ẩm thực địa phương

Hiển thị các bài đăng có nhãn ẩm thực địa phương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ẩm thực địa phương. Hiển thị tất cả bài đăng

Bánh tổ ngày Tết của người vùng cao Trà Bồng

[tintuc]

(BQN) - huyện vùng cao Trà Bồng, ngày Tết hầu như nhà nào cũng làm bánh tổ để cúng ông bà tổ tiên. Cũng giống như bánh chưng, bánh tét, chiếc bánh tổ đã gắn bó với mỗi người con vùng đất quế từ đời này sang đời khác mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Trà Bồng từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề làm bánh tổ truyền thống. Từ khoảng 20 tháng Chạp là người trong làng hối hả vào vụ Tết. Những ngày cuối năm chỉ cần đi ngang qua các hộ gia đình làm bánh tổ cũng có thể cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ của nếp, của gừng phảng phất trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, khiến mùi Tết thêm đậm đà hơn.

Ghé thăm hộ gia đình cô Lâm Thị Nguyệt, ở thị trấn Trà Xuân- một hộ có thâm niên 20 năm chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đang đến rất gần. Những chiếc bánh tổ đang được người nhà bà nhanh tay xếp dưới trời nắng để phơi cho khô bánh kịp thời đón Tết.

Theo bà Nguyệt, để làm được bánh tổ thật không khó nhưng kỳ công vô cùng. Nguyên liệu chủ yếu chỉ có bột nếp và đường, "gia vị" thêm mè và gừng. Nhưng phải chọn loại nếp tốt, ngâm nước vo sạch rồi trải ra nong phơi cho ráo nước, xong cho vào cối xay thành bột mịn. Đường muỗng, làm vụn rồi đêm "thắng" (bỏ vào chảo nóng cho đường tan ra thành chất lỏng).
Dulichgo
Nước đường làm bánh tổ phải được gạn lọc cho trong sạch. Sau đó trộn bột nếp đã xay mịn vào nước đường, nhào thật nhuyễn. Đây chính là công đoạn "khẳng định tay nghề" của người làm bánh. Bột, đường nhào trộn vào nhau soa cho vừa vặn, để bánh làm xong không khô, không nhão, mà dẻo dai và vừa ngọt.

Ngày trước khuôn bánh là một chiếc rọ đan bằng nan tre dát mỏng, sau đó lót lá chuối tươi, đã lau sạch sẽ. Dùng tăm tre ghim hai mép lá thành một sau khi đã uốn lá thành. Đây là cách giữ cho bột bánh sau khi trộn với nước đường đổ vào không chảy ra ngoài và cũng là cách bảo quan bánh để giữ được lâu ngày. Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, làm bánh với số lượng nhiều, người ta hầu hết đều dùng khuôn nhôm, lót bọc ni lông rồi đổ bánh vào đem hấp.
Dulichgo
Ổ bánh lấy ra khỏi khuôn được lá chuối bọc kín kẽ xếp vào khay đan bằng tre rồi mang đi hấp. Chừng 3 tiếng đồng hồ, bánh mới vừa chín. Người làm không quen có thể lấy đũa chọc thử vào mặt bánh, không thấy bột trào ra, bánh đã cô đặc hoàn toàn, thì đúng là đã chín. Lúc này phải nhanh tay rắc mè lên mặt bánh, mang ra sân phơi độ hai, ba nắng thì vừa khô, có thể bóc vỏ bọc dễ dàng.

Bà Nguyệt cho biết, cái hay của bánh tổ là có thể để được lâu, ăn dần cả tháng. Có nhiều cách khác nhau để thưởng thức món bánh bình dị và hương vị khó quên này. Có thể cắt ra ăn sống, nướng hoặc chiên giòn. Mỗi cách thưởng thức mang lại nhiều cảm giác khác nhau về hương vị bánh. Nếu ăn sống, đầu lưỡi sẽ cảm nhận vị ngọt thanh của đường, vị cay của gừng và chút mềm dẻo của nếp. Nếu bánh đem nướng trên lửa than sẽ dậy lên mùi thơm đặc trưng của nếp, đường gặp nóng sẽ càng ngọt và dẻo hơn, ăn kèm bánh tráng sẽ rất ngon.

Trong khi đó, miếng bánh khi được chiên giòn sẽ phồng lên, phảng phất hương thơm. Một lát bánh chiên kẹp với lát bánh nướng là sự lựa chọn được nhiều người thích nhất. Điều đặc biệt là bánh tổ nấu không phải để ăn ngay mà để sau một thời gian cho "ngấm", khi đó mới đậm đà, vị ngọt bùi sẽ tăng lên.

Còn vì sao loại bánh đậm chất truyền thống này lại có tên gọi là bánh tổ thì theo bà Chính, tên gọi của “bánh tổ” đã ẩn chứa trong nó ý nghĩa nhớ về tổ tiên mỗi dịp Tết đến. “Cũng chính "ngoại hình" của bánh như một chiếc bát, được bọc bằng lớp lá chuối hoặc lớp bao bóng dày dặn nên người xưa mới gọi là bánh tổ", bà Phượng chia sẻ.
Dulichgo
Bà Huỳnh Thị Tuyết, quê gốc ở huyện Bình Sơn, về làm dâu tại thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) đi chợ ngày cuối năm cũng không quên ghé mua chiếc bánh tổ về cúng ông bà. Theo bà Lâm, ngày Tết đặt chiếc bánh tổ trên bàn thở cúng ông bà tổ tiên đã trở thành tục lệ ngày Tết từ bao đời nay của người dân Trà Bồng.

