Lễ hội

Hiển thị các bài đăng có nhãn Lễ hội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lễ hội. Hiển thị tất cả bài đăng

Rộn rã lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai

[tintuc]

(DVO) - Trong 3 ngày từ mùng 5 đến mùng 7 Tết, lễ hội Gầu Tào của người Mông đã được tổ chức ở thôn Ngài Ma, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mông, với những nghi thức, hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, thể dục - thể thao đậm đà truyền thống bản sắc dân tộc.

Lễ hội đã thu hút đông đảo bà con dân tộc Mông các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “địa điểm chơi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau cùng tổ chức.
Dulichgo
Hiện nay, một số xã đã đứng ra tổ chức lễ hội này với quy mô lớn và coi như một lễ hội thường niên của địa phương.

Lễ hội được tiến hành vào tháng Giêng hàng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Mỗi năm người ta trồng một cây nêu để gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc.

Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp.
Dulichgo
Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.

Khi thấy cây nêu cao giữa bãi đồi Hầu Tào, mọi người trong vùng biết năm ấy có hội Gầu Tào. Không khí lễ hội từ đó bắt đầu nhộn nhịp, mọi người thông tin cho nhau ở chợ, ở trên đường, trong xóm… về lễ Gầu Tào và tập luyện để chơi hội Gầu Tào.

Mọi người dự hội đều có thể vào hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi như đá bóng, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào…

Người thạo múa khèn sẽ luyện lại các bài khèn, giọng khèn, động tác múa khèn và chỉ bảo cho con cháu cùng luyện tập.
Dulichgo
Ngày hội này cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, vui chơi cùng chúng bạn, gặp gỡ người yêu… để bộc bạch tình cảm qua những bài hát mà thường ngày họ không thể thổ lộ.

Cây mía được bày bán nhiều ở lễ hội Gầu Tào. Theo quan niệm của người Mông, vị ngọt của mía tượng trưng cho vị ngọt của cuộc sống với những điều may mắn, tốt đẹp.
Dulichgo
Những dóng mía có thể dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới để sum vầy cùng con cháu trong những ngày đầu tiên đầy ý nghĩa của năm.

Trong các lễ hội ở vùng cao, không thể không kể đến không gian ẩm thực với các món ăn đặc sắc như phở chua, mèn mén, thắng cố, bánh dày... thêm một ly rượu ngô nồng ấm đậm đà phong vị vùng cao.

Một em bé Mông thích thú với kem chiếc kem que mát lạnh của mình. Trong 3 ngày lễ hội Gầu Tào diễn ra, thời tiết nắng nóng khiến những loại đồ ăn lạnh trở nên đắt khách.
Dulichgo
Phụ nữ Mông xem hội. Nụ cười của các em nhỏ khi theo mẹ đi tham gia lễ hội.

Theo Quỳnh Nguyễn (Dân Việt)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

'Tướng bà' hội đền Gióng được bảo vệ nghiêm ngặt

[tintuc]

(Zing) - Hoa tre, "Tướng bà" được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt buổi lễ để tránh tình trạng tranh cướp tại hội Gióng sáng 10/2.

Lễ hội đền Gióng 2019 (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn đầy đủ nghi thức rước lễ, dâng hoa tre nhưng năm nay được đổi mới và bảo vệ nghiêm ngặt nên cảnh tranh cướp không còn nữa.

Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) khai mạc sáng 10/2 (mùng 6 tháng Giêng). Đây là năm thứ 2 lễ hội thắt chặt an ninh, không để tình hướng tranh cướp xảy ra. Các đoàn rước giỏ hoa tre, giỏ trầu cau đều đặt lễ ở đền Thượng, không rước xuống đền Mẫu và đền Hạ.

Nhiều người cho rằng cướp được hoa tre sẽ mang đến may mắn cho bản thân, gia đình trong năm tới và là một nét đẹp của lễ hội. Vì thế, khi bỏ tục lệ này sẽ làm giảm không khí của lễ hội.

Sau khi làm lễ ở đền Thượng, hai lễ hoa tre được che kín để mang đến đền Hạ. Giỏ hoa tre còn lại được đặt tại đền Thượng.

Trên đường xuống đền Hạ, lễ hoa tre được nhiều người đi xung quanh bảo vệ.

