[tintuc]

(BTN) - Bay trên bầu trời Đông Bắc núi mới thấy toàn bộ cánh đồng này y hệt một con diều giấy. Thân dọc con diều là trục đường Suối Đá - Khedol. Đầu diều là khối đậm xanh của vườn chùa Khmer, nổi bật tháp chùa vàng. Chung quanh mới thật sự là những mảng màu diệp lục đủ dạng hình của những vườn mãng cầu, cao su, mì, mía…

< Cánh đồng Khedol.

Lần này thì được bay thật rồi! Bay cao ngang ngọn núi Bà Đen 986 mét ngược trời, rồi ngắm nhìn ra bốn hướng. Chợt nhớ những câu thơ còn đọng trong ký ức: “Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu…” (Bài ca mùa xuân 1961 - Tố Hữu)

Xin lỗi độc giả, vì thật ra không phải tôi bay đâu ạ. Mà chữ “bay” này tôi mượn của một anh bạn mới kể cho nghe về chuyến bay trực thăng của anh từ cuối năm 1997. Có lẽ cho đến nay, đây là lần duy nhất người dân bình thường có thể bay lên ngọn núi Bà Đen. Lần ấy, chẳng hiểu làm sao mà có chiếc trực thăng bay đến đậu ở khu nhà thi đấu thể thao tỉnh hiện nay, khi ấy còn là đất trống.
Dulichgo
Họ được phép nên bán vé cho dân Tây Ninh bay, mỗi vé 300 ngàn đồng- bằng nửa tháng lương công nhân thời ấy. Bạn tôi mới yêu, nên quyết dành cả một tháng lương ra mua 2 vé đưa người yêu lên chơi đỉnh núi Bà Đen. Anh bảo:- Thật may quá, máy bay cũng bay vòng vo quanh núi rồi mới đậu xuống sân bay trực thăng của căn cứ Mỹ ngày xưa còn lại. Với vợ chồng anh, cho đến nay vẫn là chuyến du lịch nhớ đời, dù họ đã bay tuyến Bắc - Nam hàng chục chuyến.

Tôi nghe mà tiếc hùi hụi, vì chuyện bán vé cho bay ấy chỉ diễn ra có 3 ngày, mỗi ngày chỉ vài ba chuyến nên ít người Tây Ninh biết. Nay thì tôi hết tiếc rồi, vì đã được theo chân các anh của trạm phát sóng truyền hình trên núi lên tận đỉnh. Nhưng đúng là chậm so với bạn tôi mất hơn hai chục năm trời. Dọc đường lên, các anh kể:- Bây giờ người ta đi lại thường xuyên ấy mà. Có cả cán bộ công chức, tuần nào cũng leo lên đỉnh núi bằng đường bộ. Thôi, tự an ủi mình rằng:- Chậm còn hơn không!

Đỉnh núi không rộng lớn như tôi tưởng tượng. Muốn quan sát cả hai mạn sườn núi trước sau thì chỉ cần đi từ Bắc qua Nam độ trăm mét là cùng. Cây rừng thưa thoáng, lối mòn quanh co. Nhấp nhô đá tảng. Có tảng to bằng cả một cái nhà cấp 4. Chiếc mái nhà vòm gỉ sét, có lẽ có từ thời quân Mỹ chiếm đóng vẫn còn kia. Lại nhớ đến chiến công hiển hách của quân dân Tây Ninh đã đánh bật kẻ thù ra khỏi nơi này từ ngày 7 tháng 1 năm 1975.
Dulichgo
Cùng với chiến thắng Phước Long, đã mở đầu cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 toàn thắng. Khi ấy, nơi đây là căn cứ thông tin hiện đại nhất Đông Dương, nên để chiếm lấy nó không hề đơn giản. Nhiều đơn vị, kể cả đặc công và pháo. Cuộc chiến ròng rã suốt 30 ngày, biết bao xương máu chiến sĩ đã hy sinh… Ai cần biết kỹ hơn, thì đọc các cuốn sử viết về Tây Ninh hay huyện Hoà Thành. Để biết rõ “giá máu xương” trên từng tấc đất đỉnh Bà Đen kiêu hãnh. Còn bây giờ hãy cùng tôi bay trên miền diệp lục vì bốn phía quanh tôi đều ngăn ngắt xanh.

Ráng trèo lên một tảng đá to cỡ cái nhà trệt bên cạnh tháp truyền hình, may mà có những dây leo như kiểu dây trầu Bà xoãi trên mặt đá, để rồi thấy thành phố Tây Ninh trải dài rộng dưới tầm nhìn. Nhưng vẫn bị khuất một phần bởi cây cổ thụ lẫn rừng le trên bờ một hố hầm sâu hút. Sau phải xuống, vòng ra con đường mòn bao quanh thì thành phố mới hiện ra trọn vẹn dưới chân mình.

