[tintuc]

(VHO) - Từ nay, cuộc sống của người dân Cheng Leng sẽ tốt hơn nhiều bởi có điện, có nước sinh hoạt và các dịch vụ xã hội, các chế độ chính sách. Xuân này, những người dân Cheng Leng chắc chắn ấm cúng và đủ đầy hơn.

< Diện mạo mới của ngôi làng Cheng Leng.

Núi Cheng Leng thuộc địa phận xã HBông (huyện Chư Sê, Gia Lai) giáp ranh với huyện Phú Thiện nơi mà 13 hộ dân định cư và 22 hộ xâm canh có nhà ở tại đây. Họ là dân cư gốc của làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện tự ý chuyển lên sinh sống từ năm 1990.

Ngôi làng nhỏ “5 không”

Có lẽ vì công dân của một huyện này lại sinh sống trên địa bàn huyện khác là lý do xa sự quản lý của chính quyền địa phương, cũng có thể do phong tục tập quán du canh, du cư của người đồng bào dân tộc thiểu số. Hay cũng có thể vì điều kiện địa lý bởi từ đỉnh núi Cheng Leng để đến được với trung tâm của làng gần nhất dưới chân núi (là làng Hek) cũng phải đi bộ hơn 5 km đường rừng, dốc đá, suối đèo rất nguy hiểm. Vì thế gần 30 năm qua, đời sống của những người dân trên núi Cheng Leng vô cùng khó khăn, được xem là ngôi làng “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm và không có bất kỳ dịch vụ xã hội nào.

< Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang dỡ nhà cho bà con trên núi Cheng Leng dời xuống núi.
Dulichgo
Vượt hơn 5 km đường rừng chúng tôi đến được với ngôi làng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là các em bé Cheng Leng mặt mũi lấm lem đất đỏ, tóc hoe vàng vì nắng gió cao nguyên. Trên tay cầm những gói Bim Bim được các chú bộ đội tặng, em thì háo hức, em thì e dè lạ lẫm như lần đầu tiên nhìn thấy... Những ánh mắt tròn xoe dõi theo chúng tôi từ xa, phần đông là sợ sệt, lẩn tránh. Tìm hiểu mới biết các em đa số không đến trường học và không biết chữ. Có 39 em trong độ tuổi đến trường nhưng không theo học tại các trường, không được cấp thẻ bảo hiểm dưới 6 tuổi và không được tiêm phòng các loại bệnh. Số đông người dân không biết chữ, việc giao tiếp bằng tiếng Việt rất hạn chế.

Đi một vòng xung quanh làng cũng đã quá trưa, chúng tôi ghé vào gia đình bà Ksor Sam sinh năm 1937. Bà vui vẻ mời vào nhà để ăn cơm nhưng trên mâm chỉ có rau củ quả tự trồng và hái từ rừng về, còn cơm được nấu từ lúa rẫy của nhà. Khác với bà Sam, ông Rơ Mah Soan chia sẻ khó khăn, “ở đây bị ốm là cúng Giàng cho khỏi chứ chẳng mấy khi đưa xuống núi vì rất xa với lại không có tiền đâu”. Thắc mắc sao gia đình mình không xuống núi sinh sống sẽ tốt hơn, ông Soan cho biết, “nhiều lần mình định xuống núi sống rồi, nhưng không dám vì làng mình ở đây không nên bỏ... Rồi nếu xuống núi biết ở đâu, làm gì...”.

“Thật sự không tưởng tượng được”

Để người dân đồng tình xuống núi, trước đó cả hệ thống chính trị đã vào cuộc làm công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nơi đây di dời về định cư tại làng Hek. Nhớ lại những ngày lặn lội lên đỉnh Cheng Leng vận động bà con, chị Kpă Loan, cán bộ Ban Dân vận Phú Thiện cho biết: “Hôm ấy đoàn chúng tôi lên vận động bà con mãi đến chiều mới xuống núi, trời đã nhá nhem, đường xuống nguy hiểm, đã thế đi được khoảng nửa đường thì bị lạc, xung quanh ba bề bốn bên toàn đồi núi, cây cối. Cả đoàn rất lo, quay lại thì không được, đi tiếp thì không thể... loay hoay khoảng gần 1 giờ đồng hồ thì có nghe tiếng xe máy độ của người dân đi rẫy về thế là nhờ vậy mới xuống được núi vào lúc hơn 11 giờ đêm...”.
Dulichgo
Là người xắn tay trực tiếp thu gom đồ đạc cho bà con để dọn xuống núi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện nói, “với sự chung sức của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh, chúng tôi quyết tâm không quản ngày đêm đẩy nhanh tiến độ đưa bà con xuống núi sớm ổn định cuộc sống để kịp đón mùa xuân mới này”.