Phần lớn du khách được yêu cầu di chuyển ra ngoài khu vực hành lễ, nhiều người vẫn cố nán lại khiến đoàn rước phải dùng thanh tre chắn, đề phòng tình trạng xô đẩy, tranh cướp.

Đoàn rước giỏ trầu cau rước kiệu không sau khi làm lễ.

Trong các kiệu rước, kiệu có “Tướng bà” được đưa từ đình làng Yên Tàng (xã Bắc Phú) là quan trọng nhất.

Kiệu "Tướng bà" thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Nhiều người mừng tuổi cho “Tướng bà”, vừa cầu may trong năm mới.

Năm nay, em Nguyễn Thùy Linh (11 tuổi) được chọn đóng vai “Tướng bà”. Người được lựa chọn là những bé gái 9-12 tuổi, xuất thân trong gia đình văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mặt sáng sủa, ưa nhìn.

Hết buổi lễ, "Tướng bà" Thùy Linh được đưa ra ôtô trở về gia đình. Lúc này, "Tướng bà" vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh nguy cơ bị "bắt cóc" bất cứ lúc nào.

Những gia đình có con cháu được ngồi trên kiệu là niềm vinh dự của cả dòng tộc.

Lễ hội đền Gióng thu hút hàng trăm người tham dự. Lễ hội kéo dài hết tháng Giêng.

Theo Quỳnh Trang (Zing News)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Sôi động lễ hội đu tiên làng Gia Viên

[tintuc]

(TN&MT) - Lễ hội đu tiên truyền thống tại Thừa Thiên Huế được giữ gìn hàng trăm năm qua, nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Vào mùng 4 Tết Kỷ Hợi (8/2), hàng nghìn người dân và du khách gần xa đã đổ về làng Gia Viên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) để xem lễ hội đu tiên truyền thống.

Theo các vị bô lão trong làng, đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của vùng quê ven sông Bồ được người dân bảo tồn, gìn giữ trong suốt hơn 150 năm qua; cũng là trò chơi phổ biến trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc tại Thừa Thiên Huế.

Để chuẩn bị cho lễ hội đu truyền thống, từ trước Tết, Ban tổ chức đã dựng sẵn hai cây tre già rất thẳng và có độ dẻo dai cao, ở trên có gắn cờ hội bay phấp phới, ở giữa có buộc dây thừng để người chơi có thể đu cao nhất có thể. Người chơi lên giá đu được trang bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Theo phong tục bấy lâu nay của thôn Gia Viên, hội đu chỉ dành cho nam giới. Năm nay thu hút 30 chàng trai khỏe mạnh đến từ trong và ngoài địa phương dự thi. Các thí sinh được bốc thăm theo số thứ tự từ 1 đến 30 và sẽ thi theo hình thức đấu loại trực tiếp.
Dulichgo
Mở đầu hội đu, một bô lão uy tín của làng Gia Viên bận áo dài khăn đóng đánh trống và thực hiện các nghi lễ truyền thống, sau đó lên giá đu để mở màn ngày hội. Tiếp đến là phần tranh tài quyết liệt và đẹp mắt của các nam thanh niên khỏe mạnh trong tiếng reo hò, cổ vũ hết sức nhiệt tình của người dân trong làng và du khách dưới cái nắng đầu xuân.

Ngoài việc phải đu cho thật cao, người chơi còn phải nhún sao cho đẹp mắt, phải tạo đà sao cho đu càng cao càng tốt. Tay của người chơi chạm cờ đỏ thì đó là người chiến thắng và chuyển sang tranh tài ở giải khác.

Có 5 giải được trao cho 5 người có thành tích thi đấu xuất sắc nhất, bao gồm giải cúng, nhất, nhì, ba và cuối cùng là giải phá. Giải cúng là giải được trao cho người đầu tiên đu cao nhất và chạm tay vào được lá cờ trên đỉnh đu. Giải phá là giải cuối cùng được trao cho người giật được cờ ra khỏi đỉnh đu.
Dulichgo
Có mặt ở lễ hội từ rất sớm, ông Nguyễn Minh (thị trấn Sịa) vui vẻ nói: “Năm nào tôi cũng đến đây xem. Các vận động viên đã phô diễn những thế đu trên cao rất đẹp và bắt mắt, thời tiết lại nắng ráo thì hội đu sẽ thu hút rất nhiều người tham gia”.