Mà không chỉ thành phố đâu, cả đô thị Hoà Thành cũng lấp lánh hiện lên những khối hình li ti với hai màu trắng, đỏ. Những màu khác đã nhoà vào màu xanh cây cỏ, đất đai… Thành phố- nơi tôi sống kia rồi! Giờ đã rất dễ dàng nhận ra nhờ toà khách sạn Vinpearl 21 tầng cao vợi. Gần hơn nữa là suối Lâm Vồ ẩn hiện sau phường phố Ninh Sơn cùng những vườn cây.
Dulichgo
Tôi cũng như đang bay trên miền đất có Toà thánh Tây Ninh đây! Rất dễ nhận ra một khu rừng có sắc xanh diệp lục đậm đà. Vài cụm công trình kề bên Đền thánh bật lên màu ngói đỏ. Xa thế mà vẫn thấy những toà tháp vàng vươn cao, trên bộ mái hai màu đỏ vàng rực rỡ. Đường 781 chạy vào Dương Minh Châu hiện ra rất rõ. Nhưng đã khuất nẻo ở đâu con đường Điện Biên Phủ chạy về hướng núi. Hay là những phường Ninh Thạnh, Hiệp Ninh đã đô thị hoá bậc cao làm khuất đi sau những cửa nhà…

Phía Tây Nam vẫn còn một nơi có thể nhận ra chỉ bằng mắt thường thôi. Đấy là tượng Quán Thế Âm chùa Gò Kén. Chùa chiền, công trình nhạt nhoà lẩn vào lơ mơ sương khói. Chỉ còn thấy mỗi một khối hình búp măng hay một búp huệ trắng hiện ra giữa màn sương ấy mà thôi. Kể từ phía sau tượng Bà trở đi, chỉ thấy những mảng xanh giống mảng lục bình trôi nổi trên mênh mông biển nước luênh loang như sữa đục. Bởi đây là cuối tháng 12.2018. Có phải sông Vàm đang mùa “con nước lớn ròng”. Nước chưa kịp rút để bà con ta gieo sạ vụ Đông Xuân.

Dù sao cái miền xanh bên phía Tây Nam tôi cũng đã gặp rồi, đâu đó trên mặt đất. Còn những cảnh tượng chưa thấy bao giờ, lại là bên sườn Đông Bắc núi Bà. Đây, cánh đồng Khe- Đon mà Báo Tây Ninh mới mô tả vài tuần trước thì nay cánh đồng ấy đang giang rộng như đôi cánh diều vàng thắm.
Dulichgo
Bay trên bầu trời Đông Bắc núi mới thấy toàn bộ cánh đồng này y hệt một con diều giấy. Thân dọc con diều là trục đường Suối Đá - Khedol. Đầu diều là khối đậm xanh của vườn chùa Khmer, nổi bật tháp chùa vàng. Chung quanh mới thật sự là những mảng màu diệp lục đủ dạng hình của những vườn mãng cầu, cao su, mì, mía…

Ôi chao! Bên này có những khuôn hình đẹp hơn tranh vẽ. Làm sao mà tưởng tượng ra những vườn cây trái y như những quân bài đô- mi- nô nằm sóng soài, chồng xếp lên nhau trên một bàn cờ. Làm sao phối được những mảng màu của tự nhiên một cách hài hoà tuyệt vời như thế. Không thể phân định được đâu là Thạnh Đông của thành phố Tây Ninh, đâu là Tân Hưng của Tân Châu nữa, bởi kênh đào Tân Hưng lúc này chỉ như một vệt chỉ hồng lẩn khuất giữa bao la. Nhưng, lòng hồ mênh mông và tráng lệ thì hiện ra rõ lắm. Rõ hơn nhiều khi ta lên ga thượng giáp của tuyến cáp treo lên núi. Sau cái màu trắng đục nhoà với màu trời xa, còn rõ cả dãy núi Cậu bên tỉnh bạn nữa kia.

