Tự tình

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tự tình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tự tình. Hiển thị tất cả bài đăng

Người Việt đón Tết ở Trung Đông

[tintuc]

(TNO) - Chồng con tôi say sưa ngắm cảnh sa mạc. Cả hai đều chưa có ý niệm đầy đủ về Tết. Chỉ có tôi, một mình cảm thấu nỗi tiếc nuối nhớ nhung vô tận. Tôi biết cảm xúc này và biết gọi tên nó là Nỗi Cô Đơn.

Tháng 1, những cây thông Noel và các trang trí Giáng sinh khác đã được gỡ xuống từ lâu. Các khẩu hiệu "Happy New Year" cuối cùng cũng đã vắng bóng tại các nơi công cộng. Không khí lễ hội đã qua và mọi người đi học đi làm bình thường. Nhưng với tôi thì ngày lễ quan trọng nhất, ngày lễ có mang một linh hồn hẳn hoi, vẫn còn đang đợi ở phía trước - đó là Tết Nguyên đán.
Năm nay đã là năm thứ tư chúng tôi đón Tết ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Mọi ngỡ ngàng về một vùng đất mới đã qua đi, tôi cũng kịp biết thêm vài địa chỉ của người Việt để có thể mua sắm những món truyền thống cần thiết cho ngày Tết, cho nên cũng không quá bồn chồn lo lắng và vất vả khi ngày Tết đến gần như năm đầu tiên chúng tôi đến đây nữa.

Nhưng dường như khi mọi thứ trở nên dễ dàng đi cũng chính là lúc nó trở nên nhạt nhẽo thì phải. Bây giờ, và cả những năm sau này nữa, khi nhớ về những lần đón Tết cổ truyền ở Trung Đông, tôi hẳn nhiên sẽ nhớ nhất cái Tết đầu tiên ở đây với tất cả sự trân quý và trìu mến. Tôi chợt nghĩ, phải chăng chỉ có những khó khăn mới có thể thêm vị cho cuộc sống?
Dulichgo
Giữa những người người mặc trang phục xa lạ

Chúng tôi đặt chân đến vùng đất Ả Rập này một ngày tháng 5 năm 2015. Khi máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Dubai, tôi tò mò nhoài người nhìn qua cửa sổ. Tiếng tăm về sự hoành tráng và hoa lệ của Dubai làm cho tôi mường tượng trong đầu một cảnh gì cũng lấp lánh, bóng nhoáng như thế dưới kia. Nhưng những gì nhìn thấy thì ngay lúc ấy tôi chưa kịp hiểu gì cả. Giờ khắc giữa trưa mà thành phố hiện ra phía dưới kia chỉ nhờ nhờ, bàng bạc một màu vàng xỉn không một chút sức sống, không một mảng xanh lục nào của cây cối cả.

Đón tôi và con gái ở sân bay, để chúng tôi chuẩn bị tinh thần, chồng tôi cứ luôn miệng nhắc rằng ra khỏi sân bay là rất nóng, chịu khó một chút thôi vào xe sẽ ổn. Thế nhưng vừa ra khỏi cửa sân bay tôi đã bị sốc bởi cái nóng như lửa táp vào mặt, vào toàn thân thể. Tôi vội che chắn cho con gái, vừa thoáng có một ý niệm thực tế đầu tiên về vùng đất mình sẽ sinh sống, đây là vùng sa mạc.

Hơn bốn tháng trời sau khi tôi đặt chân đến đây là những tháng đỉnh điểm của mùa hè sa mạc, không trung lúc nào cũng mờ mịt như thế, chẳng bao giờ nhìn được xa, còn bầu trời thì luôn luôn màu xám, thỉnh thoảng may mắn lắm mới pha chút xanh rất nhợt nhạt. Ban đầu tôi cứ thắc mắc mãi cái gì trong không khí khiến mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo thế, chẳng thể là bụi mà càng không phải sương mù. Sau này khi tận mắt chứng kiến những ngày gió liên miên, những trận bão cát, tận tay cảm nhận những hạt cát mịn và nhẹ như đất bột, tôi mới hiểu và có thể tin được đó là bụi, là ô nhiễm.
Dulichgo
Ở đây, nước sinh hoạt gần như hoàn toàn được lọc từ nước biển, nên việc thiếu vắng màu xanh của thiên nhiên cây cỏ là điều dễ hiểu. Cái nóng, cái bụi, cuộc sống lẩn quẩn trong máy điều hòa từ nhà ra xe, đến các siêu thị, các khu tham quan giải trí trong nhà, các trung tâm thương mại... làm tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Nhiều lúc đứng giữa khu mua sắm với xung quanh là những người đàn ông, đàn bà trong những bộ trang phục xa lạ, thái độ lạnh lùng, đôi khi tệ hơn nữa là gặp phải những cử chỉ thô lỗ, kém thanh nhã, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ về quê nhà và những vùng đất trù phú khác mà tôi đã đi qua, với những con người quen thuộc và thân thiện.

Nhưng tôi không bao giờ tự hỏi, dù nhiều người vẫn hỏi, là vì sao tôi dám bỏ lại tất cả sự nghiệp, các cơ hội và sự thuận tiện ở quê nhà để theo chồng đến nơi này, bởi tôi tin vào số phận. Khi bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất hoặc buộc phải theo một lựa chọn đỡ tồi tệ nhất trong số các lựa chọn, thì đó là số phận. Số phận đã chỉ tôi tới nơi đây hẳn nhiên là có những điều tôi sẽ phải kinh qua, hoặc sứ mệnh nào đó mà tôi sẽ phải hoàn thành tại nơi đây.

Nấu bánh chưng trên một bãi biển đẹp cách xa Dubai

Sang giữa tháng 10 trời bắt đầu dịu lại, mát hẳn. Khí hậu ở đây chia một năm ra làm hai nửa rõ rệt và dứt khoát như thế, nửa nóng đầy gió bụi và nửa mát thì trong lành hơn cùng với những ngày sương mù thật lãng mạn. Đến tầm Giáng sinh thì ở đây lạnh ngắt, nhất là buối đêm và sáng sớm nhiệt độ có lúc xuống dưới 10. Tôi đã cảm thấy khá hơn và bắt đầu có hứng thú để vun đắp cuộc sống nơi đây. Rồi ngày Tết cũng cận kề. Cái Tết đầu tiên tôi phải xoay sở mà xung quanh không có lấy một người thân, chưa kịp gặp gỡ hay làm quen với một người đồng hương nào.
Dulichgo
Thật ra cũng có một đôi lần khi đang lang thang ở các trung tâm thương mại, tôi có loáng thoáng nghe thấy tiếng Việt. Tôi tìm đến ngay để bắt chuyện làm quen nhưng lần nào cũng như lần nào tôi cảm nhận rõ sự miễn cưỡng và không mặn mà gì mấy từ những người đồng hương kia. Nhưng tôi cũng phải đón Tết. Tôi phải tự tạo ra một không khí để con tôi dần dà cũng cảm nhận được cái hồn của ngày Tết như tôi đã có.