“Em đã nhiều lần tham gia hội đu này. Năm nay em rất vui vì đã nỗ lực hết mình và giành được giải cúng. Hy vọng nó sẽ mang lại nhiều may mắn cho em trong năm mới Kỷ Hợi này”- em Bùi Mạnh Điền, một thí sinh chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Trần Đức Thiện - Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, hội đu Gia Viên là một lễ hội văn hóa tốt đẹp cần được duy trì nên hằng năm, địa phương luôn tổ chức để rèn luyện những vận động viên trẻ, khỏe qua đó bảo tồn trò chơi truyền thống ...

“Không chỉ tạo không khí phấn khởi trong những ngày đầu xuân mới, qua hội đu, bà con nhân dân cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bên cạnh đó thắt chặt tinh thần đoàn kết của con dân trong làng để cùng nhau góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…”- ông Thiện nói.
Dulichgo
Được biết, ngoài làng Gia Viên, lễ hội đu tiên vẫn được lưu giữ và tái hiện nhiều ở làng khác ở Thừa Thiên Huế như Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Điền Hòa (huyện Phong Điền)... trong những ngày Tết cổ truyền; với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau.

Theo Sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)…, mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. ”

Như vậy, từ thế kỷ 12 đã ghi nhận sự thịnh hành của trò chơi dân gian này, qua đó cũng thấy được sự hoà nhập hết sức tự nhiên của đánh đu trong cuộc sống và lễ hội của người Việt.

Có nhiều loại hình thức và cách thức đánh đu, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất là đánh đu đôi hay còn gọi là đu tiên. Theo đó, từng cặp hai người sẽ lên so tài đánh đu sao cho đẹp mắt và nhún bay lên một tầm nhất định để được tán thưởng. Nhún đu cũng là một cách sinh hoạt để đôi lứa tìm nhau và trao nhau những điều khó nói qua ánh mắt bàn tay.

Hình ảnh tà áo nhiều màu sắc bay cùng cần đu đưa lên vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ của người xem thực sự trở thành một nét đặc trưng của các lễ hội; hình tượng phất phơ như tiên bay lượn trong gió, nên gọi là đu tiên.
Dulichgo
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có bài thơ Đánh đu, nói về mùa Xuân thông qua trò chơi dân gian truyền thống:

“Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá!
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”.

Trò chơi dân gian ngày xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí, mà đằng sau còn có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩ nhân văn, là món ăn tinh thần của người dân Việt. Là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng dân gian Việt Nam.

Theo Thanh Hải - Văn Dinh (Tài Nguyên & Môi Trường)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Tết vui ở Cồn Sơn

[tintuc]

(TNO) - Từ một “ốc đảo” biệt lập với đất liền, cuộc sống của người dân cồn Sơn đã thay đổi nhanh chóng nhờ phát triển du lịch cộng đồng. Xuân này, nhà nhà trên cồn đều đón một cái Tết sung túc hơn hẳn những năm trước.

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, từng đoàn du khách vẫn kéo đến cồn Sơn để tham quan, tận hưởng những ngày nghỉ ở cù lao yên bình nhất thuộc Q.Bình Thuỷ (TP.Cần Thơ). Những nhà vườn như Năm Minh, Bảy Muôn, Năm Phước, Út Hiện, Sáu Cứng, Thành Tâm… vừa sửa soạn cho ngày tết cổ truyền vừa đón khách như người thân ở xa trở về. Niềm nở, chân tình, giản dị, mộc mạc như chính tính cách của người dân xứ cù lao.

Đổi thay xứ cù lao

Tiễn đoàn khách tham quan hơn 20 người, bà Lê Thị Mỹ Luông, 51 tuổi, chủ nhà vườn Năm Minh, một nghệ nhân đổ bánh xèo ngon nức tiếng ở cồn Sơn, mới có thời gian trò chuyện cùng chúng tôi. Bên căn nhà khá khang trang, những cây mai, vạn thọ đã bung hoa vàng rực. Nhìn cơ ngơi này, ít tai có thể nghĩ, hơn 2 năm trước, bà Luông phải đi cắt cỏ, rửa chén thuê trong xóm; còn ông Năm Minh chồng bà cũng phải bươn chải làm đủ nghề để nuôi gia đình.
Dulichgo
Ông Minh và bà Luông có hai con trai, sinh kế trông cả vào 3,2 công đất (3.200 m2) trồng nhãn da bò. Năm nào trúng mùa thì cũng tạm, nhưng thất mùa, gia cảnh lại khốn khó. Người con lớn phải nghỉ học đi làm công nhân đóng tàu phụ giúp gia đình.

