[tintuc]
(TH) - Nằm trên đỉnh núi Huồi Cọ, 46 hộ, hơn 300 người dân đồng bào Mông của bản Huồi Cọ, xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn giữ gần vẹn nguyên bản sắc độc đáo của dân tộc mình.< Những ngôi nhà lợp mái samu chen giữa lá xanh trên đỉnh Huồi Cọ.
Nằm trên đỉnh núi Huồi Cọ, là bản của 100% người Mông này với 46 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu. Nơi đây chưa có điện, chưa có đường bê tông, sóng điện thoại chập chờn và trường học vẫn đang là trường tạm.
< Những mái nhà sa mu thâm nâu ẩn hiện giữa chập chùng xanh núi.
Tên gọi Huồi Cọ xuất xứ từ việc người dân phát hiện trên đỉnh núi của con khe này có rất nhiều con chim Phượng Hoàng (dân tộc Thái gọi là Nóc Cốc; còn người Mông gọi là Nồng Trống). Vì thế trước đây dân bản gọi khe này là khe Cốc, nay thì gọi là khe Huồi Cọ và tên bản cũng là Huồi Cọ.
Từ QL 16 lên với bản Huồi Cọ chỉ khoảng 3 km, tuy nhiên, trên quãng đường này ta sẽ phải vượt qua khá nhiều những cái hào được người dân tạo nên với mục đích ngăn trâu bò vào khu vực sản xuất.
Dulichgo
Những ai chưa quen đi đường rừng, vượt đèo, leo dốc sẽ thấy khá “sốc” khi bắt gặp ngay con dốc bắt đầu từ chân cổng chào với dòng chữ to “Làng văn hóa Huồi Cọ” để đến với bản người Mông này của xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương.
< Những con đường trong bản được xếp từ những viên đá núi được người dân kỳ công mang về sắp đặt.
Huồi Cọ chỉ có duy nhất một thành phần dân tộc đó là dân tộc Mông thuộc nhóm Mông Hoa.
Dulichgo
< Dân bản vẫn giữ nhiều phong tục cổ xưa của dân tộc Mông như: tục giải hạn, tục mừng thọ... Những "vật thiêng" đơn giản của những lễ tục này vẫn thường được gắn trên vách, tường nhà.
Con đường càng ngày càng dốc, trơn trượt, đất đá lổn nhổn. Nhiều lúc bánh xe máy quay tít tại chỗ, đành cuốc bộ.
< Một em nhỏ giúp bố mẹ thu hái chanh leo.
Đường sá đi lại khá khó khăn, với những người lần đầu leo dốc như chúng tôi, chỉ mang theo chiếc ba lô nhẹ hều mà vẫn thấy thấm mệt. Bởi thế, qua con dốc đầu tiên, đến một khúc cua, đường cơ man là đá cuội với đủ hình thù, chúng tôi bắt gặp người dân cõng sắn, lúa về bản, cõng chanh leo nộp cho công ty thu mua.
< Chiếc khèn vẫn gắn bó mật thiết với người Mông của bản Huồi Cọ.
Những chiếc bế chất đầy ụ những củ sắn to bằng bắp chân người, những bì chanh leo căng đét. Vậy mà các mế cứ đi ngon lành. Thanh niên, đàn ông thì dùng xe máy, thồ một lúc 2 – 3 bì chanh leo. Dừng xe nghỉ bên đường, anh Và Bá Xo nheo nheo mắt nhìn những vị khách lạ.
< Chanh leo đã bén duyên với người dân bản Huồi Cọ từ năm 2016. Hiện nay, đây là cây trồng chủ lực của đồng bào trên đỉnh núi cao này.
Dulichgo
Hỏi chuyện, thoáng chốc ngập ngừng, song nói đến cây chanh leo, anh phấn chấn hẳn. “Chanh leo đã giúp hàng chục hộ của bản ta đổi đời, không còn lo đói nghèo nữa”.
< Quả đào chín là đặc sản của người dân Huồi Cọ để tiếp khách trong những ngày này.
Bản Huồi Cọ có 44 hộ với hơn 300 nhân khẩu thì có đến gần 3/4 số hộ tham gia trồng chanh leo. Bí thư bản Huồi Cọ Và Ca Sua phấn khởi khoe “thành tích” trồng chanh leo của các hộ dân: “Khó khăn, lạ lẫm lúc ban đầu thôi. Giờ thì nhà nào cũng thạo kỹ thuật trồng cây chanh leo. Nhà ít cũng phải trăm gốc, nhà nhiều có đến cả nghìn gốc chanh ấy chứ”. Và theo đó, thu nhập từ chanh leo của mỗi hộ trung bình phải đến trăm triệu đồng mỗi năm, có của ăn, của để, dân bản vui lắm.
< Hai người đàn ông của bản đang bào gỗ để làm những tấm ván thưng ngôi nhà cho gia đình mình.