"Năm nào cũng vậy, Tết đến bác cũng làm theo tục lệ ông bà. Tết mình mua bánh tổ cúng ông bà, lo Tết cho con cháu nó vui vẻ mà mình cũng làm tròn bổn phận làm con”, bà Lâm vui vẻ chia sẻ.

Với người dân vùng cao Trà Bồng, Tết đến mà thiếu món bánh tổ thì không khác gì thiếu dưa hành, câu đối đỏ. Nói như vậy để hiểu rằng, đây là món bánh rất đặc trưng của người dân vùng cao nơi đây. Đó như một tục lệ, một cách bày tỏ tấm lòng nhớ về nguồn cội, tổ tiên… Đây cũng là món quà quê thơm thảo của những người con vùng đất quế Trà Bồng gửi tặng cho người thân mỗi dịp Tết đến xuân về.

Theo P.Tiên (Báo Quảng Ngãi)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Mạch nha: Món quà Tết đậm đà hương vị

[tintuc]

(QNO) - Quảng Ngãi từ lâu được mệnh danh là xứ sở của cây mía với những sản phẩm từ mía nổi tiếng như đường phèn, đường phổi, kẹo gương... Riêng mạch nha với độ mềm dẻo, ngọt thanh, từ lâu đã được du khách mua làm quà khi có dịp về quê hương sông Trà – núi Ấn.

Lần theo câu thành ngữ “Kẹo gương Thu Xà, mạch nha Mộ Đức”, tôi về làng Tú Sơn, xã Đức Lân gặp hai vợ chồng cùng họ, cùng tên, cùng 60 tuổi, đang theo nghề truyền thống này. Anh chồng là Nguyễn Kim Ngọc, vợ là Nguyễn Thị Ngọc. Trước khi gặp anh chị, “tiếng lành đồn xa” cho tôi biết mạch nha của anh chị là “chuẩn” nhất.

Mạch nha là sản phẩm thủ công truyền thống của Quảng Ngãi. Dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi ghi rõ: Vào những năm 1930 - 1935,  tại các hội chợ danh tiếng được tổ chức ở Huế và Hà Nội, sản phẩm mạch nha đã được trưng bày và tạo được tiếng vang bởi hương vị ngọt thơm, thanh dịu và thuần khiết.

Theo vợ chồng anh Ngọc, để có một mẻ mạch nha đúng chất truyền thống thì nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ lưỡng, tỷ lệ nhào trộn giữa xôi nếp và mộng lúa phải được “cân đong đo đếm” cẩn thận. Sau khi ép lấy nước tinh ròng là giai đoạn nấu trong vòng 6 tiếng. Giai đoạn củi lửa này là quan trọng nhất. Nấu xong, mẻ mạch nha mềm mại, dẻo quánh, có màu cánh gián là đạt yêu cầu.
Dulichgo
Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần nghe người bán dạo mạch nha cất tiếng rao: “Ai lông gà, lông vịt, xoong nồi hư đem đổi mạch nha đi”, tôi thường “níu áo” mẹ làm nũng, đòi mua cho bằng được. Thời ấy, làng quê nghèo khổ, ăn “toàn mạch nha” bị cho là lãng phí, nên thường kèm với củ lang, củ mì.

Mà lạ nghen! Mạch nha ăn chung với củ ngon lạ ngon lùng. Vị bùi bùi của củ “đi” với vị ngọt dịu dàng được chiết từ lúa nếp khiến ta tưởng như đang ăn một loại bánh “cao cấp” nào đó.

“Thăng hoa” từ tinh túy của lúa và nếp, vị ngọt của mạch nha khá lành tính nên quý bà nội trợ thường dùng để thay thế đường trong pha chế, nấu nướng nhiều món ăn, đồ uống. Một ly nước giải khát được làm ngọt bởi vài muỗng mạch nha, nặn tí chanh, bỏ vài cục nước đá thì tuyệt vô cùng.

Chị Ngọc nói vui: Một năm có tứ thời xuân hạ thu đông. Riêng mạch nha thì mùa nào cũng chỉ giữ mức 18 nghìn một lon. Lời ít thôi, nhưng vợ chồng tôi sống khỏe, lại còn phụ thêm cho mấy đứa nhỏ ăn học trong Sài Gòn. Anh Ngọc thì nói, mỗi tháng hai vợ chồng nấu được 6 mẻ mạch nha, mỗi mẻ 100 lon, vị chi là 600 lon.
Dulichgo
Mỗi tháng vợ chồng tôi kiếm 3 triệu. Kể ra thì mức lời đó cũng bèo thiệt, nhưng mừng cái là ra lò mẻ nào bán hết mẻ đó. Nhiều người đến lò vợ chồng tôi lấy mạch nha về dán nhãn lung tung thành mạch nha của họ. Tính từ đời ông, đời cha tới bây giờ thì nghề nấu mạch nha truyền thống của gia đình tôi đã có trên trăm năm rồi. Chắc sắp tới tôi làm thủ tục xin nhãn hiệu “Mạch nha Song Ngọc” anh vừa đặt chứ hổng lẽ vô danh hoài sao?

Khách thập phương khi có dịp đặt chân đến Quảng Ngãi đều chọn mua mạch nha Mộ Đức làm quà biếu tặng người thân. Đặc biệt là mỗi dịp Xuân về, mạch nha Mộ Đức vẫn là món quà đậm đà phong vị Tết.

Theo Trần Cao Duyên (Quảng Ngãi online)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Thơm ngon măng khô của người Thái ở Sơn La

[tintuc]

(VOV) - Măng chỉ mọc theo mùa, từ xa xưa bà con người Thái ở Sơn La đã biết lấy măng về làm thức ăn dự trữ quanh năm, trong đó có làm măng khô.

