết. Tôi chưa bao giờ ăn thử củ kiệu vì nó rất giống củ hành mà tôi không ưa cho mấy. Cũng may như thế vì nếu muốn tôi cũng không thể kiếm ra củ kiệu ở đây. Tôi mua củ cải trắng và cà rốt, cắt tỉa cẩn thận nhất có thể rồi bày lên mâm phơi ra ngoài ban công. Mùi củ cải bắt nắng tỏa lên ngai ngái, đúng cái mùi tuổi thơ tôi vẫn hít hà và cảm thấy phấn khích lắm vì đó đúng là một trong những mùi đặc trưng của Tết.

Tôi gọi điện về nhà để hỏi má tôi cách làm nước ngâm. Thật ra bây giờ không khó để tự tìm hiểu cách làm với đầy thông tin trên mạng. Nhưng tôi muốn đúng vị nước ngâm tôi vẫn ăn từ nhỏ, thêm nữa, má tôi tuổi đã cao nên từ lâu không được tham gia những việc bếp núc trong nhà, nên những khi được "tham vấn" như thế này tôi cảm nhận rõ niềm vui pha lẫn tự hào của bà trong cách bà chỉ bảo. Tôi hạnh phúc vì điều đó.
Dulichgo
Con gái tôi thích nhất món bánh chưng nên nhất định là không thể thiếu, nhưng tôi chưa tự làm và nấu bánh chưng bao giờ. Tôi nhớ ngày nhỏ mỗi lần nấu bánh chưng bánh tét, ba má tôi đã nấu rất lâu, chúng tôi thường thức thâu đêm để canh bếp lửa. Thật ra nói canh cho oai vậy thôi chứ ba má tôi làm là chính. Con nít tụi tôi chỉ phụ họa, chủ yếu là được thức, được ở ngoài trời thâu đêm, được ngồi co ro cho bếp lửa sưởi ấm, chực cây củi nào cháy ra ngoài một chút là đẩy nó vào ngay, lắng nghe những câu chuyện và cả những bài nhạc vàng của ba tôi.

Tôi yêu và nhớ cái không khí ấy vô cùng.

Bây giờ chúng tôi ở chung cư nên không có không gian để nấu ngoài trời, mà nấu lâu chừng ấy chắc phải hết mất nửa bình ga. Tôi nghĩ ra một kế không tệ. Ở đây trong nhiều công viên và các bãi biển, cuối tuần người ta hay đi picnic, có nhiều khu được phép đốt lửa để làm barbecue, tại sao không nhỉ. Tôi có thể mua lá chuối tươi và thịt heo ở một vài siêu thị của người Philippines, lên mạng học cách gói bánh chưng, ghé cửa hàng của các trạm xăng bên xa lộ để mua củi, rồi thắng tiển đến một bờ biển đẹp cách xa Dubai để nấu bánh.

Khi chúng tôi đến, có một nhóm thanh niên vừa rời đi, để lại một đốm lửa đang còn cháy bập bùng. Chúng tôi quây quần sưởi ấm và chuẩn bị kê bếp lên trên đốm lửa cháy sẵn. Trời đã khá khuya, trăng chênh chếch đổ lấp lóa trên biển và sương xuống ướt lạnh. Tôi thấy tôi được ngồi lại trong khung cảnh của tuổi thơ, lãng mạn hơn nhiều, và tôi đang trong vai một người lớn. Tôi bắt đầu kể cho con gái nghe những câu chuyện về tuổi thơ tôi và ngày Tết ở Việt Nam.

Tôi còn làm thêm được món mứt gừng, chả bò, đều là lần đầu làm cả, và rồi cũng đủ bày được một mâm khá thịnh soạn để cúng giao thừa.

Nghỉ học, nghỉ làm để xuất hành đầu năm
Dulichgo
Ngày mồng một Tết năm ấy rơi trúng ngày làm việc bình thường ở đây. Tôi cho con gái nghỉ học một ngày, và chồng tôi cũng nghỉ phép một ngày để đón Tết. Chúng tôi cũng xem hướng, xem giờ xuất hành đầu năm để đón may mắn cho năm mới. Chồng tôi không quen thuộc lắm với văn hóa Việt Nam, nhưng cũng rất hứng thú với những quan niệm và niềm tin như thế này của người Việt. Chín giờ sáng ngày đầu năm chúng tôi xúng xính đồ đẹp, lì xì cho con gái, rồi lái xe thẳng hướng đông nam.