Người dân Huồi Cọ không chỉ trồng chanh leo cho thu nhập cao, ổn định mà bà con còn chăn nuôi gia súc, gia cầm rất giỏi. Có những hộ ngoài hàng trăm gốc chanh leo còn nuôi 40 -50 con bò, dăm chục con lợn; còn gà và ngan thì hầu như hộ nào cũng có dăm bảy chục con.
< Những chiếc giá để sản xuất giấy phong tục của người Mông được cất giữ cẩn thận để chờ đến vụ sẽ mang ra làm.
Dulichgo
Giữa lưng chừng các ngọn núi xuất hiện những hồ, ao trong vắt. Ấy là những nơi dân bản nuôi cá. Mỗi ao, hồ lớn nhỏ đều có chòi canh gác, sản phẩm thu được chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và đã bắt đầu bán ra thị trường. Cá ở đây nhanh lớn, nguồn thức ăn dồi dào nên cứ có mặt bằng dân bản liền ngăn bờ, đào ao thả cá.
< Những vật dụng được gắn trên lưng những con ngựa để thồ hàng giờ đây được giữ lại làm vật lưu niệm. Trong những năm gần đây người dân bản Huồi Cọ không còn nuôi ngựa nữa.
< Gian bếp truyền thống của người Mông ở Huồi Cọ. Đến mùa đông, người trong gia đình sẽ quây quần bên trong gian bếp để sưởi ấm và hàn huyên. Điều đặc biệt, đây là bản trong số ít bản của người Mông có thói quen làm ghế mây để ngồi.
Dọc đường đến Huồi Cọ, chúng tôi cứ ngẩn ngơ ngắm những đỉnh núi xa xa với làn mây trắng xốp bao bọc, lưng chừng núi là những mảng màu vàng bắt mắt của các rẫy lúa. Nhìn kỹ hơn, những bóng người gùi bế lom khom miệt mài thu hoạch lúa. Mỗi rẫy lúa đều có một căn chòi nhỏ xinh làm nơi cất trữ, cũng giống như dọc đường đi, trước mỗi căn nhà mái lợp samu rêu phong cổ kính nhà nào cũng có chòi cất trữ lương thực. Sự no ấm hiện diện khắp bản làng.Dulichgo
< Khu chăn nuôi tổng hợp của một gia đình ở bản Huồi Cọ. Ngoài những ngôi nhà thì các công trình khác cũng chủ yếu được làm bằng gỗ.
Bản Huồi Cọ nằm trên đỉnh đồi, địa thế không mấy bằng phẳng, nhưng đó lại chính là yếu tố tạo nên vẻ đẹp riêng. Từ trục đường chính chạy qua bản, dẫn vào những ngôi nhà của dân bản là những bậc thang nhỏ xinh hoặc những con đường mòn ẩn dưới tán hoa đào bạt ngàn tạo nên khung cảnh đẹp, lãng mạn.
< Một em nhỏ được mẹ địu lên nương rẫy.
Đi dưới tán những cây đào nhiều năm tuổi, rêu mốc, chơm chớm những nụ hoa phớt hồng, làn gió núi lành lạnh và ngắm cỏ cây, hoa lá vùng biên cương nơi đây khiến lòng người dịu lại, cảm nhận một cuộc sống thanh bình, trong lành không nỡ rời xa. Cuối tháng 9 âm lịch, đào ở Huồi Cọ đã bắt đầu cho hoa bói.
< Mùa xuân đến hay những dịp hội bản, nam nữ trong bản thường tổ chức ném pao, thổi khèn cho nhau nghe.
Dulichgo
Những nếp nhà ẩn hiện dưới bóng đào, dưới tán đào khoe sắc hoa phớt hồng tạo khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Ngắm những rêu phong trên thân đào, trên mái nhà samu, ngắm những cánh hoa phớt hồng bay bay trong gió thật khiến lòng người dịu lại.
< Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, nhìn rõ những thửa ruộng bậc thang, và QL 16 như sợi chỉ vắt qua từng con núi cheo leo.
Trong một tương lai không xa, đến Huồi Cọ chắc sẽ không còn cảnh xe máy ì ạch leo những con dốc sỏi đá lổn nhổn, thay vào đó là con đường bê tông thẳng tắp cùng niềm vui phát triển của dân bản, no ấm về trên bản làng. Rời xa Huồi Cọ, nhưng hình ảnh về cuộc sống thanh bình, về bầu không khí trong trẻo cùng những cánh hoa đào bay bay trong gió, hoa đào rụng trên những mái nhà lợp gỗ samu nâu đen phủ rêu mốc xanh rờn khiến lòng người bâng khuâng lưu luyến với thầm nhủ rồi một ngày sẽ trở lại…
Tổng hợp từ Báo Nghệ An
Du Lịch Sóng Việt | Sovitour.com[/tintuc]