Măng tre, vầu, luồng, nứa... là thực phẩm gắn bó, gần gũi trong đời sống và ẩm thực của đồng bào Thái ở Sơn La.

Nguyên liệu để làm măng khô có thường là măng cây vầu, luồng, cây nứa. Còn bà con người Thái ở Sơn La thường làm măng khô từ cây măng tre rừng, một loại măng ăn rất ngon, bà con nơi đây thường gọi là măng " hốc".

Loại măng này luộc không đắng, không ngọt, khi làm măng chua có màu vàng ươm, không trắng như loại măng khác, đặc biệt là làm măng khô. Để làm được măng khô ngon, bà con lấy măng đúng thời điểm để măng được ngon nhất.
Dulichgo
Bà Quàng Thị Ban, bản Lả Hôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La một người chuyên chế biến măng khô cho biết: “Mỗi năm vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch là vào rừng lấy măng. Lấy măng vào thời gian này, măng sẽ dày thịt, làm măng khô sẽ mền và ngọt hơn. Măng lấy về là phải làm ngay, để lâu măng bị ủng ăn sẽ không ngon".

Măng sau khi đào về được bóc vỏ, rửa sạch, cắt bỏ phần gốc già, cho vào nồi luộc thật kỹ để bớt mùi hăng. Khi luộc chín vớt măng ra để ráo nước rồi thái miếng.  Măng củ thái đơn giản hơn, nhưng măng lá phải khéo léo hơn, mới thái được miếng măng ngon, và đẹp mắt.

Măng được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, nếu gặp nắng to phơi trung bình từ 3 đến 4 ngày là được. Bà con thường dùng cót, mẹt đan bằng tre để phơi măng,vừa đảm bảo vệ sinh. Mỗi ngày có thể lật miếng từ một đến 2 lần để măng nhanh khô. Khi không được nắng bà con thường cho lên gác bếp để hong khô.

Nếu được nắng, măng khô có màu vàng tự nhiên, măng hong trên gác bếp sẽ có màu vàng sậm hơn. Măng khô thường có 2 loại, măng củ thành miếng, măng xé là loại măng lá sau khi luộc xong mang xé nhỏ rồi đem phơi khô. Ngoài ra bà con còn làm măng chua phơi khô, gọi là " nó héo".

Măng khô trước khi đem chế biến rửa bằng nước lạnh và ngâm qua đêm. Sau đó cho măng khô vào nồi đổ nước ngập măng rồi luộc. Đun sôi từ 15 đến 20 phút rồi đổ măng ra rổ, rửa sạch bằng nước lạnh. Sau đó lại luộc tiếp. Làm như vậy từ 2 đền 3 lần, không thấy màu nước vàng đậm là được. Măng khô kết hợp với món nào cũng ngon.
Dulichgo
Măng chua khô chế biến được nhiều món ăn như xào thịt, xào lòng gà, thịt gà, canh cá, đặc biệt nhất là sào với châu chấu,dế mèn rất hợp. Còn Măng khô xé nhỏ ngoài sào lòng gà, thịt gà, bà con người Thái Sơn La thường nấu măng khô với xương hầm và đậu tương, một loại canh không thể thiếu trong các ngày lễ, tết, trong đám cưới hỏi.

Chị Quàng Thị Ban ở bản Lả Hôm, thành phố Sơn La cho biết thêm: "Để có được bát canh măng khô ngon, trước tiên là cần có thêm một ít xương, một ít đậu tương. Xương hầm lên, còn đậu tương thì ngâm trong nước lạnh tầm 30 phút rồi cho vào nồi riêng rồi luộc lên. Khi nào chín ăn được thì đổ ra rổ rửa sạch, sau đó đổ măng và đậu tương vào nồi xương hầm đun thêm 10 đến 15 phút là có thể ăn được".
Dulichgo
Trước đây, đồng báo Thái Tây Bắc làm măng khô để dự trữ quanh năm. Vì nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay bà con đã làm măng khô để bán ra thị trường. Môt cân măng khô dao động từ 150 đến 200 nghìn đồng.

Chị Lù Thị Vân, ở bản Bó, Phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, một chủ cửa hàng chuyên bán măng khô cho biết: "Ngày thường thì bán được ít, những ngày giáp tết thì bán được nhiều.  Khách dưới xuôi thường lên trên này mua về làm quà, trung bình mỗi ngày bán được chục cân, có ngày bán nhiều từ 20-30 kg".

Với mùi thơm đặc trưng, các món ăn được chế biến từ măng khô cũng làm cho mâm cơm ngày Tết của đồng bào thêm đủ đầy.

Theo Lường Huyền (VOV.VN)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Quà quê xứ Quảng đi muôn nơi

[tintuc]

(BQN) - Cận Tết, những chuyến tàu, xe ra bắc, vào nam tấp nập. “Hồn” quê hương ẩn chứa trong những món quà quê cũng theo đi muôn nơi, góp niềm vui cho các gia đình không có điều kiện về quê ăn Tết.
Cuộc sống ngày càng hiện đại. Tết nay cũng khác nhiều với Tết xưa. Khách đến chơi nhà, chúc Tết, được gia chủ mời đủ các loại bánh mứt ngon, sản xuất và đóng gói bằng công nghệ hiện đại.

Trẻ con thời nay chỉ biết đến vị ngọt của bánh ngoại nhập, thay vì thòm thèm mùi vị giản dị mà thơm lừng của chiếc bánh in, bánh xốp hay bánh thuẫn… khi ngồi ngóng bà và mẹ cần mẫn tự tay làm trong những ngày giáp Tết như trước đây. Cũng từ đó, những món bánh truyền thống lúc nào cũng xuất hiện ở những cái Tết cũ, dần vắng bóng.

