Làng nghề

Hiển thị các bài đăng có nhãn Làng nghề. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Làng nghề. Hiển thị tất cả bài đăng

Bánh tổ ngày Tết của người vùng cao Trà Bồng

[tintuc]

(BQN) - huyện vùng cao Trà Bồng, ngày Tết hầu như nhà nào cũng làm bánh tổ để cúng ông bà tổ tiên. Cũng giống như bánh chưng, bánh tét, chiếc bánh tổ đã gắn bó với mỗi người con vùng đất quế từ đời này sang đời khác mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Trà Bồng từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề làm bánh tổ truyền thống. Từ khoảng 20 tháng Chạp là người trong làng hối hả vào vụ Tết. Những ngày cuối năm chỉ cần đi ngang qua các hộ gia đình làm bánh tổ cũng có thể cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ của nếp, của gừng phảng phất trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, khiến mùi Tết thêm đậm đà hơn.

Ghé thăm hộ gia đình cô Lâm Thị Nguyệt, ở thị trấn Trà Xuân- một hộ có thâm niên 20 năm chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đang đến rất gần. Những chiếc bánh tổ đang được người nhà bà nhanh tay xếp dưới trời nắng để phơi cho khô bánh kịp thời đón Tết.

Theo bà Nguyệt, để làm được bánh tổ thật không khó nhưng kỳ công vô cùng. Nguyên liệu chủ yếu chỉ có bột nếp và đường, "gia vị" thêm mè và gừng. Nhưng phải chọn loại nếp tốt, ngâm nước vo sạch rồi trải ra nong phơi cho ráo nước, xong cho vào cối xay thành bột mịn. Đường muỗng, làm vụn rồi đêm "thắng" (bỏ vào chảo nóng cho đường tan ra thành chất lỏng).
Dulichgo
Nước đường làm bánh tổ phải được gạn lọc cho trong sạch. Sau đó trộn bột nếp đã xay mịn vào nước đường, nhào thật nhuyễn. Đây chính là công đoạn "khẳng định tay nghề" của người làm bánh. Bột, đường nhào trộn vào nhau soa cho vừa vặn, để bánh làm xong không khô, không nhão, mà dẻo dai và vừa ngọt.

Ngày trước khuôn bánh là một chiếc rọ đan bằng nan tre dát mỏng, sau đó lót lá chuối tươi, đã lau sạch sẽ. Dùng tăm tre ghim hai mép lá thành một sau khi đã uốn lá thành. Đây là cách giữ cho bột bánh sau khi trộn với nước đường đổ vào không chảy ra ngoài và cũng là cách bảo quan bánh để giữ được lâu ngày. Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, làm bánh với số lượng nhiều, người ta hầu hết đều dùng khuôn nhôm, lót bọc ni lông rồi đổ bánh vào đem hấp.
Dulichgo
Ổ bánh lấy ra khỏi khuôn được lá chuối bọc kín kẽ xếp vào khay đan bằng tre rồi mang đi hấp. Chừng 3 tiếng đồng hồ, bánh mới vừa chín. Người làm không quen có thể lấy đũa chọc thử vào mặt bánh, không thấy bột trào ra, bánh đã cô đặc hoàn toàn, thì đúng là đã chín. Lúc này phải nhanh tay rắc mè lên mặt bánh, mang ra sân phơi độ hai, ba nắng thì vừa khô, có thể bóc vỏ bọc dễ dàng.

Bà Nguyệt cho biết, cái hay của bánh tổ là có thể để được lâu, ăn dần cả tháng. Có nhiều cách khác nhau để thưởng thức món bánh bình dị và hương vị khó quên này. Có thể cắt ra ăn sống, nướng hoặc chiên giòn. Mỗi cách thưởng thức mang lại nhiều cảm giác khác nhau về hương vị bánh. Nếu ăn sống, đầu lưỡi sẽ cảm nhận vị ngọt thanh của đường, vị cay của gừng và chút mềm dẻo của nếp. Nếu bánh đem nướng trên lửa than sẽ dậy lên mùi thơm đặc trưng của nếp, đường gặp nóng sẽ càng ngọt và dẻo hơn, ăn kèm bánh tráng sẽ rất ngon.

Trong khi đó, miếng bánh khi được chiên giòn sẽ phồng lên, phảng phất hương thơm. Một lát bánh chiên kẹp với lát bánh nướng là sự lựa chọn được nhiều người thích nhất. Điều đặc biệt là bánh tổ nấu không phải để ăn ngay mà để sau một thời gian cho "ngấm", khi đó mới đậm đà, vị ngọt bùi sẽ tăng lên.

Còn vì sao loại bánh đậm chất truyền thống này lại có tên gọi là bánh tổ thì theo bà Chính, tên gọi của “bánh tổ” đã ẩn chứa trong nó ý nghĩa nhớ về tổ tiên mỗi dịp Tết đến. “Cũng chính "ngoại hình" của bánh như một chiếc bát, được bọc bằng lớp lá chuối hoặc lớp bao bóng dày dặn nên người xưa mới gọi là bánh tổ", bà Phượng chia sẻ.
Dulichgo
Bà Huỳnh Thị Tuyết, quê gốc ở huyện Bình Sơn, về làm dâu tại thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) đi chợ ngày cuối năm cũng không quên ghé mua chiếc bánh tổ về cúng ông bà. Theo bà Lâm, ngày Tết đặt chiếc bánh tổ trên bàn thở cúng ông bà tổ tiên đã trở thành tục lệ ngày Tết từ bao đời nay của người dân Trà Bồng.

"Năm nào cũng vậy, Tết đến bác cũng làm theo tục lệ ông bà. Tết mình mua bánh tổ cúng ông bà, lo Tết cho con cháu nó vui vẻ mà mình cũng làm tròn bổn phận làm con”, bà Lâm vui vẻ chia sẻ.

Với người dân vùng cao Trà Bồng, Tết đến mà thiếu món bánh tổ thì không khác gì thiếu dưa hành, câu đối đỏ. Nói như vậy để hiểu rằng, đây là món bánh rất đặc trưng của người dân vùng cao nơi đây. Đó như một tục lệ, một cách bày tỏ tấm lòng nhớ về nguồn cội, tổ tiên… Đây cũng là món quà quê thơm thảo của những người con vùng đất quế Trà Bồng gửi tặng cho người thân mỗi dịp Tết đến xuân về.