Từ lúc tôi lớn lên và trưởng thành thì việc chuẩn bị Tết ở Việt Nam cũng đã nhanh gọn dễ dàng đi nhiều bởi hàng hóa thương mại tràn ngập. Bởi vậy tôi phải lục lại những ký ức xưa cũ hơn về ngày Tết để xem mình phải làm gì. Tôi bắt đầu bằng ký ức về những cái nia tre đựng đầy những lát củ cải, củ kiệu và cà rốt được cắt tỉa răng cưa khéo léo Má tôi vẫn thường phơi trên chái mái tôn vào những ngày cận Tết. Tôi chưa bao giờ ăn thử củ kiệu vì nó rất giống củ hành mà tôi không ưa cho mấy. Cũng may như thế vì nếu muốn tôi cũng không thể kiếm ra củ kiệu ở đây. Tôi mua củ cải trắng và cà rốt, cắt tỉa cẩn thận nhất có thể rồi bày lên mâm phơi ra ngoài ban công. Mùi củ cải bắt nắng tỏa lên ngai ngái, đúng cái mùi tuổi thơ tôi vẫn hít hà và cảm thấy phấn khích lắm vì đó đúng là một trong những mùi đặc trưng của Tết.

Tôi gọi điện về nhà để hỏi má tôi cách làm nước ngâm. Thật ra bây giờ không khó để tự tìm hiểu cách làm với đầy thông tin trên mạng. Nhưng tôi muốn đúng vị nước ngâm tôi vẫn ăn từ nhỏ, thêm nữa, má tôi tuổi đã cao nên từ lâu không được tham gia những việc bếp núc trong nhà, nên những khi được "tham vấn" như thế này tôi cảm nhận rõ niềm vui pha lẫn tự hào của bà trong cách bà chỉ bảo. Tôi hạnh phúc vì điều đó.
Dulichgo
Con gái tôi thích nhất món bánh chưng nên nhất định là không thể thiếu, nhưng tôi chưa tự làm và nấu bánh chưng bao giờ. Tôi nhớ ngày nhỏ mỗi lần nấu bánh chưng bánh tét, ba má tôi đã nấu rất lâu, chúng tôi thường thức thâu đêm để canh bếp lửa. Thật ra nói canh cho oai vậy thôi chứ ba má tôi làm là chính. Con nít tụi tôi chỉ phụ họa, chủ yếu là được thức, được ở ngoài trời thâu đêm, được ngồi co ro cho bếp lửa sưởi ấm, chực cây củi nào cháy ra ngoài một chút là đẩy nó vào ngay, lắng nghe những câu chuyện và cả những bài nhạc vàng của ba tôi.

Tôi yêu và nhớ cái không khí ấy vô cùng.

Bây giờ chúng tôi ở chung cư nên không có không gian để nấu ngoài trời, mà nấu lâu chừng ấy chắc phải hết mất nửa bình ga. Tôi nghĩ ra một kế không tệ. Ở đây trong nhiều công viên và các bãi biển, cuối tuần người ta hay đi picnic, có nhiều khu được phép đốt lửa để làm barbecue, tại sao không nhỉ. Tôi có thể mua lá chuối tươi và thịt heo ở một vài siêu thị của người Philippines, lên mạng học cách gói bánh chưng, ghé cửa hàng của các trạm xăng bên xa lộ để mua củi, rồi thắng tiển đến một bờ biển đẹp cách xa Dubai để nấu bánh.

Khi chúng tôi đến, có một nhóm thanh niên vừa rời đi, để lại một đốm lửa đang còn cháy bập bùng. Chúng tôi quây quần sưởi ấm và chuẩn bị kê bếp lên trên đốm lửa cháy sẵn. Trời đã khá khuya, trăng chênh chếch đổ lấp lóa trên biển và sương xuống ướt lạnh. Tôi thấy tôi được ngồi lại trong khung cảnh của tuổi thơ, lãng mạn hơn nhiều, và tôi đang trong vai một người lớn. Tôi bắt đầu kể cho con gái nghe những câu chuyện về tuổi thơ tôi và ngày Tết ở Việt Nam.

Tôi còn làm thêm được món mứt gừng, chả bò, đều là lần đầu làm cả, và rồi cũng đủ bày được một mâm khá thịnh soạn để cúng giao thừa.

Nghỉ học, nghỉ làm để xuất hành đầu năm
Dulichgo
Ngày mồng một Tết năm ấy rơi trúng ngày làm việc bình thường ở đây. Tôi cho con gái nghỉ học một ngày, và chồng tôi cũng nghỉ phép một ngày để đón Tết. Chúng tôi cũng xem hướng, xem giờ xuất hành đầu năm để đón may mắn cho năm mới. Chồng tôi không quen thuộc lắm với văn hóa Việt Nam, nhưng cũng rất hứng thú với những quan niệm và niềm tin như thế này của người Việt. Chín giờ sáng ngày đầu năm chúng tôi xúng xính đồ đẹp, lì xì cho con gái, rồi lái xe thẳng hướng đông nam.

Hướng này nhanh chóng đưa chúng tôi ra khỏi đô thị, ngang qua một vùng sa mạc mênh mông. Tôi mở album nhạc xuân "trên đường đi lễ xuân đầu năm..." mà hai bên đường chẳng hề có một màu sắc gì của mùa xuân cả. Trừ con đường tít tắp đang trải dài trước mắt thì bốn phía chỉ có một màu, màu sa mạc đã từ lâu chưa thấy mưa, vàng nhạt và lốm đốm những cụm cỏ khô trải dài hết khắp chân trời. Đến chỗ sa mạc bị chắn lại bởi dãy núi đá cũng khô khốc như thế, chồng tôi hỏi "đi thế đã đủ lấy được may mắn chưa?". Tôi bật cười "thì cứ tin là đã đủ đi!".

Chúng tôi dừng lại bên đường. Giờ này ở Việt Nam đã qua trưa, chắc hẳn mọi người đã đi viếng nghĩa trang về rồi, và chắc đang quây quần chuẩn bị rủ nhau đi chúc Tết bà con, hàng xóm. Tôi bấm máy gọi cho Má tôi. Khi đầu bên kia Má tôi cất giọng, tôi cảm thấy một cái gì đột nhiên dâng nghẹn lại nơi ngực. Má tôi cũng vừa khóc mếu máo vừa chúc Tết tôi. Mọi người còn ở nghĩa trang chưa về. Má tôi chuyền máy cho tôi chúc Tết từng người trong gia đình, tôi lắng nghe cả những âm thanh lao xao xung quanh, tiếng người í ơi chào nhau năm mới, í ới rủ nhau thắp hương mộ này mộ kia. Tôi thấy hiện lên cả một rừng màu sắc. Màu của những bộ quần áo mới chen chúc đầy nghĩa trang sáng mồng Một, màu của những chậu hoa thược dược tím hồng, trắng, đỏ kê trên hiên các ngôi nhà dọc đường, màu của những bó hoa cúc vàng, trắng chưng đầy các ngôi mộ, màu khói hương nghi ngút, trầm ấm.
Dulichgo
Tôi yêu khung cảnh này lắm.