Những tưởng, trước những thay đổi ấy, các làng nghề truyền thống không thể trụ vững giữa xoay chuyển của thị trường. Ấy vậy mà, Tết đến, từ các lò nghề truyền thống, bánh quê vẫn có sức sống mãnh liệt đến không ngờ.


< Các lò bánh truyền thống đỏ lửa đêm ngày và thuê thêm nhân công để kịp phục vụ Tết.

Bà Nguyễn Thị Thu- ngụ ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) gắn bó với nghề làm bánh nổ hơn 30 năm. Chọn nghề truyền thống để làm kinh tế từ thuở còn là thiếu nữ, đến nay, bà đã con cháu đuề huề.
Dulichgo
Cách đây chục năm, khi bánh truyền thống bị “chèn ép”, bà Thu tính đến chuyện bỏ làng, vào nam buôn bán. Nhưng rồi, cứ kiên trì bám trụ, bà Thu và nhiều gia đình khác ở làng bánh nổ Điền Trang lại có cơ hội mới.

Dần dần, khi thị trường bánh kẹo công nghiệp bị bão hoà. Người Quảng Ngãi lại lần trở về tìm kiếm hương vị xưa. Nhất là những người con xa xứ, khi họ không có điều kiện về quê thường xuyên, thì những món bánh dân gian giúp họ giữ được hồn quê bên mình.

Những ngày giáp Tết, gia đình bà Thu, mỗi ngày sản xuất hơn 100kg bánh. Bà Thu chia sẻ: Từ lâu, trên bàn thờ gia tiên của người Quảng Ngãi trong những ngày Tết luôn có bánh nổ hay bánh in, bánh mì xốp, bánh đậu xanh…Nên Tết đến, bánh nổ theo xe, tàu đi tới những nơi có người Quảng Ngãi sinh sống. Ngày nào bánh cũng không đủ chuyển đi, làm không hết việc.


< Các loại bánh quê làm từ gạo như bánh nổ, bánh tráng vẫn là thứ không thể thiếu trong các gia đình người Quảng Ngãi dịp Tết cổ truyền.

Ngoài bánh nổ, bánh tráng cũng là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Quảng. Vậy nên, hơn 20 hộ làm nghề tráng bánh ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) dù đã đẩy hết công suất, vẫn không cung ứng kịp cho thị trường Tết.
Dulichgo
Vẫn gắn bó với việc sản xuất ra món bánh quê hương, nhưng để đáp ứng kịp thị hiếu người tiêu dùng, nhiều lò bánh tráng đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp lò bánh tráng. Mọi công đoạn từ xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt.

Ngày thường, mỗi lò bánh chỉ sản xuất khoảng 10-20 kg gạo. Đến Tết, lò bánh tráng phải đỏ lửa liên tục từ 2-3 giờ sáng đến tận chiều tối hôm sau để pha chế và tráng 70-100kg gạo thành hàng nghìn chiếc bánh. Bánh vừa sản xuất ra lò, đã nhanh chóng được xếp gọn gàng và chuyển đi khắp nơi.


< Bánh nổ vừa ra lò đã được đóng gói và gửi đi phương xa qua các chuyến tàu, xe chạy ra bắc, vào nam.

Ông Vũ Bảo- chủ lò bánh tráng ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành chia sẻ, ngày thường lò có 2-3 người làm là đủ. Nhưng Tết phải thuê thêm nhân công gấp 3-4 lần. Theo ông, dù tráng không kịp bán nhưng các lò bánh ở đây không chạy theo số lượng mà luôn đặt chất lượng bánh lên hàng đầu. Từ việc chú ý pha chế nguyên liệu sao cho bánh ngon đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở từng công đoạn.
Dulichgo
“Làm nghề này, không bao giờ sợ ế. Vì ở đâu có người Quảng Ngãi thì ở đó người ta còn có nhu cầu dùng bánh tráng, nhất là những dịp lễ Tết. Vậy nên, phải làm chất lượng, thì người ta mới đặt hàng thường xuyên. Bánh làm từ gạo thôi, mà bao nhiêu lần đi nước ngoài rồi đó!”- ông Bảo cười khoe, tay vẫn không ngừng khuấy bột tráng bánh.

Quả thật chỉ là loại bánh quê, làm từ gạo mùa, nhưng trong đó, như ẩn chứa cả tấm lòng của người quê hương. Bởi vậy cho nên, nhiều người Quảng xa quê, khi được nhận những món bánh dân dã ấy, thì chẳng gì quý bằng.


< Tết đến, với những người con xứ Quảng xa quê,chẳng gì quý bằng những chiếc bánh truyền thống gửi từ quê hương.

Chị Đinh Ngọc Hoàng- một người con Quảng Ngãi đang định cư bên đất Canada xa xôi, năm nay lại không thể về ăn Tết cùng gia đình. Ăn Tết xa quê, với chị, Tết ấy chẳng thể vẹn tròn. Nhưng chị Hoàng cho rằng, mình vẫn còn may mắn, khi chị sắp được nhận quà bánh từ quê mẹ.

Chẳng có gì nhiều, chỉ là túi bánh thuẫn, bánh nổ, bánh mì xốp hay vài chục bánh tráng mỏng. Nhưng thứ quà quê ấy, có mặt cùng chị nơi đất khách quê người, hẳn là rất ý nghĩa.
Dulichgo
“Xa quê lâu năm, những món mình thèm nhất vẫn là các loại bánh truyền thống này thôi. Mẹ mình mỗi lần gửi bánh thì vất vả lắm. Phải gửi xe từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn, may có người quen từ Sài Gòn qua đây thì lại gửi nhờ. Nên hiếm hoi lắm, mình mới nhận được quà quê”- chị Hoàng bộc bạch.