Tới tháng 6.2016, bà Luông tham gia Câu lạc bộ liên thế hệ hỗ trợ nhau làm du lịch cộng đồng ở cồn Sơn, cuộc sống gia đình bà Luông đã thay đổi hoàn toàn.

“Bây giờ, tôi đổ bánh xèo, bánh khọt phục vụ khách, ổng thì làm vườn, tới mùa cho khách tham quan. Đứa con trai tôi nghỉ làm công nhân về làm hướng dẫn viên du lịch địa phương, thu nhập cũng ổn định hơn rất nhiều so với làm công nhân khi xưa”, bà Luông kể.
Dulichgo
Cả gia đình bà Luông đều có việc làm, tiền vô mỗi ngày. Còn vườn nhãn trước đây phụ thuộc vào thương lái, tới mùa thu hoạch chỉ bán được với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, thì giờ bán giá ổn định 15.000 - 20.000 đồng/kg. Chưa kể vào vụ, phí thăm vườn cứ 15.000 đồng/lượt khách đang mang lại cho gia đình bà Luông một nguồn thu kha khá.

Đi qua vườn nhãn Năm Minh sẽ tới vườn vú sữa cô Sáu Cứng đang cho trái trĩu cành. Cô Sáu Cứng tên thật là Nguyễn Thị Năm cho biết, mùa tết này vườn vú sữa của bà thu được khoảng 7,5 tấn với giá ổn định 35.000 đồng/kg. Khách ăn đến đâu lại hái bán đến đó.
Dulichgo
Qua hết vườn vú sữa bà Sáu Cứng, là nhà vườn chôm chôm của Năm Phước - chủ nhà vườn Song Khánh. Đứng dưới gian bếp, vừa hướng dẫn con gái đổ rau câu, bà Năm Phước vừa khoe mới sắm được một chiếc ti vi thông minh khá to để Tết này cả nhà xem các chương trình giải trí. Trên bếp nồi thịt kho hột vịt cũng đang đỏ lửa để sửa soạn cho mâm cơm cúng tổ tiên ngày 30 Tết.

“Ra tết, tôi sẽ mở rộng thêm không gian để phục vụ khách tốt hơn và đặc biệt sẽ làm thêm một khu dành cho khách ở homestay”, bà Năm Phước nói.

Bán... cảm xúc ngày Tết

Câu lạc bộ liên thế hệ hỗ trợ nhau làm du lịch cồn Sơn có 17 hộ thành viên thường xuyên, và 20 hộ liên kết theo mùa vụ, tức tới mùa trái cây mới cùng tham gia phục vụ du khách.
Cái hay của câu lạc bộ là mỗi gia đình sẽ làm một vài món đặc trưng riêng, rồi cùng liên kết với nhau để phục vụ khách. Một mâm cơm của khách nhưng là sản phẩm ẩm thực của 5 - 6 nhà vườn. Còn hướng dẫn viên sẽ chính là những người con của đất cồn.
Dulichgo
Trên cồn Sơn, nói đến bánh xèo, bánh khọt ắt hẳn là đặc sản của nhà Năm Minh. Bánh kẹp cuốn, bánh lá mít, nước mắm đồng cồn Sơn là nhà Bảy Muôn. Bánh tét Út Hiện; cá tai tượng nướng lá sen là nhà Năm Phước; cá lóc nướng, lẩu mắm là nhà Phương My; lẩu ếch đồng nhà Chín Nhỏ; canh chua Thanh Nhàn; nước ép ổi, rượu ổi Thành Tâm…

Thật khó tin khi chỉ trong chưa đầy 3 năm gầy dựng, phát triển du lịch cộng đồng, những người nông dân cồn Sơn đã đứng ra ký kết hợp tác với 25 công ty du lịch lữ hành trên cả nước… Giờ đây, mỗi ngày, những doanh nghiệp du lịch tên tuổi như Vietravel, Saigontourist, Canthotourist, Lửa Việt, Nụ Cười Mekong… đều đưa khách thường xuyên và ổn định đến với bà con cồn Sơn.