Đến đây, tạm phải ngưng lại để chép cho độc giả một sự tích của núi Bà, núi Cậu. Sự tích này do những người xây dựng Lòng hồ sưu tầm được. Đấy là cuốn sách nhỏ Hồ Dầu Tiếng, của hai tác giả Nguyễn Minh Sang và Phan Khánh, NXB Lao Động in năm 1991, sáu năm sau khi hồ nước hoàn thành. Chuyện rằng: “Dãy núi Tha La bằng đá cát- kết và cuội- kết cao trên 160 mét, chạy dài hàng chục cây số, như một bức tường thành chắn (giữ) nước. Bà con Tây Ninh gọi núi này là núi Cậu.
Dulichgo
Truyền thuyết kể rằng thuở xa xưa, thần núi Tha La và thần núi Bà Đen đã có một cuộc đọ tài, đến nỗi mặt đất phải nứt ra, tạo thành con sông Sài Gòn. Họ giao ước chỉ trong một đêm, ai làm nên ngọn núi cao nhất, người ấy sẽ trở thành “bề trên”.

Thần núi Tha La sợ núi Bà cao hơn, đang đêm ngầm sai thần Gà sang bới sao cho rạng ngày ngọn núi đổ sập để được cuộc. Thần Bà Đen vốn là Tiên cô Thánh mẫu cũng không kém khôn ngoan. Ngài sai thần Lợn tìm cách triệt phá ngọn núi của đối thủ. Đôi chân gà dù thần thông biến hoá cũng chỉ đủ sức bới được một góc chân núi Bà. Khối đất ụ lại cũng chỉ là một ngọn đồi nhỏ nhoi bên cạnh khối hoa cương đồ sộ. Ngọn đồi đó nay mang tên núi Phụng. Có thể sánh như một con gà nhặt thóc bên đụn rạ núi Bà mà thôi. Còn thần lợn, một đêm ra tay, hòn núi Cậu đổ sụp xuống như một luống khoai khổng lồ dài thườn thượt…”.

Câu chuyện hiềm khích huyền thoại này, rút cuộc đến cuối thế kỷ 20 người Tây Ninh đã hoá giải được. Thì đây, họ đắp đập, ngăn sông để làm nên một hồ nước thuỷ lợi lớn nhất miền Nam (có người còn bảo lớn nhất Đông Nam Á). Và bây giờ, núi chị núi em cùng yểu điệu nghiêng soi mặt nước. Một thôi chèo thuyền là cô em núi Cậu có thể sang thăm núi chị Bà Đen.
Dulichgo
Từ đỉnh hay lưng núi Bà phía Đông Bắc nhìn ra chỉ thấy màu diệp lục yên bình với một miền bao la sương trắng. Nổi bật giữa miền bình yên ấy, những con đường, hay dòng suối xưa cứ buộc mắt người phải dõi theo cho đến tận cùng. Này là đường 785 như một sợi dây chuyền bạc chỉ hướng ta về thị trấn Tân Châu. Này là suối Tha La đã hoà nhập với Lòng hồ nên chan chảy rộng dài cũng đưa ta về phía ấy. Rồi con đường Suối Đá- Khedol hơi khúc khuỷu hướng ta về thị trấn Dương Minh Châu còn ẩn đâu đó dưới ngàn xanh.

Để cho xứng với hai huyện mang tên châu, ngọc này thì sườn núi bên này cũng ngọc ngà xanh. Không phải là thứ màu xanh nõn chuối của những vườn chuối, mãng cầu như bên núi Heo, núi Phụng mà xanh ngắt, xanh ngơ, xanh đậm đặc của rừng già. Tôi lướt bay trên sườn núi mà tưởng tượng ra, hay là mình đang bay qua vùng rừng vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát.

Cũng có những sắc lá non tơ hay ửng vàng, nhưng là trên tít tắp ngọn cây cao. Đôi khi bắt gặp những khoảng rừng tre, hay những đám phát tài núi lá xoà tròn ngơ ngác. Thỉnh thoảng lắm mới bắt gặp đá chồng lên đá và sâu hút bên dưới những hầm hinh, hang hốc. Ôi chà! Dây leo vấn vít rừng nguyên sinh. Bay là xuống gần mặt đất.
Dulichgo
Thấy đỉnh núi Phụng nhô lên như một cái đầu chim phượng. Chỉ hơi tiếc phía này chân núi Phụng không còn xanh như ở núi Bà. Lại nhớ câu chuyện của già làng Khmer Cao Văng Ươn, rằng nước suối từ chân núi Phụng chảy ra có nguy cơ cạn kiệt. Thế là bà con liền có ngay sáng kiến, đắp vài hồ chứa nước dưới chân núi, để có nước canh tác ngay trong cả mùa khô. Hai cái hồ lớn ấy nằm kia, to cỡ như sân bóng đá, ngay kề bên đường phân thuỷ giữa hai chân núi. Và quanh năm làm chiếc gương trời cho mây tới soi gương.

Theo N.Q.V (Báo Tây Ninh)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Bài viết liên quan

Phản hồi của bạn