Chỉ đơn giản là từ vật phẩm của cánh đồng làng, nhưng các loại bánh truyền thống lại có sức hút kỳ lạ. Đến nỗi, khi nhớ về nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nhiều người con xa quê vẫn chép miệng, thèm được cắn một miếng bánh quê, nhâm nhi cùng bình trà nóng. Vậy mà như nếm được mùi vị của Tết quê!

Theo Thanh Phương (Quảng Ngãi online)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Mâm cơm ngày Tết của bà con dân tộc có gì đặc biệt?

[tintuc]

(TTO) - Bánh chưng của đồng bào người Thái nhỏ, gói dài và được buộc thành từng cặp, tượng trưng cho tình đoàn kết giữa dân tộc Thái - Mường, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa luôn gắn bó bền chặt.

< Tết là dịp để bà con dân tộc nghỉ ngơi, quây quần bên mâm cơm.

Nếu với người dân tộc Kinh, Tết là "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ", thì mâm cơm tết của người dân tộc Thái, Mông… tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La không quá cầu kỳ với mâm cao cỗ đầy nhưng cũng có những quy tắc riêng không thể bỏ qua.

< Mâm cơm Tết của mỗi vùng mang đặc trưng riêng, hầu hết thực phẩm do bà con tự nuôi trồng.

Mỗi gia đình đều tận dụng nguồn lương thực, thực phẩm có sẵn trong mỗi gia đình, con lợn, con gà nuôi được đều để dành đến tết.
Dulichgo
Tết là thời gian để mọi người cùng ngồi lại với nhau, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Mâm cơm Tết còn là lời cảm tạ đến đến gia tiên, cầu cho năm mới an lành.

< Mèn mén là món ăn của bà con dân tộc Mông.

Đôi tay đang thoăn thoắt chuẩn bị mâm cơm ngày tết, anh Mùa A Học (người dân tộc Mông, 29 tuổi, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ) giải thích ý nghĩa mâm cơm của dân tộc Mông như các ông các bà có câu: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành".

Tết đến, bà con người Mông không phân biệt giàu sang đều chuẩn bị mâm cơm ngày Tết với mong muốn cầu cho mọi người bình an, nhà nhà hạnh phúc.

< Xôi ngũ sắc, thịt gà rừng, cá suối, thịt lợn...

"Chúng tôi mong cho mọi người có sức khỏe, chúc cho một năm mới mùa màng bội thu", Mùa A Học chia sẻ.

A Học kể, mâm cơm không thể thiếu món bánh giày dẻo thơm được làm từ những hạt gạo nếp thơm trên nương. Nhờ bàn tay khéo léo của chàng trai, cô gái dân tộc Mông chăm chỉ giã bánh giày bằng cối giã mới làm nên thức bánh dẻo và thơm lừng đến thế.

< Mâm cơm được bày trí bắt mắt của đồng bào dân tộc Thái bên những cành đào rừng đặc trưng của mùa xuân.
Dulichgo
Mèn mén cũng là món ăn không thể thiếu được trong mâm cơm ngày tết. Nguyên liệu chính là hạt ngô trên nương, trên rẫy được bà con đồ lên tạo mùi thơm và hương vị nồng nàn.

< Nồi rau củ "thập cẩm" do bà con dân tộc tự trồng, không chế biến quá cầu kỳ: đun sôi nước, luộc rau củ, thế là có mon ăn đậm chất núi rừng.

Ngày nay trong mâm cơm có thể cải thiện thêm những món ăn ngon hơn như thịt lợn luộc, thịt lợn nướng. Món khai vị biểu tượng của đồng bào người Mông là thạch, với biểu tượng cành hoa đào của núi rừng Tây Bắc.

< Món bánh dẻo thơm với đủ màu sắc được "nhuộm" màu bằng các loại lá rừng, mang lại màu sắc sặc sỡ cho mâm cơm Tết.

"Và một thức uống không thể thiếu được cho các cuộc vui kéo dài, giúp mọi người sum vầy bên nhau sau những tháng ngày lao động vất vả là rượu ngô. Rượu được ủ trong vòng 1 - 2 tháng mới chưng cất nên có vị thơm, ngọt và đặc biệt rượu không làm cho bà con đau đầu sau khi uống", anh Học chia sẻ.

< Cá nướng là món ăn truyền thống trong mỗi dịp Tết đến được trang trí bắt mắt.
Dulichgo
Còn với mâm cơm của đồng bào dân tộc Thái, chị Đinh Thị Hằng (xã Mường Tè, huyện Vân Hồ) tự hào giới thiệu món xôi ngũ sắc đặc biệt được làm từ thứ nếp dẻo thơm là sản vật đặc trưng của địa phương. Xôi được tạo thành nhiều màu như đỏ, vàng, trắng… nhờ lá cây rừng.

"Những lá cây này có tác dụng chữa huyết áp cao, giữ ấm cơ thể. Bà con người Thái ưa chuộng cơm nếp dẻo thơm vì làm cho cái bụng mình no kỹ, no lâu", chị Hằng cho biết.

< Thịt gà, nộm rau rừng, măng rừng, cá sông... đều là những sản vật của đồng bào dân tộc.

Thịt, cá, nộm rau, bánh chưng cũng không thể thiếu. Với bà con dân tộc Thái, bánh chưng tượng trưng cho tình đoàn kết, tình yêu đôi lứa.
Dulichgo
Chị Hằng chia sẻ, bà con người Thái gói bánh chưng nhỏ hơn người Kinh, gói dài và được buộc thành từng cặp, tượng trưng cho tình đoàn kết giữa dân tộc Thái - Mường và cho tình yêu đôi lứa gắn bó bền chặt bên nhau.