Theo P.Tiên (Báo Quảng Ngãi)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Mạch nha: Món quà Tết đậm đà hương vị

[tintuc]

(QNO) - Quảng Ngãi từ lâu được mệnh danh là xứ sở của cây mía với những sản phẩm từ mía nổi tiếng như đường phèn, đường phổi, kẹo gương... Riêng mạch nha với độ mềm dẻo, ngọt thanh, từ lâu đã được du khách mua làm quà khi có dịp về quê hương sông Trà – núi Ấn.

Lần theo câu thành ngữ “Kẹo gương Thu Xà, mạch nha Mộ Đức”, tôi về làng Tú Sơn, xã Đức Lân gặp hai vợ chồng cùng họ, cùng tên, cùng 60 tuổi, đang theo nghề truyền thống này. Anh chồng là Nguyễn Kim Ngọc, vợ là Nguyễn Thị Ngọc. Trước khi gặp anh chị, “tiếng lành đồn xa” cho tôi biết mạch nha của anh chị là “chuẩn” nhất.

Mạch nha là sản phẩm thủ công truyền thống của Quảng Ngãi. Dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi ghi rõ: Vào những năm 1930 - 1935,  tại các hội chợ danh tiếng được tổ chức ở Huế và Hà Nội, sản phẩm mạch nha đã được trưng bày và tạo được tiếng vang bởi hương vị ngọt thơm, thanh dịu và thuần khiết.

Theo vợ chồng anh Ngọc, để có một mẻ mạch nha đúng chất truyền thống thì nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ lưỡng, tỷ lệ nhào trộn giữa xôi nếp và mộng lúa phải được “cân đong đo đếm” cẩn thận. Sau khi ép lấy nước tinh ròng là giai đoạn nấu trong vòng 6 tiếng. Giai đoạn củi lửa này là quan trọng nhất. Nấu xong, mẻ mạch nha mềm mại, dẻo quánh, có màu cánh gián là đạt yêu cầu.
Dulichgo
Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần nghe người bán dạo mạch nha cất tiếng rao: “Ai lông gà, lông vịt, xoong nồi hư đem đổi mạch nha đi”, tôi thường “níu áo” mẹ làm nũng, đòi mua cho bằng được. Thời ấy, làng quê nghèo khổ, ăn “toàn mạch nha” bị cho là lãng phí, nên thường kèm với củ lang, củ mì.

Mà lạ nghen! Mạch nha ăn chung với củ ngon lạ ngon lùng. Vị bùi bùi của củ “đi” với vị ngọt dịu dàng được chiết từ lúa nếp khiến ta tưởng như đang ăn một loại bánh “cao cấp” nào đó.

“Thăng hoa” từ tinh túy của lúa và nếp, vị ngọt của mạch nha khá lành tính nên quý bà nội trợ thường dùng để thay thế đường trong pha chế, nấu nướng nhiều món ăn, đồ uống. Một ly nước giải khát được làm ngọt bởi vài muỗng mạch nha, nặn tí chanh, bỏ vài cục nước đá thì tuyệt vô cùng.

Chị Ngọc nói vui: Một năm có tứ thời xuân hạ thu đông. Riêng mạch nha thì mùa nào cũng chỉ giữ mức 18 nghìn một lon. Lời ít thôi, nhưng vợ chồng tôi sống khỏe, lại còn phụ thêm cho mấy đứa nhỏ ăn học trong Sài Gòn. Anh Ngọc thì nói, mỗi tháng hai vợ chồng nấu được 6 mẻ mạch nha, mỗi mẻ 100 lon, vị chi là 600 lon.
Dulichgo
Mỗi tháng vợ chồng tôi kiếm 3 triệu. Kể ra thì mức lời đó cũng bèo thiệt, nhưng mừng cái là ra lò mẻ nào bán hết mẻ đó. Nhiều người đến lò vợ chồng tôi lấy mạch nha về dán nhãn lung tung thành mạch nha của họ. Tính từ đời ông, đời cha tới bây giờ thì nghề nấu mạch nha truyền thống của gia đình tôi đã có trên trăm năm rồi. Chắc sắp tới tôi làm thủ tục xin nhãn hiệu “Mạch nha Song Ngọc” anh vừa đặt chứ hổng lẽ vô danh hoài sao?

Khách thập phương khi có dịp đặt chân đến Quảng Ngãi đều chọn mua mạch nha Mộ Đức làm quà biếu tặng người thân. Đặc biệt là mỗi dịp Xuân về, mạch nha Mộ Đức vẫn là món quà đậm đà phong vị Tết.

Theo Trần Cao Duyên (Quảng Ngãi online)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Xuân về, đi tìm bóng dáng làng tranh một thời vang bóng

[tintuc]

(VOV) - Có hơn 1.500 hộ, nhưng nay cả xã Song Hồ chỉ còn lại duy nhất 3 hộ gia đình còn lưu giữ nghề làm tranh, số còn lại đã chuyển sang làm vàng mã.

Về làng Đông Khê (hợp bởi làng Đông Hồ cũ và làng Tú Khê), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - nơi nổi tiếng bao đời với dòng tranh dân gian Đông Hồ những vào những ngày giáp Tết, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng làng tranh chuyển mình thành công xưởng “hàng mã” lớn nhất nhì đất Bắc.

Xe tải xếp hàng kín hai bên đường để vận chuyển hàng mã. Các xưởng sản xuất, đại lý quần áo, đồ dùng “cõi âm” mọc lên san sát, hối hả người bán kẻ mua.

Những hình ảnh về làng tranh Đông Hồ, xưa gọi là làng Mái hưng thịnh một thời giờ chỉ còn lại trong ký ức của những bậc cao niên trong làng như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nay đã 84 tuổi.
Dulichgo
Bên chén trà chiều ấm nóng, cành đào phai đã nở báo hiệu Tết đang đến gần, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế người dành cả đời gắn bó với tranh Đông Hồ hồi tưởng: Khi ông còn nhỏ, tóc để trái đào, cứ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 làng tranh lại vào mùa. Trong làng, mọi người hối hả, bận rộn cho mùa làm tranh Tết. Mọi ngóc ngách đều chật kín chỗ phơi tranh.

Ngày ấy, Tết đến xuân sang, bên cạnh dưa hành, tràng pháo bánh chưng xanh, ai cũng cố tầm cho được một bức tranh Đông Hồ chơi Tết. Nhiều người từ những miền xa xôi như Thanh Hóa, Nghệ An cũng lặn lội ra mua cho được bức tranh chơi Tết. Không chỉ là chơi tranh, mà đó còn là ước nguyện về một năm mới may mắn, làm ăn sung túc, đủ đầy, gia đình hạnh phúc, thịnh vượng.