Người Mexico cũng có một truyền thống khá tương tự, là "ngày cho những người đã khuất". Họ tin rằng những linh hồn được tưởng nhớ sẽ không bao giờ bị mất đi. Tôi cũng tin và cảm nhận được điều đó. Hồi còn ở Việt Nam tôi thường xuyên viếng mộ ba tôi dù ông mất cũng đã 20 năm...

Bỗng "tít tít tít...", điện thoại im bặt. Số dư tài khoản của tôi hết rồi. Các âm thanh màu sắc rộn ràng cũng hết. Trước mắt tôi chỉ còn một màu vàng nhạt trải dài tới đỉnh núi đá. Chồng và con tôi vẫn say sưa ngắm cảnh sa mạc và nghịch cát. Cả hai đều chưa thể có ý niệm đầy đủ về Tết như tôi. Chỉ có tôi đứng đây, một mình cảm thấu nỗi tiếc nuối nhớ nhung vô tận. Tôi biết cảm xúc này, nó đích thị là Nỗi Cô Đơn.
Dulichgo
Chúng tôi quay về khi trời ngả sang chiều. Vậy thôi là hết Tết. Con tôi phải đi ngủ sớm để ngày mai lại đi học. Chồng tôi thì lại đi làm. Chúng tôi vất vả nhiều ngày chuẩn bị chỉ cho một chuyến "xuất hành đầu năm" này thôi. Nhưng tôi đã tận hưởng tất cả. Tôi tận hưởng giây phút này, tận hưởng những ngày bận rộn chuẩn bị, những khó khăn và thậm chí tận hưởng cả nỗi cô đơn này. Bởi vì với tôi cuộc sống không có đích đến nào cả mà là một cuộc hành trình dài những trải nghiệm mà thôi. Tôi vẫn học cách bình thản đón nhận, thưởng thức và vượt qua tất cả. Để khi cuộc trình kết thúc, tôi đã có một cuộc sống đầy đủ các màu sắc, hương vị và sẽ không hối tiếc vì đã bỏ lỡ một điều gì.

Theo Tracy Trần (Thanh Niên)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Miên man mùa Quảng...

[tintuc]

(DNSG) - Tháng 8/2018, tôi cùng một số nhà văn xứ Huế ngao du "đổi không khí” ai ngờ nhận được cả một "mùa Quảng" đầy ắp tâm hồn. Vâng, đúng là mùa Quảng - mùa của thiên nhiên nên thơ, mùa của những điều lạ kỳ chỉ có ở đất này...

Bất ngờ nhất là lần đầu tiên xe chúng tôi đi hơn 70km trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam vừa làm xong, với tốc độ 120km/giờ mà chẳng phải phanh phiếc, tránh né, còi kiếc gì.

Hết đoạn cao tốc là rẽ về Tam Kỳ. Thành phố Tam Kỳ đèn xanh đỏ lấp lánh, những nhà hàng, cửa tiệm sang trọng, những ngã tư thênh thang.

Thấy tôi khen Tam Kỳ, thầy giáo Phạm Phú Phong, dân thổ địa bảo, ngày xưa Tam Kỳ gọi là phố nhưng chỉ có ngã ba mà không có ngã tư, là phố mà nhà cao nhất là hai tầng. Trong tâm trí tôi, đúng Tam Kỳ là như vậy. Trước ngày lập lại tỉnh Quảng Nam (1996), Tam Kỳ vẫn là đô thị xập xệ, đường phố nhỏ hẹp.
Dulichgo
Hồi đó, tôi làm Báo Thương mại, đi về dọc miền Trung bằng tàu đò, xe đò. Ấn tượng nhất với tôi là cơm gà Tam Kỳ và mì Quảng. Lần nào đi ngang Tam Kỳ cũng xuống xe ăn cho được đĩa cơm gà rồi mới bắt xe đi tiếp. Gà Tam Kỳ là gà ri, gà kiến, thịt săn mà thơm. Đùi gà nướng Tam Kỳ là chúa tể ẩm thực. Như vậy là đã có một "hương hiệu Quảng Nam" trong tôi.

Quảng Nam có hai con sông lạ, không chảy từ Trường Sơn về mà chạy dọc biển. Đó là sông Vĩnh Điện và sông Trường Giang. Sông Vĩnh Điện là sông đào từ thời vua Minh Mạng 200 năm trước ở phía Bắc Quảng Nam, dài 30km, xuôi nam về Hội An. Sông Trường Giang dài 70km chảy dọc bờ biển, từ Hội An đến huyện Núi Thành. Không hiểu vì sao lại sinh ra con sông lạ lùng có một không hai này. Trường Giang không có đầu mà cũng chẳng có cuối, không có thượng lưu, hạ lưu cũng không. Ở hai đầu Bắc và Nam, sông đều thông với biển.

Phía Bắc, Trường Giang gặp sông Thu Bồn rồi cùng ra biển qua Cửa Đại. Phía Nam, Trường Giang hòa với sông Tam Kỳ, Tân An rồi đổ ra biển qua cửa An Hòa. Vì thế có thể đi khắp tỉnh Quảng Nam, từ biển lên rừng, từ nam ra bắc từ con sông này.

Xa xưa, từ hai con sông này, ghe bầu lớn chở mắm, cá, củi, chum mái, muối, đồ đồng Phước Kiều, gạch ngói trao đổi khắp các làng quê, phố thị, trung du, đồng bằng của tỉnh Quảng Nam và ra cả Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới. Ngày nay, sông Trường Giang là thế mạnh để khai thác du lịch, phát triển kinh tế Quảng Nam.
Dulichgo
Nhà thơ Phan Chín - Phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam dẫn đoàn nhà văn Huế đi thăm huyện Tiên Phước, là huyện trung du phía Tây Quảng Nam. Phan Chín bảo, lên đó chúng ta sẽ gặp tiên. Sông Tiên mà người cũng tiên.

Tôi đã đến Tiên Phước một lần khi lên thăm vườn quế Trà My cách nay đã 20 năm, nhưng không ai giới thiệu cho gặp tiên cả. Bữa đó, tôi được huyện tặng một món quà cực quý là bộ ấm chén được làm bằng vỏ quế, đủ cả đĩa và khay. Lâu năm, hương quế từ bộ ấm chén ấy vẫn thơm lừng. Đó cũng là mùa Quảng...

Xe đến cầu sông Tiên thì dừng lại. Phan Chín bảo, đợi Tiên! Tôi rất ngỡ ngàng vì sông là sông Tiên, cầu cũng là cầu Tiên. Và cô gái xinh đẹp áo dài màu thanh thiên như tiên xuất hiện. Bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Tấn Sỹ: Tôi về với một sông Tiên/ Còn nguyên con nước chảy huyền thoại xưa.

Cô gái tươi tắn bắt tay các nhà văn rồi tự giới thiệu: "Em là Kim Thiện, chuyên viên phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Phước, không phải tiên như anh Phan Chín nói mô!".

Kim Thiện giới thiệu sông Tiên là con sông lạ, là con sông chảy ngược, không xuôi về biển Đông mà về hướng Tây phía Trà My, đổ ra sông Tranh. Đúng là tôi đã lạc vào cõi tiên! Toàn huyện Tiên Phước có 14 xã, toàn mở đầu là Tiên: Tiên Kỳ, Tiên An, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh...