Chị Lê Thị Bé Bảy, cán bộ Q.Bình Thuỷ, người đầu tiên được cử qua cồn Sơn hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng từ năm 2015, kể chị cùng với các đoàn viên thanh niên của quận qua cồn Sơn hướng dẫn người dân làm du lịch. Lúc đầu ai cũng bỡ ngỡ nhưng cho đến năm 2016, đời sống người dân bắt đầu khởi sắc thấy rõ. Kinh tế phát triển, người dân có việc làm thường xuyên. Có những gia đình có con ở xa thì không còn phải đi làm thuê xa nữa, mà về đây cùng giúp gia đình.
Dulichgo
“Điều tôi thấy thành công nhất là bây giờ ý thức bảo vệ cảnh quan cũng như dọn dẹp nhà cửa làm sao phù hợp với cái gu miệt vườn của người dân đã được nâng lên đáng kể. Người dân biết làm thế nào bảo vệ môi trường chung cùng làm du lịch, tự hướng dẫn nhau. Đặc biệt đi đôi với phát triển kinh tế, đó là sự bền vững về môi trường sinh thái”, chị Bé Bảy cho biết.

Là người từng đến du lịch cồn Sơn đầu tiên, du khách Phạm Quỳnh Giao (ngụ Cần Thơ), cho biết, mọi thứ từ cơ sở vật chất ở các nhà vườn đã chỉnh chu hơn, nhưng cái ấn tượng nhất với du khách khi tới đây đó là tình cảm của người dân đất cù lao.
“Họ vẫn tình cảm, chân thành, mộc mạc, ấm áp như thuở nào, như đặc tính vốn có của con người xứ cù lao quanh năm xanh mướt này”, Quỳnh Giao nói.
Dulichgo
Cũng theo chị Bé Bảy, khách đến cồn Sơn những ngày Tết có rất nhiều người là kiều bào và khách quốc tế. Rất dễ để cảm nhận, giá trị đặc sắc nhất của cồn Sơn những ngày Tết đó là “bán cảm xúc” cho du khách.

“Du khách về đây tìm lại không gian Tết của miệt vườn Nam bộ xưa, tìm lại không gian gia đình xưa cùng với các hộ dân. Du khách hòa mình với những phong tục ngày tết của Nam bộ như những thành viên trong gia đình bản địa”, chị Bé Bảy nói.

Chia tay những vị khách về lại thành phố, bà Năm Phước bịn rịn như chia xa người thân. Du khách nắm tay người nông dân làm du lịch cồn Sơn gửi nhau những lời chúc sức khoẻ, thành công trong một năm mới, và hẹn một ngày không xa sẽ trở lại xứ cù lao hồn hậu, bình yên.

Theo Đình Tuyển (Thanh Niên)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Xem mâm ngũ quả 3 miền ngày Tết

[tintuc]

(VTV) - Theo quan niệm của người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Theo chuyên gia phong thủy Nhật Minh (CLB Phong thủy Thăng Long), mâm ngũ quả là phần không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết, với ý nghĩa tượng trưng cho số 5, đại diện cho “ngũ hành” kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, đại diện cho “ngũ thường”: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín”. Theo đó, người ta sẽ chọn 5 loại trái cây có bố cục và màu sắc hợp lý để bày biện cho đẹp mắt.

Với mâm ngũ quả ở miền Bắc, chuối và bưởi là không thể thiếu vì nó tượng trưng cho vuông -tròn, âm - dương. Tuy là 5 thứ quả, những cũng không nên tùy tiện, các thứ quả được lựa chọn phải tròn trịa, có hương, có sắc. Tránh những thứ quả có gai, có lá sắc để không mang sát khí, hoặc những quả có mùi thơm không thuần phác như dứa, mít, sầu riêng…

Ngoài mâm ngũ quả, trên bàn thờ có thể đặt thêm đĩa trầu cau, chén nước, và các loại bánh trái, vật thực khác.

Tùy theo phong tục tập quán từng vùng miền cũng như sự đa dạng về các loại hoa quả mà bày biện mâm quả ngày Tết cũng có sự khác nhau.
Dulichgo
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc

Mâm ngũ quả Tết miền Bắc thường gồm các loại trái cây sau: chuối, dưa hấu (màu xanh); bưởi, phật thủ, cam, quýt hoặc quất (màu vàng); hồng, ớt hoặc táo tây (màu đỏ); đào hoặc lê (màu trắng); mận hoặc nho (màu đen) với những màu sắc khác nhau và mang những ý nghĩa riêng biệt.