Cũng bởi vậy mà ca dao xưa có câu:
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về làng tranh”.

“Đến tận bây giờ, tôi vẫn kể cho con cháu nghe về câu chuyện của làng tranh xưa. Thời ấy, nếu cô dâu mới đi chợ Tết quên không mua tranh, thế nào cũng bị bố mẹ chê đoảng. Tết đến nhà nào cũng sắm đôi tranh mới treo, đến hết năm lại bóc đi mua đôi khác. Những ngày phiên chợ như mùng 6, 11, 16, 21 tháng Chạp, gà chưa gáy canh 5, dòng người từ khắp nơi đã đổ về làng Hồ để mua bán tranh đông vui như trẩy hội. Xưa vẫn có câu: Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh. Thế hệ ngày nay chẳng bao giờ biết được không khí của làng Mái hưng thịnh một thời”, cụ Chế ngậm ngùi.Dulichgo

Nếu như xưa kia, cả làng Hồ làm tranh, thì nay cả xã chỉ còn đúng 3 hộ gia đình vẫn lưu giữ nghề tranh truyền thống. Cũng bởi vậy, mà tâm nguyện lớn nhất của cụ Chế là con cháu học hành thành tài, đem những vốn hiểu biết mới về để gìn giữ và tiếp tục phát triển vốn di sản của ông cha để lại.

Tranh Đông Hồ đơn giản, mang tính ước lệ, tượng trưng, phóng  khoáng nhưng cũng rất hài hước, thâm thúy. Chỉ vào bức tranh lợn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giải thích, tranh lợn có hình tượng lợn mẹ và 5 lợn con, trên người đều có hình xoáy âm dương, thể hiện sự hòa hợp, mong  đầy đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở. Hay bức tranh đánh ghen được các cụ xưa sáng tạo nhằm phê phán tục đa thê, tranh Đám cưới chuột lại thể hiện rõ nét nạn quan liêu, hối lộ, đời sống của người nông dân trong xã hội xưa.

Theo cụ Chế, tranh Đông Hồ dù có nhiều màu sắc, nhưng không lòe loẹt, chói chang. Các loại màu đều được tạo ra từ các chất liệu thiên nhiên. Màu đen từ tro đốt lá tre, màu vàng từ nước hoa hòe, màu đỏ từ hoa hiên, màu trắng từ bột vỏ sò, điệp… tạo ra mỹ cảm dung dị, thuần hậu như chính đời sống người nông dân đất Bắc xưa.

Để làm ra một bức tranh Đông Hồ cần trải qua nhiều công đoạn phức tạp từ vẽ màu, khắc ván, in tranh. Tuy tranh được sản xuất hàng loạt nhưng mỗi khâu làm tranh đều được làm thủ công hoàn toàn. Vì thế, tranh Đông Hồ thấm đẫm tình cảm và sự chăm chút của các nghệ nhân.
Dulichgo
Nhiều người ví tranh Đông Hồ như sự hội tụ cái hồn của văn hóa làng Việt, ở đó không chỉ thấy được cái khéo của người làng tranh, mà còn thấy được cả cuộc sống sinh động, là nơi gửi gắm những ước vọng của người nông dân xưa.

Thăng trầm làng tranh thành làng mã

Bước ra khỏi căn nhà của cụ Nguyễn Đăng Chế, nếu ai chưa từng một lần đến với mảnh đất này, sẽ khó lòng nhận ra làng tranh Đông Hồ cũ đã từng đi vào thi ca, nhạc họa.

Không còn cảnh “Đì đoẹt ngoài sân chàng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà” như đôi câu thơ của Tú Xương. Làng tranh xưa, nay ngập tràn các món đồ hàng mã.

Tiếp câu chuyện về số phận hưng suy của dòng tranh Đông Hồ từng nức tiếng khắp nơi, cụ Nguyễn Đăng Chế kể, khi chiến tranh nổ ra, làng tranh bình yên xưa cũng bị tàn phá, người dân mải lo chạy giặc, hàng vạn bản khắc gỗ bị đốt cháy, thiêu rụi, thất lạc. Để khôi phục làng tranh, từ khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, những nghệ nhân của làng đã cùng thành lập lên “Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ”. Làng tranh từ đó cũng dần được phục hồi.

Tuy nhiên, đến những năm cuối của thập niên 90, làng tranh lại dần bước vào thời kỳ suy thoái, tranh làm ra không bán được.

Cụ Nguyễn Đăng Chế kể, thời kỳ những năm 1992, cụ xin nghỉ hưu sớm khi đang công tác tại trường ĐH Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội để về toàn tâm toàn ý vực lại làng tranh. Trước nguy cơ làng nghề dần mai một, cụ Chế đã dành dụm tiền tự có và xin tài trợ từ các tổ chức quốc tế để đi mua lại các bản khắc gỗ cổ và dần khôi phục làng nghề một lần nữa.

Dẫu vậy, giờ đây, đi khắp các ngõ ngách của làng Hồ, chỉ còn lại hàng mã tràn lan, tranh Đông Hồ lẻ loi giữa nơi đã sinh ra và hưng thịnh một thời cùng sự nuối tiếc của những nghệ nhân cả đời gắn bó với nghề.
Dulichgo
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người đã chững kiến những thăng trầm của làng nghề kể lại những năm làng tranh phải gồng mình tồn tại giữa hàng mã. “Tranh Đông Hồ chỉ bán được vào dịp Tết và giêng hai hàng năm. Xưa kia, khi làng nghề hưng thịnh, nghệ nhân sống được bằng tranh. Nhưng đến nay, nhu cầu của thị trường thay đổi, người mua tranh ngày càng ít. Trước sức ép của cơm áo gạo tiền, nhiều người bởi vậy mà từ bỏ nghề tranh”.

Sinh ra trong gia đình có hơn 10 đời làm tranh, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả thấy “xót’ thay khi làng nghề xưa có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất nếu không được bảo tồn. Không chỉ phải chống chọi với nguy cơ mai một, ngày nay, tranh Đông Hồ còn phải tự khẳng định mình nơi thương trường nhiều nhiễu nhương, tranh thật, tranh giả lẫn lộn.