Kim Thiện dắt chúng tôi vào làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh. Chúng tôi như lạc vào cõi đá. Đá vuông phẳng lát lối đi, đá sắp thành bờ tường...
Những ngõ thoai thoải dốc được xếp bằng đá lần đầu tôi mới thấy. Ngõ nhà nào ở Tiên Cảnh cũng có những hàng chè tàu cắt tỉa công phu, những hàng cau thẳng tắp, rồi vườn cây trái xum xuê, những bưởi, chanh, ché tiêu, quế..., những cây lon bon, cây hồng lúc lỉu quả...
Dulichgo
Tiên Phước đất không màu mỡ nhưng bà con vẫn trồng được những loại cây trái miền Nam như sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi thành hàng hóa bán khắp miền Trung. Chúng tôi ùa vào một ngõ nhà để chụp ảnh vì thấy có hai cây dâu đất quả chín sum suê đỏ vườn.

Tôi chợt nhớ một số nơi, người ta bắt nông dân chặt hết những hàng chè tàu, đào hết tre, đốn hết cau, bắt đóng tiền mua gạch, xi măng về xây tường dọc theo những con đường làng để "làm nông thôn mới". Trời ơi, sao không đến đây mà học người Tiên Phước hằng trăm năm trước đã biết xây nên những làng quê bằng chính những gì thiên nhiên có, đẹp đến nao lòng!

Kim Thiện cho biết, đá xây nhà, lát đường, lát ngõ ở các làng quê bên sông Tiên đều khai thác từ đầu nguồn sông Tiên. Có những khúc sông có bãi đá vô tận, với đủ loại kích cỡ, màu sắc, vuông, tròn. Có ngôi nhà rường ở Tiên Cảnh, thời Việt Nam Cộng hòa, ông Ngô Đình Diệm hai lần cử người lên gạ mua mà không được.

Đi dọc đường làng chốn cõi tiên, tôi cứ nhớ miên man những câu thơ của Phan Chín: Anh đã gửi theo chút xanh lộc nõn/ Em có cầm lên với biêng biếc tuổi mình, của Nguyễn Tấn Sĩ: Tôi cần phảng phất trong sương/ Ở trong khói bếp mùi hương nếp về...

Dân gian có câu "Quảng Nam hay cãi". Tôi nghĩ giỏi mới cãi được. Lý sự đầy mình mới cãi được. Cụ Huỳnh Thúc Kháng quá giỏi mới từ Tiên Phước ra Huế làm báo Tiếng Dân để cãi lại luận điệu khai phá An Nam của thực dân Pháp. Cụ Phan Chu Trinh thoát ly Tiên Phước với tư tưởng "chấn dân khí”, giỏi mới cãi lại chính sách ngu dân!

Hay cụ Phan Khôi ở huyện Điện Bàn là "thầy cãi" lừng danh đất nước. Rồi trong tôi miên man hiện lên những danh nhân nổi tiếng người Quảng như Thoại Ngọc Hầu, Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Lê Đình Thám, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Đỗ Đăng Tuyển...
Dulichgo
Ở trên đồi Tự Hiếu, có mộ của hai thi sĩ, chí sĩ dân Quảng là Trần Cao Vân và Thái Phiên. Hai ông đã cùng vua Duy Tân khởi nghĩa chống Pháp tại Huế vào năm Bính Thìn.

Chuyện khởi nghĩa thì ai cũng biết, nhưng có thể nhiều người chưa biết hai chí sĩ ấy bây giờ nằm trong ngôi mộ chung trên đất Huế. Chuyện rằng, ngày 17/5/1916, Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng các thị vệ của vua Duy Tân bị Pháp hành hình ở Cống Chém ngoài cửa An Hòa.

Tháng 6/1925, một nữ đồng chí của hai cụ là bà Trương Thị Dương bí mật thuê người bốc hài cốt hai cụ Thái - Trần đưa qua bờ Nam sông Hương, chôn cất gần chùa Châu Lâm. Nhưng do bị lộ, nên 11 ngày sau, bà Dương dời mộ đến đồi thông nằm giữa chùa Châu Lâm và chùa Từ Hiếu ở làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc phường Thủy Xuân), chôn chung hai cụ trong một nấm để tránh sự nghi ngờ của địch. Mãi đến năm 1956, bà Dương mới kể lại cho con cháu biết, rồi dựng tấm bia nhỏ để định danh vị công khai cho hai cụ.

Sau năm 1975, ngôi mộ chung của hai chí sĩ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, được tu bổ, tôn tạo khang trang, giữa là nấm mộ tròn, sau là ngọn tháp ghi hai dòng chữ Hán: "Trần Cao quý công, Thái Duy quý công".  Cõi Tiên và những tài danh xứ Quảng ùa vào tôi làm nên mùa Quảng xuân này...

Tam Kỳ tháng 8, Huế tháng 10/2018

Theo Ngô Minh (Doanh Nhân Sàigòn)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Bay trên miền diệp lục núi Bà Đen

[tintuc]

(BTN) - Bay trên bầu trời Đông Bắc núi mới thấy toàn bộ cánh đồng này y hệt một con diều giấy. Thân dọc con diều là trục đường Suối Đá - Khedol. Đầu diều là khối đậm xanh của vườn chùa Khmer, nổi bật tháp chùa vàng. Chung quanh mới thật sự là những mảng màu diệp lục đủ dạng hình của những vườn mãng cầu, cao su, mì, mía…

< Cánh đồng Khedol.

Lần này thì được bay thật rồi! Bay cao ngang ngọn núi Bà Đen 986 mét ngược trời, rồi ngắm nhìn ra bốn hướng. Chợt nhớ những câu thơ còn đọng trong ký ức: “Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu…” (Bài ca mùa xuân 1961 - Tố Hữu)

Xin lỗi độc giả, vì thật ra không phải tôi bay đâu ạ. Mà chữ “bay” này tôi mượn của một anh bạn mới kể cho nghe về chuyến bay trực thăng của anh từ cuối năm 1997. Có lẽ cho đến nay, đây là lần duy nhất người dân bình thường có thể bay lên ngọn núi Bà Đen. Lần ấy, chẳng hiểu làm sao mà có chiếc trực thăng bay đến đậu ở khu nhà thi đấu thể thao tỉnh hiện nay, khi ấy còn là đất trống.
Dulichgo
Họ được phép nên bán vé cho dân Tây Ninh bay, mỗi vé 300 ngàn đồng- bằng nửa tháng lương công nhân thời ấy. Bạn tôi mới yêu, nên quyết dành cả một tháng lương ra mua 2 vé đưa người yêu lên chơi đỉnh núi Bà Đen. Anh bảo:- Thật may quá, máy bay cũng bay vòng vo quanh núi rồi mới đậu xuống sân bay trực thăng của căn cứ Mỹ ngày xưa còn lại. Với vợ chồng anh, cho đến nay vẫn là chuyến du lịch nhớ đời, dù họ đã bay tuyến Bắc - Nam hàng chục chuyến.

