[tintuc]
(VNE) - Ai từng thử đồ ăn tại quán bà Sẩm đã tồn tại từ năm 1968 đến nay đều tấm tắc khen ngon.Từ sáng sớm đến tối mịt, gian nhà nhỏ chừng 20 m2 trên đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Hỏi người địa phương, du khách biết được đây là quán hủ tiếu Bà Sẩm.
Người Việt thường gọi phụ nữ gốc Hoa là Xẩm, nhưng do cách giao tiếp của người miền sông nước thường lẫn lộn giữa "S" và "X" mà từ đó, tấm biển hiệu Bà Sẩm ra đời. Chủ quán có tên thật là Quan Muội (1932-2001), người gốc Quảng Đông. Bà mở quán năm 1968.
Hiện quán do chị em bà Tăng Kiến Hưng (ngoài 60 tuổi) là con bà Sẩm duy trì cùng các cháu. Nhờ công thức gia truyền mà món ăn để lại hương vị khó quên.
Dulichgo
Tiếng lành đồn xa, thương hiệu hủ tiếu ở Sa Đéc ngày càng được nhiều người biết đến. Khách đến quán ngồi san sát nhau dưới mái hiên nhỏ, người địa phương lẫn du khách đều gật gù xuýt xoa.
Buổi chiều, quán do em gái bà Hưng đứng bếp chính cùng các con cháu trong gia đình. Quán nhỏ chỉ có 4 người phụ nữ phục vụ hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Mỗi người được chia một công đoạn: xắt thịt, trụng hủ tiếu, múc nước lèo, bưng bê, tạo nên âm thanh sôi động. Gian nhà nhỏ đón nắng gắt của buổi xế trưa cũng trở nên rộn rã.
Bò viên và thịt heo luộc là thành phần chính của món ăn. Toàn bộ các nguyên liệu đều được mua ngay tại quê nhà. Mỗi ngày, gia đình thức dậy từ 4h sáng để chuẩn bị đồ và nấu nướng rồi mở cửa đón khách từ 6h.
"Nồi nước lèo được hầm từ xương ống heo, tuyệt đối không bỏ bột ngọt", chủ quán cho hay. Vì vậy, nước có độ trong, mùi thơm đặc trưng và vị ngọt tự nhiên.
Dulichgo
Khi tô hủ tiếu nghi ngút khói được mang ra, mùi nước lèo thơm lừng lan toả lên tận mũi. Nếu 3 năm trước, giá một tô hủ tiếu bình thường là 6.000 đồng thì hiện tại đã tăng thành 7.000 đồng. Bạn có thể gọi suất đặc biệt giá 10.000 đồng hoặc phần ăn theo giá tùy thích. Nếu lần đầu thưởng thức, bạn đừng quên gọi thêm chén khô mực giá 5.000 đồng để thưởng thức.
Nguyên liệu chính cũng là điểm cộng quyết định sự thành công của món ăn là sợi hủ tiếu. Quán dùng bánh hủ tiếu tại Sa Đéc, cọng to và mang màu trắng sữa được chế biến từ loại bột gạo dẻo thơm xứ Đồng Tháp. Sợi dai mềm sẽ đọng lại vị ngọt khi thử qua.
Người địa phương hầu như đều mua đồ ăn ở quán bà Sẩm mang về. Hủ tiếu được trụng rồi cho vào bọc nhỏ cùng các nguyên liệu.
Dulichgo
Nước lèo được múc riêng. Xách 5 túi hủ tiếu trong bọc to, anh Sáu (hiện sống ở Sa Đéc) cho biết "không thể sống thiếu hủ tiếu Sa Đéc". "Nhà tôi quen ăn hàng này. Cứ cách vài bữa là lại chạy xe ra mua. Năm này qua năm khác mà hương vị vẫn không thay đổi", thực khách này nói thêm.
Tới quán bà Sẩm, bạn sẽ sống trong không khí dân dã mà rộn ràng. Quán đông khách từ sáng đến chiều nên đôi khi bạn sẽ không có chỗ ngồi bên trong. Vài ba bộ bàn ghế nhựa được xếp thêm ở phía trước, buổi tối hàng ghế này nhiều hơn.
Giữa trưa, trời nắng gắt, xì xụp tô hủ tiếu, mồ hôi lăn dọc hai bên má, tôi mới thấu hiểu vì sao nơi này lại tồn tại và được lòng khách nhiều năm đến như vậy.
Theo Phong Vinh (Vnexpress)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]