Ông Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch xã Song Hồ cho biết, toàn xã có hơn 1500 hộ, song đến nay chỉ còn lại 3 hộ giữ nghề làm tranh. Khoảng 80% số hộ dân tại địa phương đã chuyển sang làm hàng mã.

“Nếu hỏi dân Đông Hồ  có muốn quay lại làm tranh và có thể làm tranh đẹp như xưa không thì chắc chắn là có. Nhưng một nhà làm tranh thì có thể sống được bằng nghề, còn cả làng làm tranh thì tiêu thụ thế nào”, ông Định nêu băn khoăn

Trước nguy cơ làng nghề bị mai một, hiện nay chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ làm tranh về việc thuê đất mở xưởng tranh, quảng bá dòng tranh truyền thống.
Dulichgo
Cũng theo ông Định, hiện tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và tiến hành xây dựng khu bảo tổn tranh tại khu di tích Đình tranh Đông Hồ với diện tích khoảng hơn 2ha. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Dòng tranh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. UBND tỉnh Bắc Ninh cùng Viện Văn hóa dân gian đang làm hồ sơ trình UNESCO công nhận tranh Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, ông Định cũng cho rằng để bảo tồn và phát triển làng tranh, cần các chính sách đồng bộ và cả sự đầu tư mạnh tay hơn nữa.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Tết thuyền ở làng chài “hiệp sĩ”

[tintuc]

(LĐO) - Hàng trăm tàu cá quay mũi hướng ra khơi trong nắng xuân hanh vàng. Cờ Tổ quốc gắn trên đỉnh cột cao tung bay trong gió giữa trưa 30 Tết. Ngư dân thành kính sửa soạn lễ vật đặt trước mũi tàu rồi lầm rầm khấn vái. Đấy là tục “Tết thuyền”, nét đẹp lưu truyền qua bao đời ở làng chài Hải Tân, xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi), nơi được mệnh danh là làng chài “hiệp sĩ”.

Rộn ràng đón Tết

Lăng thờ thần Nam Hải nằm cạnh bến cá Mỹ Á, là nơi linh thiêng đối với cư dân vạn chài. Lăng hướng ra cửa biển như vị thần dõi mắt trông theo để độ trì cho tàu cá xuất bến vươn khơi. Lão ngư Nguyễn Xết - Trưởng vạn chài Hải Tân cùng nhiều ngư dân tất bật quét dọn, trang trí chuẩn bị lễ cầu ngư vào sáng mùng 2 Tết.

Cây nêu trồng trước lăng bằng tre già, thân cao vút với cành lá trên ngọn phất phơ trước gió. Quốc kỳ và cờ đuôi nheo phần phật tung bay trong nắng xuân hanh vàng. Sớm tinh sương mùng 2 Tết, ông Xết cùng những bậc cao niên và người dân làng chài Hải Tân tề tựu đông đủ, thành kính dâng lễ vật lên ban thờ.
Dulichgo
Hương trầm thơm ngát thoảng bay theo gió xuân se lạnh. Ông Xết lầm rầm khấn nguyện cầu mong sóng yên, biển lặng, ngư dân đánh bắt được nhiều cá tôm, lẫn tiếng chuông ngân nga trong sương sớm. Tàu cá của ngư dân neo đậu dưới bến dập dềnh trên sóng nước như chiến mã nhịp chân trước giờ xung trận. 8 giờ sáng, tiếng trống phát hiệu lệnh thúc giục rộn rã. Hàng chục tàu cá tiếp nối xuất bến vươn khơi. Sóng vỗ vào thân tàu tung bọt nước trắng xóa. “Hằng năm, vạn chài tổ chức nhiều lễ cúng nhưng riêng vào sáng mùng 2 Tết thiêng liêng lắm. Vì đây là ngày lễ xuất hành, cầu mong trời yên biển lặng, làm ăn thuận lợi trong cả năm…” - ông Xết tâm sự.

“Tết thuyền” ở Mỹ Á

Sáng 30 Tết, ngư dân Nguyễn Dương cùng vợ sửa soạn mâm cỗ để cúng thuyền (tàu cá) đang neo đậu tại bến cá Mỹ Á, xã Phổ Quang. Sau đó, anh và con trai bê lễ vật: Gà luộc, bánh tét, bánh tráng, trái cây, rượu cùng đĩa gạo, muối, chén đũa, trầu cau, nhang đèn, vàng mã và chậu hoa vạn thọ bày ra mũi thuyền. Anh cùng người cháu trịnh trọng treo hai lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước mũi và trên mui tàu. “Thuyền là người bạn đã cùng mình vươn khơi đánh bắt cả năm trên biển. Cờ Tổ quốc tung bay trong gió như thêm ý chí cho mình vững tâm ra khơi” -  anh tâm sự.

“Dù có bận rộn đến đâu chăng nữa nhưng ngư dân ở đây luôn thành tâm sắm sửa lễ vật để “Tết thuyền”. Vì thuyền không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là người bạn của ngư dân chúng tôi. “Tết thuyền” được chúng tôi xem như hành động đáp nghĩa đối với người bạn đã cùng chúng tôi vượt qua sóng gió để đánh bắt cá, tôm” - ngư dân trẻ Nguyễn Thành Đôn, chủ tàu cá QNg - 94259 TS, bộc bạch.
Dulichgo
Theo nhiều lão ngư ở địa phương thì phong tục “Tết thuyền” được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thời gian lễ cúng vào sáng 30 Tết đến lúc giao thừa. “Vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, ngư dân đưa tàu về bến để vá lưới và sửa chữa tàu. Sau đó, họ tổ chức lễ cúng và chiêu đãi bà con họ hàng cùng bạn chài. Và, đến ngày 30 Tết thì họ tổ chức lễ cúng hết sức trang trọng như để tạ ơn chiếc tàu cùng họ mưu sinh trên sóng nước” - ông Võ Xuân Cẩm - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang nói.

Làng chài “hiệp sĩ”

Gọi là làng chài “hiệp sĩ” bởi rất nhiều ngư dân, tàu thuyền lâm nạn đã được người dân làng chài này cứu giúp.
Lão ngư Nguyễn Xết nhiều lần tham gia cứu hộ tàu cá bị nạn. “Trước giờ, cứu nạn tàu cá là chuyện thường ở đây rồi. Nghe tin tàu cá bị nạn là chúng tôi thông báo cho nhau tập trung ứng cứu. Ở gần bờ thì có cả đàn bà tham gia, xa bờ thì ngư dân đang đánh bắt hay ở bến cũng đưa tàu ra giúp…” -  ông nói.