Tôi nghe mà tiếc hùi hụi, vì chuyện bán vé cho bay ấy chỉ diễn ra có 3 ngày, mỗi ngày chỉ vài ba chuyến nên ít người Tây Ninh biết. Nay thì tôi hết tiếc rồi, vì đã được theo chân các anh của trạm phát sóng truyền hình trên núi lên tận đỉnh. Nhưng đúng là chậm so với bạn tôi mất hơn hai chục năm trời. Dọc đường lên, các anh kể:- Bây giờ người ta đi lại thường xuyên ấy mà. Có cả cán bộ công chức, tuần nào cũng leo lên đỉnh núi bằng đường bộ. Thôi, tự an ủi mình rằng:- Chậm còn hơn không!

Đỉnh núi không rộng lớn như tôi tưởng tượng. Muốn quan sát cả hai mạn sườn núi trước sau thì chỉ cần đi từ Bắc qua Nam độ trăm mét là cùng. Cây rừng thưa thoáng, lối mòn quanh co. Nhấp nhô đá tảng. Có tảng to bằng cả một cái nhà cấp 4. Chiếc mái nhà vòm gỉ sét, có lẽ có từ thời quân Mỹ chiếm đóng vẫn còn kia. Lại nhớ đến chiến công hiển hách của quân dân Tây Ninh đã đánh bật kẻ thù ra khỏi nơi này từ ngày 7 tháng 1 năm 1975.
Dulichgo
Cùng với chiến thắng Phước Long, đã mở đầu cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 toàn thắng. Khi ấy, nơi đây là căn cứ thông tin hiện đại nhất Đông Dương, nên để chiếm lấy nó không hề đơn giản. Nhiều đơn vị, kể cả đặc công và pháo. Cuộc chiến ròng rã suốt 30 ngày, biết bao xương máu chiến sĩ đã hy sinh… Ai cần biết kỹ hơn, thì đọc các cuốn sử viết về Tây Ninh hay huyện Hoà Thành. Để biết rõ “giá máu xương” trên từng tấc đất đỉnh Bà Đen kiêu hãnh. Còn bây giờ hãy cùng tôi bay trên miền diệp lục vì bốn phía quanh tôi đều ngăn ngắt xanh.

Ráng trèo lên một tảng đá to cỡ cái nhà trệt bên cạnh tháp truyền hình, may mà có những dây leo như kiểu dây trầu Bà xoãi trên mặt đá, để rồi thấy thành phố Tây Ninh trải dài rộng dưới tầm nhìn. Nhưng vẫn bị khuất một phần bởi cây cổ thụ lẫn rừng le trên bờ một hố hầm sâu hút. Sau phải xuống, vòng ra con đường mòn bao quanh thì thành phố mới hiện ra trọn vẹn dưới chân mình.

Mà không chỉ thành phố đâu, cả đô thị Hoà Thành cũng lấp lánh hiện lên những khối hình li ti với hai màu trắng, đỏ. Những màu khác đã nhoà vào màu xanh cây cỏ, đất đai… Thành phố- nơi tôi sống kia rồi! Giờ đã rất dễ dàng nhận ra nhờ toà khách sạn Vinpearl 21 tầng cao vợi. Gần hơn nữa là suối Lâm Vồ ẩn hiện sau phường phố Ninh Sơn cùng những vườn cây.
Dulichgo
Tôi cũng như đang bay trên miền đất có Toà thánh Tây Ninh đây! Rất dễ nhận ra một khu rừng có sắc xanh diệp lục đậm đà. Vài cụm công trình kề bên Đền thánh bật lên màu ngói đỏ. Xa thế mà vẫn thấy những toà tháp vàng vươn cao, trên bộ mái hai màu đỏ vàng rực rỡ. Đường 781 chạy vào Dương Minh Châu hiện ra rất rõ. Nhưng đã khuất nẻo ở đâu con đường Điện Biên Phủ chạy về hướng núi. Hay là những phường Ninh Thạnh, Hiệp Ninh đã đô thị hoá bậc cao làm khuất đi sau những cửa nhà…

Phía Tây Nam vẫn còn một nơi có thể nhận ra chỉ bằng mắt thường thôi. Đấy là tượng Quán Thế Âm chùa Gò Kén. Chùa chiền, công trình nhạt nhoà lẩn vào lơ mơ sương khói. Chỉ còn thấy mỗi một khối hình búp măng hay một búp huệ trắng hiện ra giữa màn sương ấy mà thôi. Kể từ phía sau tượng Bà trở đi, chỉ thấy những mảng xanh giống mảng lục bình trôi nổi trên mênh mông biển nước luênh loang như sữa đục. Bởi đây là cuối tháng 12.2018. Có phải sông Vàm đang mùa “con nước lớn ròng”. Nước chưa kịp rút để bà con ta gieo sạ vụ Đông Xuân.

Dù sao cái miền xanh bên phía Tây Nam tôi cũng đã gặp rồi, đâu đó trên mặt đất. Còn những cảnh tượng chưa thấy bao giờ, lại là bên sườn Đông Bắc núi Bà. Đây, cánh đồng Khe- Đon mà Báo Tây Ninh mới mô tả vài tuần trước thì nay cánh đồng ấy đang giang rộng như đôi cánh diều vàng thắm.
Dulichgo
Bay trên bầu trời Đông Bắc núi mới thấy toàn bộ cánh đồng này y hệt một con diều giấy. Thân dọc con diều là trục đường Suối Đá - Khedol. Đầu diều là khối đậm xanh của vườn chùa Khmer, nổi bật tháp chùa vàng. Chung quanh mới thật sự là những mảng màu diệp lục đủ dạng hình của những vườn mãng cầu, cao su, mì, mía…

Ôi chao! Bên này có những khuôn hình đẹp hơn tranh vẽ. Làm sao mà tưởng tượng ra những vườn cây trái y như những quân bài đô- mi- nô nằm sóng soài, chồng xếp lên nhau trên một bàn cờ. Làm sao phối được những mảng màu của tự nhiên một cách hài hoà tuyệt vời như thế. Không thể phân định được đâu là Thạnh Đông của thành phố Tây Ninh, đâu là Tân Hưng của Tân Châu nữa, bởi kênh đào Tân Hưng lúc này chỉ như một vệt chỉ hồng lẩn khuất giữa bao la. Nhưng, lòng hồ mênh mông và tráng lệ thì hiện ra rõ lắm. Rõ hơn nhiều khi ta lên ga thượng giáp của tuyến cáp treo lên núi. Sau cái màu trắng đục nhoà với màu trời xa, còn rõ cả dãy núi Cậu bên tỉnh bạn nữa kia.

Đến đây, tạm phải ngưng lại để chép cho độc giả một sự tích của núi Bà, núi Cậu. Sự tích này do những người xây dựng Lòng hồ sưu tầm được. Đấy là cuốn sách nhỏ Hồ Dầu Tiếng, của hai tác giả Nguyễn Minh Sang và Phan Khánh, NXB Lao Động in năm 1991, sáu năm sau khi hồ nước hoàn thành. Chuyện rằng: “Dãy núi Tha La bằng đá cát- kết và cuội- kết cao trên 160 mét, chạy dài hàng chục cây số, như một bức tường thành chắn (giữ) nước. Bà con Tây Ninh gọi núi này là núi Cậu.
Dulichgo
Truyền thuyết kể rằng thuở xa xưa, thần núi Tha La và thần núi Bà Đen đã có một cuộc đọ tài, đến nỗi mặt đất phải nứt ra, tạo thành con sông Sài Gòn. Họ giao ước chỉ trong một đêm, ai làm nên ngọn núi cao nhất, người ấy sẽ trở thành “bề trên”.