Theo DƯƠNG LIỄU - HÀ THANH (Báo Tuổi Trẻ)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Tô hủ tiếu giá 7K nức tiếng Sa Đéc hơn 50 năm

[tintuc]

(VNE) - Ai từng thử đồ ăn tại quán bà Sẩm đã tồn tại từ năm 1968 đến nay đều tấm tắc khen ngon.

Từ sáng sớm đến tối mịt, gian nhà nhỏ chừng 20 m2 trên đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Hỏi người địa phương, du khách biết được đây là quán hủ tiếu Bà Sẩm.

Người Việt thường gọi phụ nữ gốc Hoa là Xẩm, nhưng do cách giao tiếp của người miền sông nước thường lẫn lộn giữa "S" và "X" mà từ đó, tấm biển hiệu Bà Sẩm ra đời. Chủ quán có tên thật là Quan Muội (1932-2001), người gốc Quảng Đông. Bà mở quán năm 1968.

Hiện quán do chị em bà Tăng Kiến Hưng (ngoài 60 tuổi) là con bà Sẩm duy trì cùng các cháu. Nhờ công thức gia truyền mà món ăn để lại hương vị khó quên.
Dulichgo
Tiếng lành đồn xa, thương hiệu hủ tiếu ở Sa Đéc ngày càng được nhiều người biết đến. Khách đến quán ngồi san sát nhau dưới mái hiên nhỏ, người địa phương lẫn du khách đều gật gù xuýt xoa.

Buổi chiều, quán do em gái bà Hưng đứng bếp chính cùng các con cháu trong gia đình. Quán nhỏ chỉ có 4 người phụ nữ phục vụ hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Mỗi người được chia một công đoạn: xắt thịt, trụng hủ tiếu, múc nước lèo, bưng bê, tạo nên âm thanh sôi động. Gian nhà nhỏ đón nắng gắt của buổi xế trưa cũng trở nên rộn rã.

Bò viên và thịt heo luộc là thành phần chính của món ăn. Toàn bộ các nguyên liệu đều được mua ngay tại quê nhà. Mỗi ngày, gia đình thức dậy từ 4h sáng để chuẩn bị đồ và nấu nướng rồi mở cửa đón khách từ 6h.

"Nồi nước lèo được hầm từ xương ống heo, tuyệt đối không bỏ bột ngọt", chủ quán cho hay. Vì vậy, nước có độ trong, mùi thơm đặc trưng và vị ngọt tự nhiên.
Dulichgo
Khi tô hủ tiếu nghi ngút khói được mang ra, mùi nước lèo thơm lừng lan toả lên tận mũi. Nếu 3 năm trước, giá một tô hủ tiếu bình thường là 6.000 đồng thì hiện tại đã tăng thành 7.000 đồng. Bạn có thể gọi suất đặc biệt giá 10.000 đồng hoặc phần ăn theo giá tùy thích. Nếu lần đầu thưởng thức, bạn đừng quên gọi thêm chén khô mực giá 5.000 đồng để thưởng thức.

Nguyên liệu chính cũng là điểm cộng quyết định sự thành công của món ăn là sợi hủ tiếu. Quán dùng bánh hủ tiếu tại Sa Đéc, cọng to và mang màu trắng sữa được chế biến từ loại bột gạo dẻo thơm xứ Đồng Tháp. Sợi dai mềm sẽ đọng lại vị ngọt khi thử qua.

Người địa phương hầu như đều mua đồ ăn ở quán bà Sẩm mang về. Hủ tiếu được trụng rồi cho vào bọc nhỏ cùng các nguyên liệu.
Dulichgo
Nước lèo được múc riêng. Xách 5 túi hủ tiếu trong bọc to, anh Sáu (hiện sống ở Sa Đéc) cho biết "không thể sống thiếu hủ tiếu Sa Đéc". "Nhà tôi quen ăn hàng này. Cứ cách vài bữa là lại chạy xe ra mua. Năm này qua năm khác mà hương vị vẫn không thay đổi", thực khách này nói thêm.

Tới quán bà Sẩm, bạn sẽ sống trong không khí dân dã mà rộn ràng. Quán đông khách từ sáng đến chiều nên đôi khi bạn sẽ không có chỗ ngồi bên trong. Vài ba bộ bàn ghế nhựa được xếp thêm ở phía trước, buổi tối hàng ghế này nhiều hơn.

Giữa trưa, trời nắng gắt, xì xụp tô hủ tiếu, mồ hôi lăn dọc hai bên má, tôi mới thấu hiểu vì sao nơi này lại tồn tại và được lòng khách nhiều năm đến như vậy.

Theo Phong Vinh (Vnexpress)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Xí mà: Phong vị ẩm thực khó quên ở Hội An

[tintuc]

(VIVU) - Là một món quà sáng thanh mát giản dị, gánh xí mà hai thế hệ đã trở thành một điểm ghé chân của biết bao người dân phố Hội và du khách tại đây.

Gánh xí mà (chí mà phù – chè mè đen) của vợ chồng cô Thị nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ. Hình ảnh cụ ông Ngô Thiếu mỗi sáng cần mẫn bên gánh xí mà nóng hổi đã đi sâu trong ký ức những người dân nơi đây.

Hơn 100 tuổi, khi mà sức khỏe không còn được tốt, cụ mới chịu nghỉ ngơi và truyền lại gánh hàng cùng “bí quyết gia truyền” nấu xí mà cho vợ chồng con gái.