Ngư dân trong làng tự nguyện đóng góp kinh phí vào quỹ “hỗ trợ ngư dân” giúp đỡ cho những chủ tàu bị nạn. Với chủ tàu khó khăn, không thể sửa chữa, họ chung tay giúp đỡ hàng chục triệu đồng để tiếp tục ra khơi. Anh Nguyễn Vũ xúc động khi nhận 35 triệu đồng từ sự giúp đỡ của ngư dân vạn chài: “Bà con làm ra đồng tiền cực khổ và nguy hiểm lắm nhưng họ sẵn lòng giúp đỡ như thế khiến tôi cảm động lắm. Nhờ có khoản tiền ấy cùng những lời động viên nên tôi vội sửa chữa tàu để tiếp tục bám biển”.
Dulichgo
Mỗi ngư dân ở làng chài Hải Tân đều là “cổ đông” trên con tàu cùng họ lênh đênh trên sóng nước. Ngư dân khá giả đầu tư đóng mới tàu rồi vận động bạn chài góp vốn mua lưới cùng nhau mưu sinh. Nhiều chủ tàu cho bạn chài mượn vốn hùn mua lưới lên đến hàng chục triệu đồng. Mỗi chuyến về bờ, sau khi trừ chi phí, họ dành 30% tiền lãi khấu hao và sửa chữa tàu, phần còn lại chia đều cho chủ tàu và thuyền viên. Do “lời cùng ăn, lỗ cùng chịu” nên chủ tàu và bạn chài luôn gắng sức đánh bắt những chuyến biển tôm, cá đầy khoang. “Vì góp chung vốn nên những bạn chài gắn bó với tôi chứ không bỏ qua đi bạn cho tàu khác. Anh em luôn sẻ chia công việc nặng nhọc, nương tựa lẫn nhau trong những lúc đau ốm trên biển” - ngư dân Nguyễn Mai tâm sự.

Khi gặp đàn cá lớn, họ liền thông báo cho ngư dân cùng làng qua máy thông tin liên lạc. Những chiếc tàu cùng buông lưới quây tròn đàn cá đang hoảng loạn, tìm cách thoát ra ngoài. Tàu vội quay vào bờ sau khi thu mẻ lưới với tôm, cá nặng đầy khoang. “Chúng tôi đánh bắt theo tổ, đội trên biển và thường liên lạc với nhau để sẵn sàng ứng cứu khi gặp nạn. Gặp đàn cá lớn liền thông báo cho nhau đến đánh bắt chung chứ không giấu giếm gì cả. Bao đời giờ vẫn vậy. Nếu gặp đàn cá lớn mà im lặng để bắt một mình thì bị mọi người trong làng coi thường nên không ai dám cả” - anh Nguyễn Dương bộc bạch.
Dulichgo
Những con tàu lướt trên sóng như chiến mã tung vó trên thảo nguyên bao la. Khi máy tầm ngư phát hiện đàn cá tung tăng bơi lội, con tàu dừng lại, dập dềnh trên sóng nước. Ngư dân nhanh tay buông lưới vào lòng biển và rồi cá, mực tươi rói được kéo lên sàn tàu trước những gương mặt rạng ngời niềm vui…

Theo Hữu Nhân (Lao Động online)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Quà quê xứ Quảng đi muôn nơi

[tintuc]

(BQN) - Cận Tết, những chuyến tàu, xe ra bắc, vào nam tấp nập. “Hồn” quê hương ẩn chứa trong những món quà quê cũng theo đi muôn nơi, góp niềm vui cho các gia đình không có điều kiện về quê ăn Tết.
Cuộc sống ngày càng hiện đại. Tết nay cũng khác nhiều với Tết xưa. Khách đến chơi nhà, chúc Tết, được gia chủ mời đủ các loại bánh mứt ngon, sản xuất và đóng gói bằng công nghệ hiện đại.

Trẻ con thời nay chỉ biết đến vị ngọt của bánh ngoại nhập, thay vì thòm thèm mùi vị giản dị mà thơm lừng của chiếc bánh in, bánh xốp hay bánh thuẫn… khi ngồi ngóng bà và mẹ cần mẫn tự tay làm trong những ngày giáp Tết như trước đây. Cũng từ đó, những món bánh truyền thống lúc nào cũng xuất hiện ở những cái Tết cũ, dần vắng bóng.

Những tưởng, trước những thay đổi ấy, các làng nghề truyền thống không thể trụ vững giữa xoay chuyển của thị trường. Ấy vậy mà, Tết đến, từ các lò nghề truyền thống, bánh quê vẫn có sức sống mãnh liệt đến không ngờ.


< Các lò bánh truyền thống đỏ lửa đêm ngày và thuê thêm nhân công để kịp phục vụ Tết.

Bà Nguyễn Thị Thu- ngụ ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) gắn bó với nghề làm bánh nổ hơn 30 năm. Chọn nghề truyền thống để làm kinh tế từ thuở còn là thiếu nữ, đến nay, bà đã con cháu đuề huề.
Dulichgo
Cách đây chục năm, khi bánh truyền thống bị “chèn ép”, bà Thu tính đến chuyện bỏ làng, vào nam buôn bán. Nhưng rồi, cứ kiên trì bám trụ, bà Thu và nhiều gia đình khác ở làng bánh nổ Điền Trang lại có cơ hội mới.

Dần dần, khi thị trường bánh kẹo công nghiệp bị bão hoà. Người Quảng Ngãi lại lần trở về tìm kiếm hương vị xưa. Nhất là những người con xa xứ, khi họ không có điều kiện về quê thường xuyên, thì những món bánh dân gian giúp họ giữ được hồn quê bên mình.

Những ngày giáp Tết, gia đình bà Thu, mỗi ngày sản xuất hơn 100kg bánh. Bà Thu chia sẻ: Từ lâu, trên bàn thờ gia tiên của người Quảng Ngãi trong những ngày Tết luôn có bánh nổ hay bánh in, bánh mì xốp, bánh đậu xanh…Nên Tết đến, bánh nổ theo xe, tàu đi tới những nơi có người Quảng Ngãi sinh sống. Ngày nào bánh cũng không đủ chuyển đi, làm không hết việc.


< Các loại bánh quê làm từ gạo như bánh nổ, bánh tráng vẫn là thứ không thể thiếu trong các gia đình người Quảng Ngãi dịp Tết cổ truyền.