Thần núi Tha La sợ núi Bà cao hơn, đang đêm ngầm sai thần Gà sang bới sao cho rạng ngày ngọn núi đổ sập để được cuộc. Thần Bà Đen vốn là Tiên cô Thánh mẫu cũng không kém khôn ngoan. Ngài sai thần Lợn tìm cách triệt phá ngọn núi của đối thủ. Đôi chân gà dù thần thông biến hoá cũng chỉ đủ sức bới được một góc chân núi Bà. Khối đất ụ lại cũng chỉ là một ngọn đồi nhỏ nhoi bên cạnh khối hoa cương đồ sộ. Ngọn đồi đó nay mang tên núi Phụng. Có thể sánh như một con gà nhặt thóc bên đụn rạ núi Bà mà thôi. Còn thần lợn, một đêm ra tay, hòn núi Cậu đổ sụp xuống như một luống khoai khổng lồ dài thườn thượt…”.

Câu chuyện hiềm khích huyền thoại này, rút cuộc đến cuối thế kỷ 20 người Tây Ninh đã hoá giải được. Thì đây, họ đắp đập, ngăn sông để làm nên một hồ nước thuỷ lợi lớn nhất miền Nam (có người còn bảo lớn nhất Đông Nam Á). Và bây giờ, núi chị núi em cùng yểu điệu nghiêng soi mặt nước. Một thôi chèo thuyền là cô em núi Cậu có thể sang thăm núi chị Bà Đen.
Dulichgo
Từ đỉnh hay lưng núi Bà phía Đông Bắc nhìn ra chỉ thấy màu diệp lục yên bình với một miền bao la sương trắng. Nổi bật giữa miền bình yên ấy, những con đường, hay dòng suối xưa cứ buộc mắt người phải dõi theo cho đến tận cùng. Này là đường 785 như một sợi dây chuyền bạc chỉ hướng ta về thị trấn Tân Châu. Này là suối Tha La đã hoà nhập với Lòng hồ nên chan chảy rộng dài cũng đưa ta về phía ấy. Rồi con đường Suối Đá- Khedol hơi khúc khuỷu hướng ta về thị trấn Dương Minh Châu còn ẩn đâu đó dưới ngàn xanh.

Để cho xứng với hai huyện mang tên châu, ngọc này thì sườn núi bên này cũng ngọc ngà xanh. Không phải là thứ màu xanh nõn chuối của những vườn chuối, mãng cầu như bên núi Heo, núi Phụng mà xanh ngắt, xanh ngơ, xanh đậm đặc của rừng già. Tôi lướt bay trên sườn núi mà tưởng tượng ra, hay là mình đang bay qua vùng rừng vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát.

Cũng có những sắc lá non tơ hay ửng vàng, nhưng là trên tít tắp ngọn cây cao. Đôi khi bắt gặp những khoảng rừng tre, hay những đám phát tài núi lá xoà tròn ngơ ngác. Thỉnh thoảng lắm mới bắt gặp đá chồng lên đá và sâu hút bên dưới những hầm hinh, hang hốc. Ôi chà! Dây leo vấn vít rừng nguyên sinh. Bay là xuống gần mặt đất.
Dulichgo
Thấy đỉnh núi Phụng nhô lên như một cái đầu chim phượng. Chỉ hơi tiếc phía này chân núi Phụng không còn xanh như ở núi Bà. Lại nhớ câu chuyện của già làng Khmer Cao Văng Ươn, rằng nước suối từ chân núi Phụng chảy ra có nguy cơ cạn kiệt. Thế là bà con liền có ngay sáng kiến, đắp vài hồ chứa nước dưới chân núi, để có nước canh tác ngay trong cả mùa khô. Hai cái hồ lớn ấy nằm kia, to cỡ như sân bóng đá, ngay kề bên đường phân thuỷ giữa hai chân núi. Và quanh năm làm chiếc gương trời cho mây tới soi gương.

Theo N.Q.V (Báo Tây Ninh)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Người miền Tây dễ thương vô cùng

[tintuc]

(PLO) - Miền Tây đẹp không chỉ bởi mênh mang sông nước mà còn bởi những trái tim nồng ấm, mộc mạc, đủ làm bao người nhớ thương.

Chúng tôi về miền Tây không chỉ vì cảnh đẹp nơi đây mà còn vì những con người rất hồn hậu, thật thà, dễ thương.

Tôi không dám chắc là tất cả, nhưng phần lớn những người đã từng về miền Tây đều có chung cảm nhận như thế. Nơi đây có tình người nồng hậu khiến cho mọi người dù lạ vẫn cảm thấy thân thương như chính người nhà, chính quê hương mình.

1. Chuyện về chiếc ba lô

Chị bạn tôi tên Dung kể, có lần chị về miền Tây dự sinh nhật con của một người bạn. Đường chiều muộn nhập nhoạng không ánh đèn, vừa nhỏ vừa cua vuông góc nên những người Sài Gòn như chị không quen chạy xe xém té mấy lần.
Dulichgo
Dù cẩn thận cách mấy nhưng rồi cuối cùng cũng vẫn té cả xe cả người xuống đường, may mà không rớt xuống kênh. Tới nơi tìm quần áo để thay chị mới biết cái ba lô đựng đồ treo trên xe đã rớt đâu mất. Trong đó không có nhiều tiền, nhưng có cái máy chụp hình và vài bộ đồ.

Đang buồn rầu vì tiếc cái máy có cả đống hình chưa kịp lưu lại thì anh bạn chủ nhà kêu chị ra có người gặp. Lạ quá, chị có quen ai ở đây đâu. Còn chưa hết ngạc nhiên thì nhận ra cái ba lo của mình đang ở trên tay một người đàn ông trung niên với nụ cười hiền hậu đặc trưng của người miền Tây.

Người đàn ông ấy kể trên đường đi thì nhìn thấy cái giỏ rớt bên gốc dừa, mở ra thấy bên trong lại có quần áo thì ông chắc người chủ chiếc ba lô đi xa nên mới mang theo mấy bộ đồ. Ở xóm này chỉ nhà ông Tú có đám thôi nôi cháu nên chắc khách xa về chơi. Nghĩ vậy nên ông ghé nhà hỏi thử, ai ngờ trúng phóc.

“Sau khi đưa ba lô cho tôi, chú ấy còn nói mở xem thử xem có mất gì không. Cái thật thà của người miền Tây ấy tôi thấy thương ngay dù chỉ lần đầu gặp mặt” - chị Dung xúc động.
Dulichgo
2. Anh bán hàng ở chợ nổi dễ thương

Trong một chuyến du lịch miền Tây, chị Xuân cùng gia đình muốn đi thăm chợ nổi, đi thuyền trên sông để biết sinh hoạt của người dân miền sông nước.