Cách bày biện thường là nải chuối được đặt ở dưới cùng, trên nải chuối để quả bưởi ở giữa và xung quanh xếp xen kẽ các loại trái cây khác.

Trong mâm ngũ quả miền Bắc, chuối hay phật thủ thể hiện sự che chở của trời đất thiên nhiên cho con người và gia đình sum vầy, đầm ấm, quây quần bên nhau. Ớt, táo tây thể hiện sự may mắn; cam, quýt, quất, hồng thể hiện tài lộc, phú quý còn quả lê, đào tượng trưng cho sự thăng tiến, thành đạt.
Dulichgo
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Trung

Mâm ngũ quả miền Trung hầu như không kiêng kỵ loại quả nào, kể cả về hương vị, màu sắc lẫn tên gọi miễn sao đảm bảo tươi ngon và quan trọng là tấm lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.

Tại các tỉnh miền Trung, mâm ngũ quả thường bao gồm thanh long, dưa hấu, xoài, bưởi, nho, táo, cam, lê, mãng cầu, dứa, chuối xanh,... khéo léo điểm thêm những bông cúc vàng xung quanh và đặt thêm hai quả dưa hấu hai bên, tạo dáng cho mâm ngũ quả.
Dulichgo
Cách bài trí đơn giản, không quá cầu kỳ, qua đó cũng thể hiện phần nào tính cách chân chất của người dân nơi đây.

Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Nam

Người miền Nam thường lựa chọn 5 loại quả tiêu biểu: mãng cầu, dừa, đu đủ, quả sung và xoài theo câu "cầu sung vừa đủ xài" với mong ước cuộc sống luôn đầy đủ, sung túc, bình an. Ngoài ra, người miền Nam còn bày thêm 3 trái thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy đàn và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu mong may mắn.
Dulichgo
Một điểm khác biệt nữa phải kể đến là người miền Nam thường kiêng một số loại quả không bày trên mâm cúng do tên gọi của chúng, như chuối đọc gần giống "chúi" làm ăn không phát lên được; táo đọc là bom khiến công việc đổ bể, làm ăn thất bại; hoặc lê thì được quan niệm là lê lết, cam hiểu theo nghĩa cam chịu...

Tuy mâm ngũ quả mỗi miền có khác nhau nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới hạnh phúc, đủ đầy.

Theo Dulich.vn
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Đặc sắc Tết của người M’Nông

[tintuc]

(BBP) - Người M’Nông xuất hiện sớm nhất ở Tây Nguyên đến nay còn bảo lưu được nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc. Kết thúc mùa trồng trỉa, người M’Nông bắt đầu tổ chức đón Tết.

Người M'Nông thay đổi cách nghĩ, cách làm Niềm tự hào của người M'nông ở Quảng Trực.

Rất sớm, người M’Nông chuẩn bị đón Tết từ đầu tháng 9, tháng 10 âm lịch. Tết là dịp hội họp chung vui của cả buôn làng, những người đi xa cũng hối hả trở về sum họp với gia đình. Đường sá trong buôn làng được thanh niên dọn dẹp, sửa sang. Mọi nhà đều trang hoàng rực rỡ, chuẩn bị mổ heo, gà, một số gia đình giàu có còn mổ cả bò. Sau khi cất nông cụ được đưa vào kho, ngày 24 - 25 tháng Chạp, buôn làng bắt đầu vui chơi. Họ ăn Tết cho đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, rồi mới bắt đầu lên nương rẫy sản xuất.

Trong nhà, người M’Nông coi trọng cái bếp nhất. Vì thế, những ngày Tết phải giữ bếp lửa luôn nồng ấm, tuyệt đối không để lửa tắt, cũng không cho người khác xin lửa. Các món ăn cổ truyền M’Nông hầu hết đều nấu nướng trực tiếp trên lửa than hồng. Theo kinh nghiệm, để có các món nướng ngon, phải dùng bếp củi đun bằng rễ cây, lửa than đỏ đều.
Dulichgo
Giữ cho ngọn lửa cháy đều là một kinh nghiệm của người đầu bếp giỏi, không nhen lửa quá mạnh hay quá yếu, vì sẽ làm món ăn chín không đều, nhiễm mùi khói. Đối với người M’Nông, những nồi đồng, mâm đồng, chiêng đồng không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn là tài sản gia đình; nên ngày thường, họ nấu nướng trong nồi niêu bằng nhôm hay đất; ngày Tết, họ mới đem đồ đồng ra sử dụng.