Ngoài bánh nổ, bánh tráng cũng là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Quảng. Vậy nên, hơn 20 hộ làm nghề tráng bánh ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) dù đã đẩy hết công suất, vẫn không cung ứng kịp cho thị trường Tết.
Dulichgo
Vẫn gắn bó với việc sản xuất ra món bánh quê hương, nhưng để đáp ứng kịp thị hiếu người tiêu dùng, nhiều lò bánh tráng đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp lò bánh tráng. Mọi công đoạn từ xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt.

Ngày thường, mỗi lò bánh chỉ sản xuất khoảng 10-20 kg gạo. Đến Tết, lò bánh tráng phải đỏ lửa liên tục từ 2-3 giờ sáng đến tận chiều tối hôm sau để pha chế và tráng 70-100kg gạo thành hàng nghìn chiếc bánh. Bánh vừa sản xuất ra lò, đã nhanh chóng được xếp gọn gàng và chuyển đi khắp nơi.


< Bánh nổ vừa ra lò đã được đóng gói và gửi đi phương xa qua các chuyến tàu, xe chạy ra bắc, vào nam.

Ông Vũ Bảo- chủ lò bánh tráng ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành chia sẻ, ngày thường lò có 2-3 người làm là đủ. Nhưng Tết phải thuê thêm nhân công gấp 3-4 lần. Theo ông, dù tráng không kịp bán nhưng các lò bánh ở đây không chạy theo số lượng mà luôn đặt chất lượng bánh lên hàng đầu. Từ việc chú ý pha chế nguyên liệu sao cho bánh ngon đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở từng công đoạn.
Dulichgo
“Làm nghề này, không bao giờ sợ ế. Vì ở đâu có người Quảng Ngãi thì ở đó người ta còn có nhu cầu dùng bánh tráng, nhất là những dịp lễ Tết. Vậy nên, phải làm chất lượng, thì người ta mới đặt hàng thường xuyên. Bánh làm từ gạo thôi, mà bao nhiêu lần đi nước ngoài rồi đó!”- ông Bảo cười khoe, tay vẫn không ngừng khuấy bột tráng bánh.

Quả thật chỉ là loại bánh quê, làm từ gạo mùa, nhưng trong đó, như ẩn chứa cả tấm lòng của người quê hương. Bởi vậy cho nên, nhiều người Quảng xa quê, khi được nhận những món bánh dân dã ấy, thì chẳng gì quý bằng.


< Tết đến, với những người con xứ Quảng xa quê,chẳng gì quý bằng những chiếc bánh truyền thống gửi từ quê hương.

Chị Đinh Ngọc Hoàng- một người con Quảng Ngãi đang định cư bên đất Canada xa xôi, năm nay lại không thể về ăn Tết cùng gia đình. Ăn Tết xa quê, với chị, Tết ấy chẳng thể vẹn tròn. Nhưng chị Hoàng cho rằng, mình vẫn còn may mắn, khi chị sắp được nhận quà bánh từ quê mẹ.

Chẳng có gì nhiều, chỉ là túi bánh thuẫn, bánh nổ, bánh mì xốp hay vài chục bánh tráng mỏng. Nhưng thứ quà quê ấy, có mặt cùng chị nơi đất khách quê người, hẳn là rất ý nghĩa.
Dulichgo
“Xa quê lâu năm, những món mình thèm nhất vẫn là các loại bánh truyền thống này thôi. Mẹ mình mỗi lần gửi bánh thì vất vả lắm. Phải gửi xe từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn, may có người quen từ Sài Gòn qua đây thì lại gửi nhờ. Nên hiếm hoi lắm, mình mới nhận được quà quê”- chị Hoàng bộc bạch.

Chỉ đơn giản là từ vật phẩm của cánh đồng làng, nhưng các loại bánh truyền thống lại có sức hút kỳ lạ. Đến nỗi, khi nhớ về nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nhiều người con xa quê vẫn chép miệng, thèm được cắn một miếng bánh quê, nhâm nhi cùng bình trà nóng. Vậy mà như nếm được mùi vị của Tết quê!

Theo Thanh Phương (Quảng Ngãi online)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Sống ảo tại vườn dâu tây lớn nhất miền Bắc

[tintuc]

(DTO) - Còn gì tuyệt hơn khi được check in trong vườn dâu tây rộng đến 6 ha, không những thế du khách còn được miễn phí vào vườn.

Vườn dâu vào chính vụ đỏ rực, từng chùm căng mọng, nhìn thôi cũng đủ mê!

Trang trại dâu tây lớn nhất miền Bắc có diện tích gần 6ha, thuộc Bản Áng 2 (xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La) ở đây trồng khoảng nhiều loại dâu tây nhưng chủ yếu hai loại dâu giống Hàn Quốc và Nhật Bản.

Dâu tây có tên tiếng anh là Fragaria hay còn gọi là dâu đất là một chi thực vật hạt kín và loài thực vật có hoa thuộc họ hoa hồng (Rosaceae) cho quả được nhiều người ưa chuộng.
Dulichgo
Dâu tây xuất xứ từ châu Mỹ và được các nhà làm vườn châu Âu cho lai tạo vào thế kỷ 18 để tạo nên giống dâu tây được trồng rộng rãi hiện nay.

Dâu tây được trồng lấy trái ở vùng ôn đới. Với mùi thơm hấp dẫn cùng vị dâu ngọt lẫn chua nên dâu tây được ưa chuộng. Ở Việt Nam, khí hậu mát mẻ của miền núi Mộc Châu và Đà Lạt là môi trường thích hợp với việc canh tác dâu nên loại trái cây này được xem là đặc sản của vùng cao nguyên này.

Dâu tây được trồng theo hai hình thức thủy canh và trồng trên đất.
Dulichgo
Trang trại có nhiều công nhân làm theo công nhật, hàng ngày tỉa lá, bỏ quả nhỏ để dành dinh dưỡng nuôi quả to, bắt sâu và bón phân từng gốc.

Dâu tây không những được trồng ngoài trời tự nhiên, ở đây dâu còn được trông trong mội trường nhà kính để đảm bảo được chất lượng tốt nhất.

Dâu tây ra quả quanh năm nhưng từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm sẽ cho năng suất cao nhất.

Toàn bộ cây dâu trong nàh kính được trang bị hệ thống tưới tiêu với thiết kế chống ngập úng.
Dulichgo
Cây được bón bằng các loại phân hữu cơ, vi sinh.