Đi chợ nổi lúc trời còn chưa sáng, ngồi trên thuyền gió khá lạnh, mặt trời chưa lên, những vệt sáng phía chân trời chỉ mới le lói. Trên quãng đường cả 10 km đường sông, vô tới gần chợ nổi, những người dân trên những chiếc thuyền nhỏ chở đầy trái cây, tấp bên cạnh tàu khách mời gọi.

“Trái cây rất rẻ, chúng tôi mỗi người mua 5kg, 10kg, trái nào cũng to, cũng tươi. Nhưng dễ thương nhất là lúc đặt lên cân, dù số cân đủ nhưng anh bán hàng vẫn nhanh tay nhặt bỏ thêm vào túi một trái xoài to, hoặc vài trái vú sữa, ước chừng cũng cả nửa kg nữa, rồi cười hì hì: Em lấy ở trong vườn ra nên tặng thêm cho các chị cho vui” – chị Xuân kể lại.
Dulichgo
Ngồi trên tàu, đoàn của chị lần lượt ghé thăm các làng nghề bánh tráng, cốm nổ,… Anh lái tàu dặn dò rất cẩn thận, bảo khách cứ để trái cây, đồ nặng trên tàu, anh sẽ trông giúp cho. Ở đây người dân thật thà lắm, chẳng ai lấy đâu. Và anh cứ ngồi trên tàu dù lúc này trời đã nắng, chỉ để trông đồ cho khách.

3. Và đây là câu chuyện của chị Hoài

Chị kể lần xuống miền Tây chị ấn tượng lắm với khung cảnh nơi này khi tận mắt thấy những con sông rộng, thuyền bè đi lại tấp nập.

Chiều đó, ngồi nghỉ chân tại một bến sông, phía trên có cây bàng che mát, gió từ sông thổi vào mát rượi. Đứa nhỏ con chị đi nhiều mặt nóng bừng, thấy bên gốc cây có xe nước dừa mở nhạc lớn, nó tò mò lại gần, vừa đứng vừa nhảy. Anh bán nước dừa thấy khách du lịch ngồi đông, sợ ồn, bèn tắt nhạc.
Dulichgo
“Nhạc vừa tắt thì bé con tôi la lên. Anh thấy vậy hỏi ngay: “Ủa con đang nghe hả?”, rồi nhanh chóng tìm trong list nhạc một bài hát cho trẻ con rồi nhảy theo nhạc với bé như đã quen từ lâu. Có mảnh đất nào mà con người lại thân thương đến thế, gần gũi đến thế…” – chị chia sẻ.

Theo Thùy Dương (Phụ Nữ Online)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Những nẻo đường nơi đỉnh đầu Tổ quốc

[tintuc]

(VIVU) - Tôi đến Hà Giang - nơi "đầu trời ngất đỉnh" của Tổ quốc vào những ngày cuối năm. Tiết trời khô ráo nhưng đã qua những mùa lúa vàng, tam giác mạch cũng đã sắp tàn. Thế nhưng, vẫn còn đó những con đường quanh núi, quanh làng, thung lũng và cao nguyên đá Đồng Văn,... cũng đủ khiến tôi ngây ngất.

Tôi đến Hà Giang với tâm thế là một người đã từng đi qua nhiều vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc. Thế nhưng, Mã Pì Lèng, Đồng Văn vẫn khiến tôi phải căng mắt, sững người trước một vẻ đẹp quá tuyệt vời của thiên nhiên lẫn con người nơi đây.

Đích đến của tôi trong hành trình này là Cao nguyên đá Đồng Văn và để đến được đây, bất kì ai cũng phải di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô 150km.
Dulichgo
Từ TP. Hà Giang, các đoàn khách đi theo quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ rồi tiếp tục theo con đường này qua đèo Cán Tỷ hiểm trở. Hà Giang đã không còn mùa lúa vàng đẹp như mơ, Tam giác mạch cũng đã cuối mùa, hoa đào hoa mận chưa kịp nở.

Thế nhưng, tôi đã đi qua những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, uốn lượn mà mỗi cái tên tôi tới từ huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đều mở ra những vùng trời, vùng núi đẹp vô tận của Tổ quốc.

Đó là vùng biển mây khi tôi đến dốc Bắc Sum, nơi chỉ cách TP. Hà Giang 20 cây số.
Dulichgo
Đó là những con đường xẻ núi xẻ bầu trời

Những ngôi làng nằm dưới thung lũng trên đường từ Quản Bạ đi Yên Minh, đi Đồng Văn.
Dulichgo
Tôi đã đi qua những con đường như thế nơi đỉnh trởi Tổ quốc

Đó là Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có diện tích 2356,80 km2, ở độ cao trung bình từ 1.000- 1.600m so với mực nước biển. Nơi mà tôi đã đứng lặng thinh, căng mắt để ngắm nhìn thật rõ.
Dulichgo
Cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng núi đá hiểm trở nhưng cũng là vùng đất xứng đáng danh hiệu hùng vĩ ở cực bắc, cảnh đẹp tráng lệ và ấn tượng khiến nhiều người choáng ngợp.

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi tập trung nhiều di sản địa chất nổi bật. Đến đây du khách có thể tham quan nhiều di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia: đèo Mã Pí Lèng, phố cổ Đồng Văn, núi đôi Quản Bạ, kiến trúc dinh thự họ Vương…
Dulichgo
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư ngụ của 250.000 người thuộc các dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam.

Tháng 10 năm 2010, hồ sơ về công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã được hội đồng tư vấn Mạng lưới công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Với danh hiệu này cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai Đông Nam Á.
Dulichgo
Sau khi chiêm ngưỡng cao nguyên đá, điểm dừng tiếp theo của hành trình là Cột cờ Lũng Cú đầy gió đại ngàn.

Và phóng tầm mắt ra núi non...
Dulichgo
Đừng đợi những mùa lúa hay mùa hoa nào, những nẻo đường ở đỉnh trời Tổ quốc sẽ luôn sẵn sàng chào đón bạn bất kể mùa nào trong năm.

Với tôi, đó là những con đường đượm màu xanh của trời, đất, màu xám đen của đá. Con đường Tổ quốc đẹp vô cùng.

Theo Thùy Trang (Vivu 247)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Khám phá vùng Nong

[tintuc]

(TTH) - Lần đầu tôi biết đến làng Nong cũng đã nghót nghét 40 năm rồi. Cơ duyên là trong nhóm bạn học ở Huế có một bạn thân ở Nong, tên Võ Đại Dần.

1. Hơn nửa thế kỷ trước, cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết: “Ai từng vô sông Hương, từng nương Linh Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nong...”. Đó là ca từ trong bài hát nổi tiếng “Bình Trị Thiên khói lửa” một thời oanh liệt kháng Pháp. Sông Hương và Linh  Mụ (Thiên Mụ) là biểu tượng của xứ Huế. Đập Đá cũng vậy. Văn Xá là làng của nhà họ Văn xưa. Vùng Truồi nổi tiếng với chè Truồi, núi Truồi...

