[tintuc]

(TNO) - Chỉ cần xuống vài chục mét, cảnh 'núi non' dưới lòng đại dương quanh đảo Cồn Cỏ đã hiện ra hùng vĩ, trùng điệp tựa dãy Trường Sơn.

Chỉ khác, ở đó, ngoài núi... còn có cả cá tôm, san hô, rong tảo. Những cán bộ bảo tồn gọi mỗi lần đi lặn biển quanh hòn đảo ngọc này là đi... ngắm núi!

Cồn Cỏ được ví như một viên ngọc xanh của biển miền Trung, nhưng vì có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng nên mãi đến năm 2016, Chính phủ mới đồng ý mở tour ra hòn đảo thuộc địa giới hành chính của tỉnh Quảng Trị này.

Nói vậy để biết du lịch ở Cồn Cỏ hiện còn... non trẻ lắm. Nhưng đổi lại, sự non trẻ ấy sẽ cho Cồn Cỏ một vẻ đẹp hoang sơ không gì cưỡng nổi. Hiện nay, do chưa có đơn vị nào được cấp phép hoạt động lặn biển ở Cồn Cỏ nên những người biết đến vẻ đẹp dưới đáy đại dương, quanh đảo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ là những nhà nghiên cứu sinh vật biển, cán bộ Ban Quản lý khu bảo tồn biển đảo (BQL KBTBĐ) Cồn Cỏ, những thợ lặn hoặc một số nhỏ du khách may mắn được tham gia vào các chuyến lặn khảo sát ngắn...

Bước chân xuống biển là gặp... san hô

Đó là cách diễn đạt ngắn gọn nhất về sự “giàu có” của vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ. Từ dạo BQL KBTBĐ Cồn Cỏ được thành lập vào năm 2009, ngành chức năng đã chia vùng bảo tồn quanh đảo ra làm 3 phân khu.
Dulichgo
Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm diện tích tới 534 ha, từ mép nước chân đảo ra 400 - 700 m, độ sâu từ 10 - 15 m, ôm trọn các vị trí từ bến Tranh đến bến Nghè, bến Hà Đông và bến Đen. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc BQL KBTBĐ Cồn Cỏ thì phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chính là bãi đẻ của cá tôm. “Con chim cần có cây làm tổ, con người cần có nhà để về thì sinh vật biển cũng cần nơi sinh sản là những rạn san hô và hệ rong tảo”, anh Hòa ví von.

Theo thống kê, hiện san hô ở Cồn Cỏ có hơn 100 loài, trong đó, có nhiều loài san hô quý, hiếm như san hô đen, san hô đỏ, san hô sừng, san hô cành, san hô tấm... Riêng loài san hô đen ở Cồn Cỏ là loài cực quý hiếm, từng bị khai thác tận diệt để bán sang Trung Quốc nhưng nay đang phát triển và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Với những tài sản đặc biệt, hoang sơ như trên, Cồn Cỏ dĩ nhiên trở thành một điểm đến lặn biển đầy hấp dẫn.

“Xuống rồi là… không muốn lên !”
Dulichgo
Đó là cách nói của anh Trần Khương Cảnh (33 tuổi), một trong 4 cán bộ được đào tạo kỹ năng lặn chuyên nghiệp của BQL KBTBĐ Cồn Cỏ. Nghe qua có vẻ... rùng rợn nhưng anh cười rằng: “Thực sự nó là như thế!”.

Để có những trải nghiệm đặc biệt dưới đáy biển, anh Cảnh, kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản của Trường ĐH Nha Trang, đã phải theo học 2 khóa lặn cơ bản và nâng cao kéo dài nhiều tháng. Giờ đây khi đã thuần thục, anh Cảnh có thể lặn không bình khí nén hoặc bằng bình khí nén (có thể xuống sâu chừng 20 - 30 m). “Cùng với 1 bình dưỡng khí nhưng tùy vào kỹ năng của người lặn nên có người ở dưới nước chỉ 45 phút nhưng có người có thể kéo dài tận 2 tiếng”, anh Cảnh cho hay.

Mỗi lần thực hiện việc lặn sâu, người lặn phải “cõng” trên mình chừng 30 kg (bình dưỡng khí, 5 kg chì, áo quần, giày dép chuyên dụng cùng các dụng cụ tự vệ) và đối mặt với không ít mối nguy. Nó có thể đến từ việc trang thiết bị trục trặc, kỹ năng của người lặn kém hoặc thậm chí do cuộc “gặp gỡ” không mong muốn với các sinh vật nguy hiểm dưới đáy biển như cá mao tiên, bạch tuộc, sứa độc… “Ở dưới nước, các loại sinh vật biển đều mạnh hơn mình, kể cả khi nó nhỏ hơn. Đặc biệt, khi gặp các sự cố mà hoảng quá, vội vàng trồi lên quá nhanh, không cân bằng kịp áp suất thì cũng có thể vỡ ngực mà chết”, anh Cảnh khuyến cáo.

Đổi lại với tất cả sự nặng nhọc, hiểm nguy ấy… khi xuống đáy biển quanh Cồn Cỏ, người thợ lặn như được thấy chốn bồng lai tiên cảnh mở ra trước mắt mình. Anh Cảnh bảo, lặn ở trên mặt nước chỉ như... cưỡi ngựa xem hoa, còn khi lặn sâu xuống (với Cồn Cỏ chỉ cần 12 m) vẻ đẹp phải gấp cả trăm, ngàn lần.
Dulichgo
Anh Cảnh ví mình như một đứa trẻ say mê sắc màu, ở chốn không điện thoại, không internet, cứ muốn dấn bước để biết những màu sắc do ánh mặt trời phản chiếu xuống dưới “núi đồi” tận đáy biển thực chất là gì. “Sự tò mò đã cho tôi cảm giác khoan khoái. Và thật tuyệt hơn khi tôi biết rằng, mình là một trong số ít người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp dưới đáy biển Cồn Cỏ. Vẻ đẹp thực sự của muôn loài san hô, ốc, cá tôm... Chỉ khi nào máy báo bình dưỡng khí gần cạn thì lúc ấy tôi mới tính chuyện trở lại mặt nước”, anh Cảnh xuýt xoa.

Cuối cùng, người đàn ông này đã kết luận một cách đầy “thiên vị” cho vùng biển ven đảo Cồn Cỏ rằng nơi đây các sinh vật phong phú và hoang sơ hơn rất nhiều nơi vốn nổi tiếng về lặn biển mà anh từng đặt chân đến.

Theo Nguyễn Phúc (Thanh Niên)
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]

Bài viết liên quan

Phản hồi của bạn