Hướng này nhanh chóng đưa chúng tôi ra khỏi đô thị, ngang qua một vùng sa mạc mênh mông. Tôi mở album nhạc xuân "trên đường đi lễ xuân đầu năm..." mà hai bên đường chẳng hề có một màu sắc gì của mùa xuân cả. Trừ con đường tít tắp đang trải dài trước mắt thì bốn phía chỉ có một màu, màu sa mạc đã từ lâu chưa thấy mưa, vàng nhạt và lốm đốm những cụm cỏ khô trải dài hết khắp chân trời. Đến chỗ sa mạc bị chắn lại bởi dãy núi đá cũng khô khốc như thế, chồng tôi hỏi "đi thế đã đủ lấy được may mắn chưa?". Tôi bật cười "thì cứ tin là đã đủ đi!".

Chúng tôi dừng lại bên đường. Giờ này ở Việt Nam đã qua trưa, chắc hẳn mọi người đã đi viếng nghĩa trang về rồi, và chắc đang quây quần chuẩn bị rủ nhau đi chúc Tết bà con, hàng xóm. Tôi bấm máy gọi cho Má tôi. Khi đầu bên kia Má tôi cất giọng, tôi cảm thấy một cái gì đột nhiên dâng nghẹn lại nơi ngực. Má tôi cũng vừa khóc mếu máo vừa chúc Tết tôi. Mọi người còn ở nghĩa trang chưa về. Má tôi chuyền máy cho tôi chúc Tết từng người trong gia đình, tôi lắng nghe cả những âm thanh lao xao xung quanh, tiếng người í ơi chào nhau năm mới, í ới rủ nhau thắp hương mộ này mộ kia. Tôi thấy hiện lên cả một rừng màu sắc. Màu của những bộ quần áo mới chen chúc đầy nghĩa trang sáng mồng Một, màu của những chậu hoa thược dược tím hồng, trắng, đỏ kê trên hiên các ngôi nhà dọc đường, màu của những bó hoa cúc vàng, trắng chưng đầy các ngôi mộ, màu khói hương nghi ngút, trầm ấm.
Dulichgo
Tôi yêu khung cảnh này lắm.

Người Mexico cũng có một truyền thống khá tương tự, là "ngày cho những người đã khuất". Họ tin rằng những linh hồn được tưởng nhớ sẽ không bao giờ bị mất đi. Tôi cũng tin và cảm nhận được điều đó. Hồi còn ở Việt Nam tôi thường xuyên viếng mộ ba tôi dù ông mất cũng đã 20 năm...

Bỗng "tít tít tít...", điện thoại im bặt. Số dư tài khoản của tôi hết rồi. Các âm thanh màu sắc rộn ràng cũng hết. Trước mắt tôi chỉ còn một màu vàng nhạt trải dài tới đỉnh núi đá. Chồng và con tôi vẫn say sưa ngắm cảnh sa mạc và nghịch cát. Cả hai đều chưa thể có ý niệm đầy đủ về Tết như tôi. Chỉ có tôi đứng đây, một mình cảm thấu nỗi tiếc nuối nhớ nhung vô tận. Tôi biết cảm xúc này, nó đích thị là Nỗi Cô Đơn.
Dulichgo
Chúng tôi quay về khi trời ngả sang chiều. Vậy thôi là hết Tết. Con tôi phải đi ngủ sớm để ngày mai lại đi học. Chồng tôi thì lại đi làm. Chúng tôi vất vả nhiều ngày chuẩn bị chỉ cho một chuyến "xuất hành đầu năm" này thôi. Nhưng tôi đã tận hưởng tất cả. Tôi tận hưởng giây phút này, tận hưởng những ngày bận rộn chuẩn bị, những khó khăn và thậm chí tận hưởng cả nỗi cô đơn này. Bởi vì với tôi cuộc sống không có đích đến nào cả mà là một cuộc hành trình dài những trải nghiệm mà thôi. Tôi vẫn học cách bình thản đón nhận, thưởng thức và vượt qua tất cả. Để khi cuộc trình kết thúc, tôi đã có một cuộc sống đầy đủ các màu sắc, hương vị và sẽ không hối tiếc vì đã bỏ lỡ một điều gì.

Theo Tracy Trần (Thanh Niên)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Phản hồi của bạn