Ngày Tết của người M’Nông không thể thiếu rượu đãi khách đến nhà. Rượu tết được nấu bằng thứ nếp ngon nhất, không nấu gạo tẻ hay ngô, sắn như ngày thường. Để nhắm rượu ngày Tết, người M’Nông làm nhiều món thịt gà nướng, luộc; món cà đắng nấu lòng bò, gỏi đọt măng rừng, hay đánh tiết canh (dùng phèo lấy từ ruột heo đem băm sống và trộn với huyết). Ngoài ra, còn các món nướng khác như thịt heo băm nhỏ trộn với muối đựng trong ống tre rồi nướng; món thịt heo trộn với ruột non, gan, ruột già hỗn hợp đựng trong ống tre hoặc món gan và lá sách heo thái từng miếng nhỏ xiên vào que tre đem nướng.

Ngày Tết, người M’Nông đặt các thức nhắm rượu trên lá chuối hột rừng (người Kinh gọi là chuối chát), hoặc trên mâm đồng hay trong một chiếc rá (rổ) để chủ và khách vừa nhắm rượu, vừa chuyện trò. Ngày Tết, các món ăn của người M'Nông không những đẹp mắt, ngon miệng, mà tất cả còn phải thể hiện đúng phong vị ẩm thực cổ truyền của họ, từ cách chế biến đến cách trưng bày, thết đãi theo truyền thống dân tộc.

Các món ăn ngày Tết của người M'Nông tiêu biểu nhất là "canh thụt". Đây là món ăn độc đáo, mang đậm hương vị núi rừng, với các nguyên liệu khó kiếm như lá bép, đọt mây, ớt và cà đắng. Phụ gia gồm có cá khô, sườn heo, mì chính, muối.
Dulichgo
Trước khi nấu, đàn ông vào rừng chọn một cây lồ ô có lóng dài, không già cũng không quá non, đem về cưa ra từng khúc 0,5 mét. Sau đó, phụ nữ M’Nông cho tất cả nguyên liệu vào ống lồ ô, gác lên bếp lửa, nấu. Khi nấu, thỉnh thoảng phải cầm một chiếc que dài thụt vào ống, để cho các thành phần của món canh chín đều, vì thế mới có tên là "canh thụt".

Món độc đáo thứ hai là canh "biăp pu". Nguyên liệu chính để nấu canh gồm có lá bép, bột gạo, vỏ chuối khô, thịt lợn, cá suối... Hái lá bép còn tươi, càng già càng tốt, về bỏ vào cối giã. Gạo đem ngâm nước lã một đêm trước, bỏ vào cối giã chung với lá nhao (lá bép khô, người M’Nông cất trên gác bếp).
Dulichgo
Tất cả mọi thứ được giã nát thành bột, sau đó khuấy với nước ấm, đủ độ chín mới nêm gia vị, thịt, cá vào nồi. Đặc biệt là món canh này người M’Nông không dùng muối. Họ phải lấy vỏ chuối khô hay rễ tranh, đốt cháy thành tro, giã nhỏ và lọc nước từ trước Tết, để cho vào canh tạo độ mặn. Người M’Nông quan niệm, các cô gái phải biết nấu canh biăp pu ngon mới là người trưởng thành, khi lấy chồng đủ sức đảm đang công việc nội trợ gia đình.

Trong các ngày Tết, người M’Nông thường nấu cơm nếp thay vì nấu cơm gạo tẻ và đặc sắc nhất là nấu theo cách thức truyền thống (nướng trên than hồng), còn gọi là nấu cơm lam. Họ dùng những ống lồ ô còn non, giữ lại mấu ở một đầu ống, cho gạo nếp và nước vào, nút lại. Sau đó đốt bằng lửa than. Nếp chín tỏa hương thơm, quyện với mùi của lồ ô tươi, khiến cho cơm lam có một hương vị đặc sắc, ngon hơn cơm nếp nấu bằng chõ hay nồi đồng.

Theo Vũ Hào (Báo Biên Phòng)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Phản hồi của bạn