Còn lại là cái tên Nong dung dị và mộc mạc. Xuôi theo con đường thiên lý, qua Nong rồi mới đến Truồi. Và tôi đã cố tìm ở cái làng này, xem thử người dân nơi đây có đan lát nong nia chi đó là những dụng cụ làm nông như tên gọi. Làng Nong không có nghề đan nong. Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thì lần tìm dấu vết trong tiếng Pa Cô thấy có từ “Tnoong”, nghĩa là cái cót thóc, cái vựa, cái lẫm đựng thóc. Phải chăng, có địa danh Nong do đây là một vùng quê xưa có nghề trồng lúa phát đạt?
Dulichgo
Thì ra cũng như Truồi, cái tên Nong chỉ là cách gọi của dân gian. Tên gọi đầu tiên của làng là Minh Nông, một trong 67 làng (xã) của huyện Tư Vinh thuộc đất Thừa Thiên có từ thời Lê - Mạc, được ghi lại rõ ràng trong sách cổ “Ô châu cận lục”. Qua đến thời sách “Phủ biên tạp lục” của cụ Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) Minh Nông đã thành An Nông. Đến cuối thời nhà Nguyễn, có làng An Nông và cũng có luôn cả tổng An Nông, bao gồm vùng Nong - Truồi hiện nay. Sau Cách mạng Tháng Tám, 1945, xã Đại Nông ra đời, rồi gộp với Đại Hồng thành Hưng Lộc anh hùng. Cùng từ xứ Nong này, các xã Lộc Sơn, Lộc Bổn và Xuân Lộc hình thành. Cũng đã bao đổi thay rồi kể từ cái ngày khai canh lập làng, thế nhưng mỗi lần có dịp ngang qua tôi vẫn thích khẽ gọi, tới Nong rồi. Tên gọi Nong đã thấm vào máu thịt của bao người. Bên cạnh cái tên Nong dân dã, những cái tên Minh Nông hay An Nông (Nong) đều mang nghĩa một vùng quê làm nông yên bình và giàu có.

< Chợ Nong.

2. Lần đầu tôi biết đến làng Nong cũng đã nghót nghét 40 năm rồi. Cơ duyên là trong nhóm bạn học ở Huế có một bạn thân ở Nong, tên Võ Đại Dần. Vào dịp hè hay Tết, cả nhóm chúng tôi thường ghé thăm nhau, ra sông Bồ - Bao La, dừng lại làng Dạ Lê quê tôi, về tận Tư Hiền và không quên ghé Nong thăm Dần. Nhà Dần ở sát chợ, nằm dọc theo bờ sông Nong. Nhớ lần đầu tiên mừng bạn về thăm, Dần đã bảo ngay “sẽ chiêu đãi đặc sản Nong”. Thế rồi, chỉ thoáng chốc chạy ra chợ, Dần đã bưng lên cho cả nhóm một mâm đầy, với nào là bánh lọc, bánh nậm và cả bánh cuốn nữa. Cái thời buổi được ăn đã quý, thế mà bất ngờ lại được ăn ngon nữa chứ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được biết thế nào là mùi vị của bánh cuốn Nong thơm ngon với loại nước chấm có hương vị đặc biệt, nhớ mãi đến tận bây giờ, ui chao!Dulichgo

Hơn cả đêm ngày ở Nong là cả sự khám phá thú vị. Cả bọn kéo nhau đi chợ, lang thang trên những con đường làng rợp bóng cây xanh, ghé thăm đình làng, trường học và cả những nhà người thân của Dần... Đặc biệt ấn tượng hơn cả là được “tắm tiên” trên sông Nong. Không như bây giờ, 40 năm trước dòng sông Nong bé nhỏ và trong vắt. Buổi tối Dần bảo, sáng sớm ngủ dậy đi tắm. Mới chập choạng, bạn đã kêu toáng lên, dậy nhanh lên... Cả mấy thằng gật gờ đi ra phía bờ sông. Theo “lệnh” của Dần, cả mấy đưa đều tồng ngồng nhảy xuống sông... Hàng chục năm rồi trôi qua, thằng bạn thân của tôi cũng bạc phước mất rồi, thế nhưng mỗi lần đi ngang qua chợ Nong, tôi lại nhớ tới bánh cuốn, buổi sáng tắm truồng nơi sông Nong và cái tên Võ Đại Dần. Không phải là dòng họ khai canh nhưng họ Võ Đại như một “đặc sản” của làng An Nông. Chỉ nghe giới thiệu là biết ngay gốc làng Nong.

< Nơi thượng nguồn sông Nong.

3. Lại bàn về con sông Nong. Quốc sử quán triều Nguyễn chép ngắn gọn:  “sông An Nông nằm ở phía bắc huyện Phú Lộc một dặm. Đầu nguồn từ phía bắc núi La Sơn, chảy theo hướng đông bắc 15 dặm, đến cầu Dịch Lộ, lại chảy 8 dặm đến sông Lợi Nông”. Tôi đã có dịp đi dọc theo đôi bờ sông Nong. Chính chiều dài khiêm tốn của những con sông ở phía nam Huế mà An Nông là con sông tiêu biểu đã khiến cho cảnh quan, địa hình nơi đây thay đổi đa dạng, từ đồi núi sang đồng bằng rồi ven đầm phá. Con người cũng thế, hết làm đồng lại lên đồi làm rẫy, ra sông, ra phá đánh bắt tôm cá, mùa nào việc nấy, thạo mọi ngành nghề.
Dulichgo
Chuyện xưa kể rằng, khai canh của làng vốn là một vị tướng của triều đình họ Nguyễn, tên Đà. Ngài từng được giao chỉ huy đạo quân biên viễn phương Nam, khi đến đây đã dừng binh, lập nên làng Minh Nông xưa.

Trong một cuộc chiến ở chân đèo Hải Vân, ngài đã thọ nạn và chính con chiến mã, từng rong ruổi với ngài trong suốt cuộc trường chinh, đã vượt núi băng sông, đưa ngài về với đất lành Minh Nông. Sau khi tận mắt nhìn thấy dân làng an táng chủ tướng, con ngựa đã nhảy xuống sông Nong mà chết. Câu chuyện chỉ truyền khẩu. Thế nhưng, trong thực tế vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ngài khai canh của làng An Nông đã được sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phò chi thần” và được lập miếu thờ làm thành hoàng của làng, trong đó có tượng thờ ngựa chiến trung nghĩa ở thôn Bình An, làng An Nông.

Tôi nghe kể, mô típ câu chuyện quen quen, như từng bắt gặp ở nhiều làng quê khác nơi vùng đất Thừa Thiên này. Thế nhưng, trào dâng trong tôi lại là một cảm giác khó tả, những mường tượng hào hùng về những ngày đầu mở cõi, dũng cảm, trung nghĩa và khí phách của cha ông đã giúp cho Tổ quốc có được hình hài như hôm nay, trong đó có cả cái làng An Nông mà tôi vẫn thường qua lại, nằm ngay trên tuyến đường thiên lý bắc - nam.

Theo Đan Duy Báo Thừa Thiên - Huế
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Phản hồi của bạn