Gánh chè không chỉ thơm ngon có tiếng mà chính người bán cũng toát lên vẻ hồn hậu của người dân phố cổ. Một tay cô thoăn thoắt múc chè, rồi lại nhiệt tình ngoái lại chỉ dẫn cho chúng tôi những ngóc ngách nào có món ăn ngon ở Hội An.
Dulichgo
Để nấu được một gánh xí mà  thơm ngon vào mỗi sáng, vợ chồng cô phải thức dậy rất sớm để chuẩn bị.

Những nguyên liệu làm nên nồi xí mà là mè đen, sắn dây, bột khoai lang, nước cốt rau má và đường. Mè đen được ngâm và đem xay nhuyễn, sau đó nấu cùng những nguyên liệu khác để làm nên vị bùi bùi, beo béo và ngọt thanh.

Gánh xí mà hơn 70 năm tuổi này đã trở thành hương vị tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ người Hội An.
Dulichgo
Nhiều người tuổi đã qua “thất thập” nhưng vẫn đều đặn ghé qua gánh xí mà của cô Thị mỗi sáng. Có cụ già đã hơn 80 vẫn ngày ngày ghé lại đây ăn một chén xí mà rồi mới rảo bước đến chợ.

Ông Tần - 60 tuổi, phường Minh An - là khách hàng ruột của xí mà cô Thị, chú tới nơi đây mỗi ngày vì yêu thích “hương vị truyền thống”.

Thú vui của những khách hàng “ruột” là ngồi bên nồi chè nghi ngút khói, ngắm nhìn dòng người qua lại, vừa ăn chè vừa rôm rả những câu chuyện về Hội An, về khách du lịch. Nếp văn hóa của người phố cổ cũng chỉ tao nhã, giản đơn như vậy…

Mỗi sớm mai thức dậy thưởng thức một chén xí mà dưới tán cây bàng xanh mát, nhìn hoa bàng rơi thành từng đóm trắng muốt bên chân và tán gẫu về những câu chuyện du lịch phố cổ là trải nghiệm thú vị tại Hội An…
Dulichgo
Dẫu Hội An bao nhiêu năm nay có “thay da đổi thịt” thế nào thì mùi vị của gánh xí mà từ ngày còn trên vai của cụ ông Ngô Thiếu rong ruổi trên khắp ngỏ hẻm vẫn còn nguyên trong kí ức của biết bao người con phố Hội.

Theo Phạm Ly - Thúy Hiền (ViVu 247)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Khám phá phố ẩm thực Lý Quốc Sư

[tintuc]

(DTO) - Được biết đến là 1 con phố ngắn nhưng nổi tiếng với các món ăn có thể làm hài lòng những vị khách khó tính nhất, phố Lý Quốc Sư đã và đang trở thành thiên đường ăn uống quen thuộc của giới trẻ cũng như du khách nước ngoài.

Phở bò

Một trong những thương hiệu phở nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành, được nhiều người biết đến nhất nằm trên phố Lý Quốc Sư. Phở ở đây nức tiếng từ lâu bởi thứ nước dùng đặc trưng, thơm mùi gia vị mà không bị béo. Đặc biệt, phở Lý Quốc Sư chỉ chuyên về các món bò nhưng có đủ các loại tái, chín, nạm, gầu,.. tạo cho khách hàng mới đến lần đầu có nhiều sự lựa chọn và khách hàng trung thành sẽ không bị nhàm chán mà có thể thay đổi thực đơn liên tục.

Tô phở không chỉ cuốn hút thực khách bởi hình ảnh, màu sắc bắt mắt mà hơn thế nữa là bởi hương vị hòa quyện trong đó. Thịt bò vừa mềm vừa ngọt, bánh phở dai mềm nhưng không bị bở, đặc biệt là nước dùng đậm đà và rất thơm do cách chế biến và lựa chọn gia vị của quán. Xì xụp bát phở nóng hổi, ăn kèm cùng với rau thơm và cả vị của tương ớt cay cay, đặc biệt là vào buổi sáng thì dường như tất cả tinh túy của Thủ đô đã thấm đượm vào lòng người.

Quán phục vụ bữa sáng 6h - 14h và bữa tối 17h30 - đến 22h. Giá một tô phở ở đây đắt hơn so với những chỗ khác, dao động 45.000 - 75.000 đồng.

Bánh rán và bánh gối

Nhắc đến bánh gối và bánh rán, nhiều thực khách sành ăn nhớ ngay đến quán hàng nức tiếng ở gần gốc đa phố Lý Quốc Sư. Quán tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách. Thực khách đi qua, chỉ cần nhìn những chồng bánh gối, bánh rán, nem rán vàng ươm, xếp ngay ngắn chờ cho ráo mỡ là lại không cầm lòng được mà ghé vào.

Bánh gối có lớp vỏ giòn tan, được cắt miếng vừa ăn. Nhân bánh chín tới, không bị nát quá và vẫn giữ được hương vị của nấm hương, mộc nhĩ. Bánh gối ở đây to nên giữ được nhiệt, nhân lại nhiều, chỉ cần vài cái là no và ấm bụng. Đi kèm với đĩa bánh nóng hổi là bát nước chấm đu đủ xanh thanh nhẹ và rau sống.
Dulichgo
Còn nói về bánh rán Lý Quốc Sư phải nói đến phần bột mềm dẻo đặc trưng. Nhân bánh gồm thịt, miến, mộc nhĩ được tẩm ướp khá vừa vị. Bánh rán ở đây có 2 loại mặn và ngọt nhưng được ưa thích hơn cả vẫn là bánh mặn. Một chiếc bánh mặn giá 7 ngàn đồng có thể cắt thành 3 đến 4 miếng và chỉ cần một đĩa khoảng 5 chiếc là đủ để bạn có một bữa chiều no bụng.

