[tintuc]

(NB&CL) Với vỏn vẹn gần 100 nhân khẩu cùng 20 hộ gia đình sinh sống và chỉ chọn một nơi cư trú duy nhất dưới chân núi Pù Chậu (thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, người Thủy được coi là dân tộc “bé con” nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Tuy được coi là em út nhưng người Thủy lại sở hữu đời sống tinh thần hết sức phong phú cùng phong tục tập quán đặc biệt vào những dịp Tết đến Xuân về!

Đi tìm người em út

Tuy đã có lịch sử phát triển tới gần 100 năm nhưng cộng đồng người Thủy đến nay vẫn còn là cái gì đó hết sức bí hiểm và chưa được nhiều người biết đến. Ngay cả trong trang Wikipedia – một trong những trang thống kê chính xác, cập nhật tốt và có uy tín nhất hiện nay, về phần thống kê các dân tộc thiểu số của Việt Nam thì người Thủy vẫn chưa được hiện danh...

Cũng chẳng nên trách “ông” Wikipedia, ngay cả ở cái đất thành Tuyên với bát ngát chè và “hò ô tiếng hát” cùng “dào dạt bến nước Bình Ca” một thời, khi đưa cái danh người Thủy và ý định tìm hiểu về một dân tộc đặc biệt (đặc biệt kể cả nơi cư trú, trang phục, phong tục tập quán) này ra để tìm hiểu thôi, cũng ít người biết được.
Dulichgo
< Phụ nữ người Thủy và trang phục truyền thống trong dịp Xuân đến, Tết về.

Trong hanh hao của nắng gió hai cữ chuyển từ Đông sang Xuân, tôi soải gót đi tìm và hỏi han về người Thủy. Nhiều người được cho là hiểu biết, thậm chí trong đó có cả những cán bộ đã gặp mà cất lời hỏi han thì nhiều người vẫn lắc đầu hồ nghi về thông tin chúng tôi đưa ra. Hình như không có, hình như nhầm… đấy là những câu hỏi mà chúng tôi đã gặp. Trong hành trình truy khảo, may mắn, tôi gặp được Nguyễn Văn Hà – một trung úy quân đội, đã có thâm niên cắm quân và cắm bản trên mạn Lâm Bình, Chiêm Hóa cho biết, có người Thủy ở đất Tuyên Quang thật. Hà bảo, em cũng vô tình được biết và gặp họ trong một lần hành quân dã ngoại lên miền đất này.

Theo chỉ dẫn và phác thảo của Hà, từ trung tâm “Thủ phủ miền đẹp” được mệnh danh là Tuyên Quang, theo Quốc lộ số 2, chúng tôi ngược lên km 31, rẽ Bợ rồi qua Chiêm Hóa – miền đất đã sinh ra cố Nhà văn Lan Khai với những truyện “Ký đường rừng” nổi tiếng Tao đàn văn học những năm 1936 – 1945 cùng 50 đầu sách thuộc các thể loại để vào Lâm Bình. Trong huyện Lâm Bình (huyện mới tách từ Chiêm Hóa), cũng sau rất nhiều hỏi han chúng tôi mới tìm ra được nơi “náu thân” của người Thủy, ấy là chân núi Pù Chậu.

Thôn Thượng Minh được bao bọc xung quanh là những đỉnh núi chót vót, và đỉnh cao nhất trong các dẫy núi này ấy là non cao Pù Chậu. Đến với Thượng Minh, đặc biệt là được tận mắt ngắm nhìn đỉnh Pù Chậu trong những ngày này người ta mới thấy Xuân bản địa nơi vùng sơn cước còn nguyên thủy và hoang sơ đến mức nào.
Dulichgo
Xen lẫn dưới màu xanh tươi của cây cối lưu niên, những cây vông rừng sau một thời gian “ngủ Đông” đã khẽ khàng bung lộc, trổ những bông hoa đỏ tươi để đón nắng và gió Xuân. Dọc đường vào các hộ gia đình, những cây đào vâm gốc cũng đang bung nụ, hé hoa để góp thêm màu sắc cho tiết Xuân nơi hoang sơn.

Nhà ông Lý Văn Ngọc những ngày áp Tết này không khí đầm ấm đã bao trùm toàn bộ căn nhà lâu năm, lên màu của thời gian. Ông Ngọc cho biết, người Thủy trước đây di từ mạn phía Bắc xuống. Ban đầu họ chọn xã Ngọc Minh (Vị Xuyên, Hà Giang) làm chỗ định cư. Song, do là bộ phận dân tộc hết sức đặc biệt và hi hữu nên họ đã rơi vào tình trạng biệt lập cô quạnh, chủ yếu quanh quẩn với cuộc sống tự cung tự cấp và duy trì đời sống hôn nhân theo kiểu nội hôn. Cũng trong thời gian này, do ngôn ngữ tập quán khác lạ nên người Thủy còn bị gọi với tên khác: Người Mèo nước.

Sinh sống ở đây đến vài chục niên, do cô quạnh và không có giao lưu, lại do cuộc sống nội hôn (hôn nhân theo dòng tộc và dòng họ) nên người Thủy đã đứng trước nguy cơ thui chột, có lúc số lượng người tụt xuống còn 13 người. Thuở hoang sơ ấy, do không am hiểu khoa học đặc biệt là tình trạng hôn nhân cận huyết nên người Thủy cho rằng đất mình ở không hợp, không được trời phù hộ nên họ đã đi đến quyết định một cuộc thiên di lớn. Và trong những nơi họ tỏa người đi tìm kiếm ấy thì miền đất dưới chân núi Pù Chậu có tên Thượng Minh được coi là hợp nhất.