Xuất phát từ “Mệnh lệnh từ trái tim”, bắt đầu từ ngày 10.12, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai đã điều động cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Bộ binh 991 đến phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện bắt đầu việc di dời 13 hộ dân định cư tại núi Cheng Leng xuống núi. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ quyết tâm cao nhất, vượt qua khó khăn về điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên đỉnh núi Cheng Leng di dời từng người dân, từng vật dụng sinh hoạt của bà con bằng các phương tiện thô sơ của nhân dân nơi đây xuống núi.

Có nhiều đoạn dốc cao hiểm trở xe thô sơ không thể qua được khi chở vật dụng trên mình, vậy là bộ đội phải dùng sức chia nhau khiêng, vác qua. Có đến và chứng kiến mới thấy sự vất vả, gian nan của bộ đội khi di chuyển nhà cho bà con xuống núi, dốc cao, đường trơn đầy sỏi đá... Nhìn từ dưới lên dốc thẳng đứng đến nỗi chiến sĩ ở phía sau như “đi trên vai” chiến sĩ phía trước để xuống núi, vậy mà vượt qua cái nắng thì như đổ lửa, lại thiếu nước uống các chiến sĩ vẫn băng băng trên vai nào là cột, xà, đòn tay... của các ngôi nhà đã được tháo ra vác xuống núi.
Dulichgo
Vừa đặt chiếc đòn tay xuống đất, gạt vội giọt mồ hôi, trung sĩ Nguyễn Văn Bình, Tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn Bộ binh 991 nói trong hơi thở: “Em sinh ra và lớn lên tại phường Hội Phú, thành phố Pleiku, thật sự em không tưởng tượng được và đây là lần đầu em được chứng kiến cuộc sống vất vả, thiếu thốn như thế này của bà con trên đỉnh núi Cheng Leng”.

< Những đứa trẻ trên núi Cheng Leng.

Ấy vậy mà trong vòng chưa đầy 3 ngày, sử dụng phương tiện xe thô sơ của nhân dân kết hợp với sức người 12 ngôi nhà đã được đưa về vị trí làng Hek để chuẩn bị cho việc dựng lại ngay ngắn theo quy hoạch.

An cư để lạc nghiệp

Nhìn 12 căn nhà được bộ đội cùng dân làng bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm dựng lại ngay ngắn, ngăn nắp, vuông vức như bàn cờ tại làng Hek, tôi thầm hiểu đây là 12 niềm tin, niềm hạnh phúc của 12 hộ gia đình gần 30 năm định cư trên núi Cheng Leng.

Lân la đến căn nhà mới dựng xong đang tỏa khói quyện cùng ánh chiều tà là gia đình ông Rah Lan Thăng chuẩn bị cho bữa cơm chiều, bữa cơm của gia đình ông hôm nay đầy đủ hơn vì có thịt, cá, rau... Vừa thổi để bếp lửa cháy to hơn cho nồi canh kịp chín, không giấu được niềm vui ông Thăng cho biết: “Nhà mình vui lắm, nay được ở chỗ mới, nhà mới, lại có nhiều đồ ăn”. Niềm vui của gia đình ông Thăng cũng là niềm vui của người dân Cheng Leng, từ nay cuộc sống của họ sẽ tốt hơn nhiều bởi có điện, có nước sinh hoạt và các dịch vụ xã hội, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước.
Dulichgo
Nhưng vui hơn cả vẫn là các em trong độ tuổi đến trường, con đường đến trường từ nay đã gần hơn, được gặp thầy cô, bạn bè, được biết nhiều về cái chữ và Tết này, các em được khoe quần áo mới cùng dân làng đón mùa xuân mới ấm cúng, đủ đầy hơn.

Theo Huy Bắc (Báo Văn Hóa)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com

Làng “6 không” trên đỉnh Cheng Leng
Bản làng nguyên sơ trên đỉnh Cheng Leng[/tintuc]

Bài viết liên quan

Phản hồi của bạn