Ngoài cặp đôi bất hủ bánh rán - bánh gối, ở đây còn bán thêm nem chua, xúc xích, bánh bao chiên. Tuy nhiên, những món này chỉ là phụ, thêm thắt để chiều lòng thực khách.

Chè sắn nóng

Mùa đông, khi những con gió se se lạnh thổi về cũng là lúc sắn vào mùa. Lúc này, các hàng quán ở phố Lý Quốc Sư bắt đầu bán thêm cả món chè sắn.
Dulichgo
Chè sắn không bắt mắt nhưng hương vị thì rất đặc trưng, khó để so sánh với các loại chè khác. Chè có màu nâu giản dị, hơi quánh lại với những miếng sắn cắt vuông vức hình bao diêm. Nhiều hàng khi phục vụ chỉ chân chất nguyên một bát chè có sắn, có nước dùng mà chẳng có thêm thành phần nào khác. Một số hàng sang hơn chút thì cho thêm cốt dừa và dừa nạo vào cho thơm và đẹp hơn.

Điểm khác biệt của chè sắn là chỉ ăn nóng chứ không bao giờ dùng kèm thêm đá. Nếu một ngày mùa đông bỗng dưng thèm ăn món chân quê này, hãy ghé qua phố Lý Quốc Sư để thưởng thức hương vị ngọt ngào, giản dị nhưng đầy hấp dẫn. Giá một bát là 10.000 đồng.

Cháo gà bà Mỹ

Những ai hay lê la hè phố Hà Thành chắc chắn biết đến loạt quán vỉa hè bán cháo ở phố Lý Quốc Sư.

Quán cháo gà bà Mỹ ở con phố này còn rất nổi tiếng với cái tên "cháo chửi" trong danh sách các quán cháo ngon của Hà Nội. Chưa bàn đến văn hóa bán hàng hay những chuyện bên lề, chỉ riêng hương vị của món cháo gà ở đây cũng đủ để mê hoặc thực khách từ lần ăn đầu tiên.

Cháo gà Bà Mỹ không xay gạo như các quán khác mà để nguyên hạt nấu thật nhừ. Gạo nấu cháo là gạo ngon pha thêm chút nếp hương để cháo được sánh. Cháo ninh bằng rất nhiều xương gà nên vừa ngọt vừa thơm.
Dulichgo
Mỗi bát cháo được rắc chút hành, tía tô ở đáy bát, thịt gà vừa ăn rồi múc cháo nóng hổi lên trên. Thực khách chỉ việc thêm tiêu ớt vừa vị rồi trộn đều thưởng thức. Từng nguyên liệu tuy đơn sơ và được chế biến đơn giản nhưng khi hòa quyện lại tạo thành món cháo ngon hoàn hảo. Ngoài cháo ở đây còn bán thêm chân gà luộc, miến gà... cũng rất ngon.

Nem nướng

Cách mặt đường Lý Quốc Sư vài mét là con ngõ nhõ Ấu Triệu nổi tiếng với món nem nướng. Quán mở cửa từ 14h cho tới nửa đêm. Tuy được gọi là quán nhưng bàn ăn ở đây thực chất chỉ là những chiếc khay đặt trên ghế nhựa xếp liền nhau.

Bên cạnh những dãy bàn như thế là hình ảnh quen thuộc của chủ quán đang thoăn thoắt xoay những xiên nem chua hồng tươi đầy quyến rũ trên ngọn lửa than đỏ rực. Trong lúc chờ nem chín, bạn có thể nhấm nháp một đĩa củ đậu cùng với cốc trà chanh mát lạnh.

Những xiên nem chua sau khi được nướng xong được đem ra ngay cho khách. Không giống nem chua rán vốn khô và có màu vàng ruộm, nem chua nướng vẫn giữ nguyên được màu hồng tươi của thịt cùng với một chất keo dinh dính bao bọc bên ngoài. Chấm một chút ớt trong chiếc bát đựng nhỏ, mùi thơm cùng miếng nem nướng như hòa quyện và tan ra khi đưa lên miệng. Ngoài nem nướng, bạn còn có thể chọn những món nhắm khác như cá chỉ vàng, cá bò hay mực nướng...

Trà chanh

Ở Hà Nội, nhắc tới trà chanh, mọi người nghĩ ngay tới khu vực quanh nhà thờ và không thể thiếu phố Lý Quốc Sư. Bạn dễ thấy hình ảnh du khách tấp nập đi lại và các bạn trẻ tụ tập bên hiên những quán trà chanh, nhất là những ngày cuối tuần.
Dulichgo
Trà chanh, me muối, mơ muối là lựa chọn phổ biến. Mùa nào thức đấy, những ly sấu đá hè có thể thay bằng ly ca cao, cà phê ấm nóng khi tiết trời Hà Nội chuyển lạnh. Giá từ 10.000 đồng đến 20.0000 đồng một cốc.

Hoa quả dầm và mứt

Không nhộn nhịp như phố Hàng Đường nhưng Lý Quốc Sư cũng có nhiều cửa hàng hoa quả dầm, mứt trái cây với đầy đủ hương vị và màu sắc. Chưa cần nếm thử, du khách đã cảm thấy thích mắt với sự đa dạng, ngập tràn màu sắc của hoa quả ở đây: màu vàng xanh của xoài dầm, vàng bóng của mứt quất hay nâu đỏ của mận. Giá dao động 100.000 - 200.000 đồng một kg tùy loại.

Theo Hoàng Ngọc (Dân Trí)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Phản hồi của bạn