Dân tộc lạ và tục thưởng Xuân
Dulichgo

< Nam nữ người Thủy cùng những trò chơi dân dã những ngày đón Xuân.

Những ngày áp Tết này, theo tỉnh lộ 176, qua Đèo Gà, Chiêm Hóa để vào với Thượng Minh – nơi cư trú của người Thủy, Xuân đã vời vợi lắm rồi! Ngoài hoa rừng thì các loại cây đón Tết, vui Xuân truyền thống của người Việt như đào, mận, mơ cũng được dịp bung nụ xốn xang tất cả các cung đường. Đặc biệt hơn là khi người ta rảo chân, căng sức vượt qua dẫy núi Cốc Phay vào với thôn Thượng Minh, từ trên cao phóng tầm mắt xuống tiết Xuân đã vương vít, xà đến từng căn nhà cùng với đó là lửa củi hừng hực để luộc bánh, nấu rượu đãi khách trong mỗi hộ gia đình.

Theo ông Húng Văn Hìn, một thầy mo có tiếng, người đảm nhận phần tâm linh của các dòng họ như Húng, Lý, Mùng, Bàn trên đây thì Tết là lễ hội được người Thủy coi trọng nhất trong năm. Người Thủy không gọi ăn Tết mà gọi là thưởng Tết. Trong ngày Tết, có một niêm luật bất di bất dịch được người Thủy đề ra là con cháu dù đi xa đến mấy cũng phải về Pù Chậu để vui Xuân với gia đình. Nếu làm được như vậy thì sẽ được tổ tiên phù hộ cho tất cả các ngày trong năm.
Dulichgo
Tết của người Thủy cũng hết sức đặc biệt. Người Thủy bắt đầu ăn Tết từ ngày 23 tháng Chạp đến hết 30 Tết. Trong những ngày này, ngoài việc anh em gia đình tụ hợp, uống rượu, thưởng bánh, ôn lại những may rủi trong năm thì người Thủy luôn dành thời gian lớn để mời Thầy mo đến nhà cúng chúng sinh, cầu mong ông bà, tổ tiên về chứng giám lòng tốt và sự tưởng nhớ của con cháu.

< Thịt lợn – Món ăn không thể thiếu trong nhữngngày lễ trọng của người Thủy.

Các món ăn trong ngày lễ Tết của người Thủy ngoài bánh, xôi thì không thể thiếu món thịt lợn. Người Thủy quan niệm rằng lợn là vật nuôi gần gũi và hiền hậu với dân tộc mình nên Tết đến các gia đình dù có thiếu gì chứ không thể thiếu thịt lợn để cúng tế tổ tiên trong các ngày từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Mâm cơm thết đãi khách quý và anh em họ hàng của người Thủy cũng hết sức đặc biệt, các món ăn đều được bày ra mâm và hạn chế đến mức tối đa các vật dụng khác như bát, đĩa. Người Thủy quan niệm, ăn cùng mâm, gắp cùng món là cái để người Thủy kết nối, đoàn kết và nhớ về những ngày tháng gian khó của mình.

Tết đến, Xuân về cũng là dịp để các nam thanh nữ tú của người Thủy đi tìm vợ, tìm chồng để mở mang thêm giống nòi. Từ ngày về với vùng đất Thượng Minh, do được giao lưu và được tuyên truyền, vì người Thủy là một dân tộc nhỏ nhất nên hiện nay người Thủy đã cho phép cháu con được giao lưu và nên duyên với các dân tộc khác như Dao, Mông, Pà Thẻn và kể cả người Kinh. Tuyên Quang được mệnh danh là “Miền đẹp” nhưng lên với Thượng Minh, tận mắt chứng kiến những vẻ đẹp của các thiếu nữ của một dân tộc thiên di có tên Thủy này hẳn những tiêu chí về cái đẹp của mỗi người sẽ có phần cải thiện. Thấp thoáng trong mỗi ngôi nhà, bìa rừng hay con suối, hình ảnh những thiếu nữ người Thủy với làn da trắng ngần thoắt ẩn, thoắt hiện nơi bìa rừng, dốc đá sẽ gieo vào cho con người ta những cảm mến nao lòng.

< Mâm cơm cúng tế và đãi khách của người Thủy trong Lễ Tết hết sức đặc biệt.
Dulichgo
Mùa Xuân là mùa cái cuốc, cái cày được nghỉ, những bàn tay lam lũ trong năm của các chàng trai, cô gái người Thủy được nhàn rỗi. Và đồng nghĩa với đó là mùa dựng vợ, gả chồng cũng ở trong giai đoạn cao trào nhất. Vào những ngày này, khi ông mặt trời sau một ngày lam lũ đem ánh sáng ấm áp đến với Thượng Minh khuất dần rồi lặn xuống dưới rặng núi Pù Chậu thì bên cạnh 2 con suối trong xanh có tên Khuổi Tao, Khuổi Muông đem nước về cho bản làng người Thủy, những lời ca, lời hẹn của nam nữ người Thủy đã sẽ sọt ngân lên.

Rồi cùng với đó, sau những buổi hẹn hò cùng trăng sao và gió núi vào ngày cuối năm này, sau khi Xuân mãn, đào trút nốt những cánh hoa cuối cùng để nụ non xanh vươn lên cũng là lúc Thượng Minh lại xốn xang cùng những đám cưới. Và sau mỗi mùa Xuân qua đi, cùng với những cặp uyên ương nên vợ, nên chồng này, Thượng Minh cùng người Thủy sẽ lại đón thêm những cặp gia đình trẻ. Để từ đó, một bộ phận dân tộc nhỏ bé trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của cả nước ta sẽ thêm phần lớn mạnh.

Theo Phương Nguyên (Công Luận online)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Bài viết liên quan

Phản hồi của bạn