Dâu tây đườn trồng ở cao nguyên Mộc Châu hợp khí hậu nên quả có vị ngọt thanh và chua nhẹ.
Dulichgo
Khách du lịch vào vườn hoàn toàn không mất phí, và được tận tay hái dâu tây tươi ngon.

Khách du lịch sau khi hái dâu được đóng hộp và tính tiền theo kg.
Dulichgo
Một đôi bạn trẻ đang chụp ảnh lưu giữ những hình ảnh đẹp tại trang trại dâu tây lớn nhất Mộc Châu.

Theo Toàn Vũ (Dulich.Dantri)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Vườn quýt Lai Vung tấp nập khách dịp cận Tết

[tintuc]

(VNE) - Với giá 50.000 đồng, khách vào tham quan vườn quýt ở Lai Vung (Đồng Tháp) sau đó thưởng trái chứ không được hái.

Lai Vung, Đồng Tháp từ lâu được mệnh danh là "vương quốc quýt" ở miền Tây khi có gần 2.000 hecta đất trồng trái cây này.

"Hàng năm, vùng này cung cấp cho thị trường 20.000 - 40.000 tấn quýt", theo anh Dương Trọng, chủ một vườn quýt tại xã Long Hậu.

Quanh năm, các vườn quýt cũng là điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn khi có dịp ghé thăm đất Đồng Tháp. Từ thành phố Sa Đéc, du khách mất chưa đầy một giờ để đến các vườn.
Dulichgo
Theo anh Trọng, vườn quýt anh trồng từ năm 2012 nhưng bắt đầu làm du lịch từ giữa năm 2018. "Tôi đang định ra Tết sẽ tiếp tục xây lều, thả cá vào ao để khách có thêm trải nghiệm, sau đó sẽ làm thêm không gian cho khách ăn uống", chủ vườn này nói.

Mọi năm, khách đến chơi ở vườn thường thích thú khi nhìn quýt trĩu quả ở dọc hai bên lối đi. "Năm nay do thời tiết xấu, quýt chết xen kẽ trước khi thu hoạch. Sản lượng quýt bán ra cho thị trường Tết cũng giảm 1/3 so với những năm trước", anh chia sẻ.

Cùng một điều kiện chăm sóc nhưng chất lượng quýt năm nay cũng xấu hơn. "Vỏ quýt không được đẹp do ruồi, ong chích khi trái còn nhỏ. Trái khi chín bị lỗ nhiều", chủ vườn này chia sẻ.

Giáp Tết cũng là thời điểm quýt sai trái. Chính vì vậy, các vườn đón đông một lượng khách lớn từ các tỉnh TP HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long... Trời nắng chói chang nhưng nhiều du khách vẫn không ngại để ghé các vườn tham quan.
Dulichgo
Hiện tại một số chủ vườn ở Lai Vung đều tham gia hợp tác xã để làm du lịch. Khách vào thăm vườn sẽ mua vé với giá 50.000 đồng. "Giá này khách sẽ chỉ được tham quan, thưởng thức quýt sau khi thăm vườn. Lúc tham quan không được tự tay hái trái".

Nhiều vườn tạo tiểu cảnh cuộc sống đặc trưng của người miền Tây để du khách trải nghiệm như cầu khỉ dẫn lối vào trong. Chủ vườn còn đặt nhiều chiếc ghe để du khách có dịp ngồi chụp ảnh hoặc chèo xung quanh. Tất cả trải nghiệm này đã nằm trong giá vé vào tham quan.
Dulichgo
Theo anh Trọng, ngày thường vườn nhà của anh đón hơn 100 lượt khách, dịp cuối tuần tăng lên khoảng gấp 5 lần. Hiện khu vực xã Long Hậu có gần 5 vườn lớn đón khách du lịch. Gần đó là xã Tân Phước, Tân Thành cũng có nhiều chủ vườn làm du lịch nhưng quy mô nhỏ hơn.

Cô Kim Tuyến (du khách Cần Thơ) đang đi du lịch Đồng Tháp cùng đoàn trong ngày. "Dù sống ở miền Tây, tôi rất thích không khí ở đây. Vườn rất rộng. Chủ vườn rất tinh tế khi làm mái che nắng cho khách đi vào trong", cô Tuyến nói.

"Chúng mình chạy xe máy từ Cần Thơ đến đây mất hơn 2 tiếng. Không gian thoáng đãng, quýt rất ngon", một nữ du khách lần đầu đến Đồng Tháp nói.
Dulichgo
Ở phía ngoài cổng vào tham quan, nhiều người dân mang quýt ra bày bán để khách mua về làm quà.

Quýt hiện có giá từ 35.000 đồng một kg. Khách được thử tại chỗ trước khi mua.

Theo Phong Vinh (Vnexpress)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết''

[tintuc]

(DTO) - Chỉ còn nữa tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các làng nghề truyền thống xứ Quảng những ngày này nhộn nhịp hơn hẳn. Không khí sản xuất tất bật, khẩn trương len lỏi vào từng mái nhà, ngách ngõ.

+ Nghề làm tượng ông Công, ông Táo (Làng gốm Thanh Hà-Hội An)

Nếu một lần ghé qua Hội An - Quảng Nam, bạn không thể bỏ qua làng nghề cổ truyền này. Làng Thanh Hà đã tồn tại từ trước triều Nguyễn có lịch sử gần 500 năm.
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2019, không khí sản xuất như rộn ràng hơn hẳn. Đặc biệt đây còn là nơi ra đời của hàng ngàn tượng ông Công, ông Táo sẽ có mặt trên mâm cúng 23 tháng Chạp của gia đình người Việt trên khắp mọi miền.

Bởi vậy, bắt đầu từ tháng 11 hàng năm, những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà lại bắt đầu nổi lửa làm tượng.
Dulichgo
Theo những người thợ làm tượng, để làm ra một tượng Táo quân đẹp mắt và đạt chất lượng, người thợ phải tỉ mỉ từng công đoạn: nhồi đất cho nhuyễn, phơi khô phải đủ 2-3 nắng hoặc sấy, nung 3 ngày 3 đêm, sau đó đợi 2 ngày cho tượng nguội rồi sơn tượng…

Tượng Táo quân được bán với giá từ 1.500-2.000 đồng/tượng tùy theo loại. Cứ mỗi dịp cận Tết cổ truyền của dân tộc, các gia đình làm nghề ở Thanh Hà sản xuất khoảng từ 30-60.000 tượng để cung ứng ra thị trường.

