[tintuc]

(VNE) - Rừng bần rộng 7 hecta ở xã Tân Ninh trở thành "bức tường xanh" kiên cố, chắn sóng chắn bão, là nơi trú ẩn cho người dân trong chiến tranh.

Nằm bên sông Kiến Giang, đoạn qua hai thôn Quảng Xá và Hòa Bình (xã Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), cánh rừng bần ngập mặn gắn bó với người dân nơi đây hàng trăm năm. Cụ Nguyễn Văn Dược (85 tuổi) nói từ bé đã thấy rừng bần rậm rạp. "Rừng đẹp lắm! Chim muông về từng đàn, hót râm ran cả vùng. Chúng tôi thường vào rừng chơi các trò chơi dân gian", ông Dược nói.
Nhờ ý thức bảo vệ của người dân, rừng bần sinh sôi thành khu rừng phòng hộ rộng 7 hecta với chiều dài hơn một km, chạy dọc sông Kiến Giang. Cây bần cao 3-7 m, gốc có đường kính 10-40 cm, tán cây ken dày đan vào nhau, tạo nên dáng đứng vững chắc chống lại sự khắc nghiệt của mưa bão, lũ lụt.

Rừng bần trở thành "bức tường xanh" kiên cố, chắn sóng chắn bão, che chở cho những mái nhà của người dân xã Tân Ninh. Cụ Dược kể, trận bão năm 2010, nhiều nơi thiệt hại, riêng xã được an toàn. 50 năm trước, trận lũ lớn tràn vào làng nhưng nhà cụ chỉ ướt mấy bao thóc. Cánh rừng như cái đập chắn tự nhiên, giúp hàng trăm ngôi nhà tranh vách đất đứng yên trong lũ dữ.
Dulichgo
Cánh rừng còn tạo nên lịch sử hào hùng cho ngôi làng Quảng Xá. Thời kháng Pháp, nhân dân Quảng Xá trú ẩn trong rừng, chốt chặn khiến giặc Pháp không đổ bộ vào làng. Quân Pháp đành bắn phá vào làng rồi ngược dòng Kiến Giang đổ lên vùng đất trống ở thượng nguồn. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rừng bần trở thành điểm tập kết bộ đội qua sông, điểm trung chuyển của Đoàn 559.

Ngày nay, khu rừng ngập mặn ven biển có diện tích lớn bậc nhất Quảng Bình góp phần làm giảm cường độ của thủy triều, hạn chế sự xâm thực của những con sóng để bảo vệ đất đai và hàng chục hecta nuôi trồng thủy sản ở phía trong... Ngoài ra, nơi đây còn là môi trường lý tưởng cho các loài thủy sản sinh trưởng, phát triển, là chỗ trú ngụ, kiếm ăn của nhiều loài chim, đặc biệt là cò trắng...

Xã Tân Ninh đã giao các cựu chiến binh hai thôn Quảng Xá và Hòa Bình chăm sóc, bảo vệ rừng bần. Ông Nguyễn Văn Hiến, cựu chiến binh thôn Quảng Xá, chia sẻ chưa có trường hợp nào phá hoại rừng bần, người dân tự ý thức được vai trò tích cực của khu rừng nên đồng lòng bảo vệ.

Hàng ngày, cựu binh đi tuần tra nhằm phát hiện, ngăn chặn người nơi khác đến phá rừng bần, dùng kích điện để đánh bắt hải sản, hủy hoại môi trường sinh thái. Dưới tán rừng, nhiều hộ dân được giao đất và mặt nước để nuôi trồng, khai thác thủy sản.
Dulichgo
Ông Nguyễn Quang Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Tân Ninh, cho rằng khi người dân chung sức bảo vệ rừng bần thì cánh rừng cũng dang tay che chở cho bà con. Bằng chứng là nhiều năm qua bão lũ nhưng người dân Tân Ninh vẫn bình yên. "Sắp tới, khu rừng bần sẽ được khai thác du lịch sinh thái, tạo thêm sinh kế bền vững cho người dân", ông Tuyển nói.

Từ năm 2019 đến 2023, tỉnh Quảng Bình triển khai dự án "Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển" với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng thế giới.

Dự án thực hiện tại 32 xã, phường ven sông biển, nhằm trồng mới, phục hồi gần 3.100 ha rừng ngập mặn, khoảng 100 cộng đồng dân cư được hưởng lợi.

Theo Hoàng Táo (Vnexpress)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Bài viết liên quan

Phản hồi của bạn