[tintuc]

(VIVU) - Phân bố trên núi cao gần 500 mét so với mực nước biển, hồng trà Yok Đôn được xem là loài thực vật đặc hữu cực kỳ quý hiếm. Các chuyên gia tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đang nỗ lực bảo tồn, quảng bá giống trà quý này đến bạn bè trong và ngoài nước. Việc phát hiện ra giống loài hồng trà này một lần nữa khẳng định, rừng Yok Đôn đang sở hữu hệ động, thực vật phong phú bậc nhất Việt Nam.

Băng rừng tìm trà

Mất một ngày luồn sâu dưới những tán rừng khu vực chân núi Đôn, chúng tôi đành ra về tay trắng vì không thể tìm ra giống hồng trà quý hiếm. Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn Phạm Tuấn Linh an ủi, dưới chân núi Đôn, hồng trà chỉ mọc rải rác. Muốn tận thấy rừng hồng trà, phải chịu khó leo lên đỉnh. Mà để lên được đỉnh núi Đôn tìm trà thì chỉ có thể đi với chuyên gia thực vật của Vườn may ra mới có cơ hội thấy.

Sáng sớm, đoàn chúng tôi gồm 4 thành viên bắt đầu chuyến vào rừng tìm hồng trà. Kiểm lâm viên Mai Văn Hòa  - chuyên gia thực vật của Vườn Quốc gia Yok Đôn, không quên mang theo đồ ăn, thức uống cho đoàn. Trong balo của ông Hòa có đầy đủ dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra, lấy mẫu các loài thực vật mới để mang về vườn nghiên cứu.
Dulichgo
Cánh rừng khộp mùa thu thay lá, khoe sắc vàng, sắc đỏ thắm như chào đón những vị khách phương xa. Trên hành trình đến chân núi Đôn, đoàn đã đi qua hàng chục km đường tuần tra độc đạo.

Thêm vài tiếng cắt rừng, vượt qua đám cỏ le khuất đầu người, đoàn mới đến được điểm dừng đầu tiên - chân núi Đôn. Rừng vẫn còn dày lớp lớp, để lên các điểm tiếp theo trên núi, mọi người đi sát tránh bị bỏ lại sau lưng.

“Sắp tận mắt thấy hồng trà rồi! Lên đến đỉnh, mọi người tha hồ ngắm”- kiểm lâm viên Y Hới Byă, thành viên trong đoàn, động viên mọi người.  Lời anh Y Hới làm mọi người háo hức bước tiếp.

Trên chuyến đi, ông Lê Văn Hòa giải thích thêm: Ít có khu vườn quốc gia nào lại có đặc biệt như Yok Đôn  khi nơi đây sở hữu ba loại rừng riêng biệt là rừng khộp, rừng thường xanh và bán thường xanh. Không giống như rừng khộp khô khốc, rừng thường xanh quanh năm tươi tốt; dưới tán rừng có hàng ngàn loài động, thực vật phong phú trong đó có cả hồng trà.
Dulichgo
"Núi Đôn quanh năm mây mù che phủ, khí hậu lạnh chính là nơi lý tưởng để hồng trà phát triển. Mọi người tiến lên! Lên đến đỉnh, sẽ có điều bất ngờ chờ đợi” -  ông Hòa khích lệ.

Bảo tồn nguồn gen quý

Điều bí mật mà ông Hòa nói lúc này chính là việc mọi người trong đoàn sẽ có cơ hội ngắm rừng hồng trà bung nụ, đơm hoa thơm ngát vào độ cuối thu. Khác với trà dưới xuôi, lá hồng trà có dạng răng cưa, hoa trà đỏ hồng, bên trong nhụy vàng nhạt giống nhụy sen hồng.

Người dân địa phương vẫn bảo nhau rằng, hồng trà mọc trên núi cao vắt vẻo, uống sương mai, đón những tia nắng mặt trời đầu tiên nên thuần khiết. Thật vậy, những bông hoa trà có hương dịu nhẹ, chỉ cần ngửi qua, tinh thần khỏe khoắn.
Dulichgo
Trước khi xuống núi, ông Hòa không quên bấm từng cành trà vừa vặn xếp vào túi, mang về Vườn giâm cành. Trên đường về, đoàn có nghỉ chân tại trạm kiểm lâm Đắk Na và quyết pha một ấm trà truyền thống để thưởng thức và giữ ấm cơ thể.

Trước khi pha trà, ông Hòa rót ít nước sôi được lấy từ sông Sêrêpôk tráng ấm. Những lá trà non xanh vừa ngắt trên núi được vò qua rồi bỏ gọn vào ấm. Nước đầu tráng qua rồi đổ đi; kế tiếp rót thêm nước sôi ngập lớp trà, để vài phút cho trà ngấm. Lá trà chuyển màu úa vàng, nước trà trong, uống vào thơm dịu, hậu ngọt.

Trong câu chuyện trà dư tửu hậu giữa rừng,  ông Hòa kể trước đây, các chuyên gia của Vườn đã nhiều lần thử mang một số cây con hoặc chiết cành trà để về trồng nhưng đều thất bại. Không bỏ cuộc, trước chuyến đi này, ông đã xin ý kiến của các chuyên gia tại Đại học Đà Lạt về kỹ thuật giâm cành. Nếu thành công, ông hy vọng có thể nhân giống rộng rãi loài trà này ở nhiều nơi.

Hồng trà xuất hiện trên đỉnh núi Đôn từ bao giờ không ai rõ nhưng mãi đến khi tiến sĩ Ngô Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn, vô tình phát hiện trong quá trình thực hiện luận án tiến sĩ vào năm 2004, thế giới mới biết nhiều hơn về loài trà này. Sau khi giám đốc Vườn Quốc gia công bố hồng trà trên các báo chí, một đoàn nghiên cứu của Nhật Bản đã biết và đến để tìm hiểu. Sau nhiều lần đến nghiên cứu tại Yok Đôn, đoàn người Nhật đã đưa ra kết luận đáng tự hào là hồng trà Yok Đôn là loài đặc hữu, không nơi nào trên thế giới có được.

Ngay lập tức, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã lên kế hoạch để bảo tồn nguồn hồng trà nhằm giữ nguồn gen quý hiếm. Một trong những điều đáng mừng mà Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn Phạm Tuấn Linh kể với chúng tôi là công tác bảo tồn rừng hồng trà trên đỉnh núi Đôn đang được thực hiện rất tốt.
Dulichgo
Sở dĩ rừng hồng trà còn gần như nguyên vẹn bởi núi Đôn mọc sừng sững giữa bình nguyên Yok Đôn. Nơi đây cũng là khu rừng nguyên sinh nên không có sự tác động xấu từ con người..

“Một trong những điều khó khăn hiện này là việc nghiên cứu toàn diện về loài hồng trà Yok Đôn. Nếu có kinh phí thực hiện đề tài khoa học này, tôi tin rằng sẽ làm rõ được giá trị khoa học, y học của hồng trà”  - ông Linh nói.
Dulichgo
Vườn Quốc gia Yok Đôn nằm trên một vùng tương đối bằng phẳng, với hai ngọn núi nhỏ ở phía nam của sông Serepôk. Rừng chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp. Vườn Quốc gia có diện tích 115.540 hecta chưa kể diện tích vùng đệm. Đến với Vườn Quốc gia Yok Đôn, khách du lịch có thể khám phá nơi cư trú của 62 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 loài thực vật. Trong số 56 loài động vật hiếm thống kê được ở Đông Dương, thì 38 loài có ở Yok Don.

Theo Hữu Long (Vivu 247)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Bài viết liên quan

Phản hồi của bạn