+ Làng nghề trồng rau truyền thống Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An)

Những ngày này, người trồng rau tại làng rau Trà Quế (Hội An) đang tất bật chăm sóc, vun bón những luống rau để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp đến.

Làng rau Trà Quế gần 500 năm tuổi nối tiếng với chất lượng rau sạch rộn ràng vào vụ cung ứng thị trường Tết

Rau sử dụng hóa chất độc hại hiện đang là nỗi lo cho người tiêu dùng cả nước. Trong khi nhiều nơi dự án rau sạch VietGap bị phá sản, người trồng rau sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu tràn lan thì rau ở làng rau Trà Quế không chỉ nổi tiếng có hương vị riêng mà còn sạch đúng nghĩa. Những ngày cuối năm, lượng rau ở đây không đủ để cung ứng ra thị trường.

Bình quân mỗi ngày, nông dân Trà Quế thu hoạch hơn 2 tấn rau. Nhưng vào thời điểm cuối năm, nhu cầu rau tăng cao, lượng rau cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn. Năm nay, thời tiết thất thường, sản lượng rau có giảm nhưng giá rau sạch liên tục tăng khiến người dân trồng rau rất phấn khởi.
Dulichgo
+ Làng chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh-Duy Xuyên)

Nằm trên một doi đất dài giữa hai dòng sông Thu Bồn và Bà Rén, không chỉ là làng nghề truyền thống, từ lâu chiếu Bàn Thạch giống như kho tư liệu sống tạo nên không gian văn hóa làng Việt thu hút khách đến tham quan, thưởng lãm.

Những ngày cận Tết, đơn đặt hàng nhiều nên công việc sản xuất và buôn bán chiếu như tất bật hơn hẳn. Nhiều người làm nghề phải thức đến khuya để kịp hoàn thành sản phẩm giao cho khách.

Ngay từ đầu tháng Chạp, trên những con đường vào các thôn đều có những cây cói được nhuộm màu sắc sặc sỡ, phơi khắp nơi. “Sau đợt mưa lớn gây lũ lụt vừa qua, mấy sào rau đậu bị hư mất rồi, giờ chỉ trông vào cái này thôi. Nếu cố gắng làm thì một ngày kiếm được vài trăm. Mỗi chiếc chiếu thành phẩm tùy theo kích thước giá dao động 60.000-120.000 đồng/chiếc. Nếu chăm chỉ thì ngày có thể làm 2-4 chiếc” – bà Trần Thị Liên (51 tuổi, thôn Vĩnh Nam) cho hay.
Dulichgo
Còn ông Lê Văn Hoàng (người làm chiếu tại Bàn Thạch) cho biết: “Nghề dệt chiếu ở Bàn Thạch hiện nay phát triển cũng khá mạnh, xuất đi nhiều nơi, hằng năm đến ngày 10 tháng Chạp, người dân Bàn Thạch lại đưa chiếu làng mình vào Tam Kỳ để dự triển lãm làng nghề”.

+ Làng nhang Quán Hương (Hà Lam, Thăng Bình)

Xong vụ mùa, nhiều nông dân ở làng Quán Hương lại bày biện đồ để làm hương cung cấp cho thị trường Tết.

Theo ông Phan Tiến Dũng (hơn 48 tuổi), cây hương mang thương hiệu Quán Hương được người dùng ưa chuộng là do được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Với hương quế nguyên liệu chủ yếu gồm: bột quế được mua từ vùng Tiên Phước, Trà My nổi tiếng, bột mùn cưa.

Đặc biệt, người thợ làm hương tại làng nghề thường sử dụng chất kết dính giữa các loại bột là một loại keo bột tự nhiên nên cây hương thơm lâu mà không độc hại. Trong khi đó, chông hương được làm từ loại tre vàng có độ dẻo nên cây hương có độ bền cao. Nếu đủ nắng, chỉ cần phơi liên tục và đảo đều tay trong vòng 4 giờ là hương vừa khô.

Cả năm, Quán Hương xuất ra khoảng 700 tấn hương đến thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị… Hương của làng nghề có khi lên tận Tây nguyên và được xuất sang Lào…

+ Làng bánh in truyền thống An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên)

Gần đến Tết cổ truyền, làng bánh in truyền thống An Lạc lại nhộn nhịp với những mẻ bánh in, bánh da dẻo… thơm ngon nức mũi.
Dulichgo
Cả làng An Lạc hiện có hơn 20 hộ làm nghề bánh in, chưa kể có những hộ dịp Tết nông nhàn, tranh thủ hoặc nhận gia công cho các cơ sở sản xuất lớn, hoặc tự làm để bán lẻ kiếm thêm thu nhập.

Đến với thôn An Lạc trong dịp cận Tết Nguyên đán, bạn có thể lắng nghe những tiếng gõ lốc cốc của người thợ luôn tay đổ bánh ra khỏi khuôn, tiếng máy xay bột chạy ầm ầm và đặc biệt là mùi thơm quyến rũ, hấp dẫn của nếp mới, đậu xanh…

Những ngày cận Tết, cả gia đình ông Nguyễn Mật cũng phải huy động hết năng suất để kịp giao bánh theo đơn đặt hàng. Tết năm nay, cơ sở của ông Mật sẽ sản xuất hơn 1,5 tấn bánh để bỏ mối cho bạn hàng.

+ Làng nghề làm chổi Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên)

Với gần 50% hộ dân làm nghề chổi đót, cả thôn có gần 15 cơ sở sản xuất với số lượng công nhân trung bình từ 10-20 người mỗi cơ sở; nghề làm chổi đã trở thành một trong những nghề mang lại kế sinh nhai cho người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống.
Dulichgo
Trước đây, chổi đót là sản phẩm chính của làng Chiêm Sơn, nhưng hiện nay để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân đã sản xuất thêm nhiều mẫu mã như chổi cán gỗ, cán nhựa, cán đót... được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn - Tổ trưởng tổ sản xuất làng nghề cũng là chủ cơ sở ươm tơ và chổi đót thôn Chiêm Sơn - cho biết: “Chúng tôi làm chổi quanh năm, nhưng tiêu thụ mạnh nhất thường vào cuối năm.

Chổi được xuất đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ gia đình trong làng. Mỗi năm, người làng chổi Chiêm Sơn lại mang sản phẩm đến hội chợ làng nghề để quảng bá cho người dân khắp nơi”.

Theo C.Bính-N.Linh (Dulich.Dantri)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Phản hồi của bạn